Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Môn Lịch sử thành môn học tự chọn - hiểu thế nào cho đúng?
Bài 2: Thiếu thông tin, nhận định cảm tính, tuỳ tiện
Thứ sáu: 00:32 ngày 22/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trên mạng xã hội và cả trên báo chí chính thống, nhiều ý kiến hiểu sai bản chất câu chuyện, nêu nhận định một cách cảm tính, tuỳ tiện. Có thể họ có trình độ nhưng trong lĩnh vực khác, không phải lĩnh vực giáo dục- một lĩnh vực có tính khoa học rất cao.

Sách giáo khoa Lịch sử cấp THCS, chương trình giáo dục phổ thông năm 2000.

CHỘP GIẬT, CẮT XÉN

Ngày 15.4, trên trang Facebook của một người hành nghề luật sư có dòng trạng thái như sau:

“Truyền hình Quốc gia (VTV1) ngày 9.4.2022, đưa tin: dự kiến môn lịch sử từ năm học 2022-2023 là tự chọn. Tôi thật sự không hiểu nổi, do trình độ non kém hay mưu đồ phá hoại sâu xa? Lịch sử và văn hoá gắn liền với nhau tạo nên bản sắc của một dân tộc.

Mỗi một con người không hiểu biết về lịch sử dân tộc, thì chẳng khác gì một đứa bé vừa mới sinh ra cất tiếng khóc chào đời. Suốt ngày nêu học tập và làm theo lời Bác dạy! Học kiểu gì và làm kiểu gì vậy”.

Sau khi dẫn mấy dòng nêu trên, người này còn dẫn một đoạn trong bài thơ của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta”. Sau khi dòng trạng thái trên xuất hiện, hàng ngàn người like, hàng trăm ý kiến “bình luận”.

Như thường thấy, có rất nhiều ý kiến hùa theo ý kiến vị luật sư và dùng từ ngữ nặng lời, kiểu như tại sao xoá môn Lịch sử, xoá môn học này khác gì xoá... dân tộc, không hiểu Bộ GD&ĐT làm kiểu gì. “Không học sử thì không biết về những thành công, thất bại trong quá khứ để có bài học kinh nghiệm.

Học sử cả đời người chưa xong đừng nói học ở cấp một, cấp hai là đủ rồi sang cấp ba giảm bớt để tránh nhồi nhét, nói như thế các môn khác thì sao không phải nhồi nhét à, tại sao không giảm bớt”- một ý kiến “bình luận”.

“Làm người mà không biết đến cội nguồn, không biết ông cha ta đã sống, có những thành công thất bại, quyết sách ở mỗi thời kỳ, cách ứng xử cho mỗi tình huống, cách nhìn nhận sự việc… để giúp cho ta có sự lựa chọn cho hiện tại và tương lai là rất uổng và vô ơn...

Mù sử sẽ mất khôn! Thế nên ngày xưa môn Lịch sử bao giờ cũng có trong 6 môn thi tốt nghiệp phổ thông... Cải tiến cải lùi học nữa học mãi mà cuối cùng chẳng học được gì: không biết nguồn cội, cha ông ta đã dựng nước và giữ nước ra sao? Dân tộc ta phải đổ biết bao máu xương để có được ngày độc lập và toàn vẹn lãnh thổ như thế nào”?

“Sau này và kể cả bây giờ đã có những ông cử, cậu tú, thạc sĩ mà có thể cả tiến sĩ không biết đến những trận chiến oanh liệt, sự hy sinh của hàng vạn chiến sĩ ở chiến trường biên giới phía Bắc, trận Gạc Ma mới có vài chục năm thôi.

Lịch sử vài trăm năm có thể không nhớ hết nhưng mới có vài chục năm mà không biết thì là một điều ngớ ngẩn của giáo dục chứ không phải của học sinh đâu. SGK lịch sử có vài dòng về cuộc chiến này nay lại không bắt buộc học nữa....”.

“Không học sử thì cũng không cần học văn nữa, học nghề luôn, học kiếm tiền luôn, học giả dối, xu nịnh, học thủ đoạn, mánh khoé, chạy chọt chả phải đang lên ngôi ở xã hội này và được coi là giỏi giang, khôn ngoan sao? Một đứa trẻ không cần biết ông bà, chú bác là ai? Không cần sự giáo dục truyền thống gia đình thì ở tầm quốc gia việc không học sử nó cũng đúng như vậy. Nó sẽ tạo ra những con người lệch lạc, ông bà, chú bác nó còn coi như người dưng thì với quốc gia, cội nguồn chả cần biết là gì”.

Nhóm ý kiến khác lại bày tỏ không tán thành ý kiến của vị luật sư. Một người có học vị tiến sĩ Toán học, viết: “Lịch sử cơ bản cấp 1, cấp 2 học nhiều rồi. Cấp 3 thì lồng vào các môn như Khoa học xã hội và Giáo dục công dân. Còn Lịch sử (tự chọn) là dạng lịch sử chuyên sâu dành cho những em học sinh đi theo hướng này.

Bác nên nghiên cứu kỹ chương trình trước khi phản biện. Học sinh chứ không phải cái túi vạn năng mà người lớn muốn nhét gì thì nhét. Giao quyền tự chọn cho các em là chuẩn rồi. Các em ko muốn học thì có bắt buộc cũng chả ép được”. “Hai bé nhà mình học phổ thông bên Úc đến lớp 11 bắt đầu chọn 4 đến 5 môn để học thôi, sử cũng như vẽ, chả phân biệt môn nào là chính chỉ cần học sinh thích và có khả năng học môn đó thì chọn”.

"Khi trình bày vấn đề nên ghi rõ cho người đọc nắm không nên ghi mơ hồ loại hành văn của người vậy muốn hiểu sao thì hiểu nên tránh”. “Tác giả không tìm hiểu kỹ hay sao? Môn lịch sử vẫn dạy ở cấp 2, chương trình cấp 3 kiến thức nặng nên giảm tải rút gọn lại để học sinh tự chọn.

Thành thực kiến thức cấp 3 rất nặng, nếu một học sinh đam mê khoa học tự nhiên giờ ép học những môn như lịch sử... Thử hỏi giá trị học lắm để làm gì, vì kiến thức cơ sở cấp 2 đã bao hàm đủ rồi. Hay suy nghĩ rộng ra, kiến thức là bao la, nhưng đừng ép con trẻ học lắm như thế, vừa ù não kiến thức vô bổ”.

KHÔNG CÓ CHUYỆN XOÁ MÔN HỌC LỊCH SỬ KHỎI CHƯƠNG TRÌNH PHỔ THÔNG

Trên thực tế, người trong ngành, người dạy môn Lịch sử biết rằng, môn Lịch sử ở cấp THPT chỉ là sự nâng cao kiến thức so với môn học này ở cấp THCS. Còn về nội dung môn học này, ở hai cấp học, không khác nhau bao nhiêu. SGK Lịch sử từ lớp 6 đến lớp 9, học sinh được học xuyên suốt lịch sử loài người từ thượng cổ đến ngày đầu thế kỷ này. Cụ thể như sau:

Lớp 6, học sinh học các nền văn minh phương Đông và phương Tây, lịch sử Việt Nam từ nguyên thuỷ đến năm 939 khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, dựng nền độc lập. Các kiến thức rất cơ bản, ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu.

Lớp 7, học sinh học lịch sử chế độ phong kiến Tây Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á, lịch sử Việt Nam thời phong kiến từ thời nhà Ngô thế kỷ X, xuyên suốt các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, đến Tây Sơn, nhà Nguyễn thế kỷ XIX, một bức tranh tổng quát và cơ bản tình hình kinh tế, xã hội, chính trị, quân sự, văn hoá của Việt Nam suốt 10 thế kỷ.

Lớp 8, học sinh học lịch sử thế giới cận đại về các cuộc cách mạng tư sản nổi tiếng như Anh, Hà Lan, Mỹ, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Trung Quốc, các cuộc chiến tranh thế giới... buổi đầu của chủ nghĩa thực dân, khu vực Đông Nam Á... và phần lịch sử Việt Nam cận đại rất đầy đủ từ khi Pháp xâm lược năm 1858 đến hết chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Lớp 9, học sinh học lịch sử thế giới hiện đại và lịch sử Việt Nam hiện đại từ đầu thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI.

“Xem thế đủ biết, chỉ cần học đến lớp 9 học sinh đã được trang bị đầy đủ những kiến thức phổ thông về lịch sử thế giới và Việt Nam từ khi loài người xuất hiện đến ngày nay. Điều này đủ đáp ứng yêu cầu của Bác Hồ: dân ta phải biết sử ta/ cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, biết bao những người con dân Việt đã ngã xuống bảo vệ nền độc lập, trong đó không ít người không có hiểu biết gì về lịch sử cũng như các môn khoa học khác, thậm chí còn mù chữ... Mọi thứ chỉ là tương đối, cho môn Sử là quan trọng nhất trong các môn học ở trường phổ thông, dẫn đến làm khó cho Bộ GD&ĐT trong chương trình cải cách sắp tới”- một ý kiến nêu.

Như vậy, có thể thấy, chỉ từ một ý kiến không đầu không cuối, phần đông ý kiến đã bị dẫn dắt, a dua theo kiểu “thấy người ta nói mình cũng nói để ra vẻ ta đây có hiểu biết”. Môn Lịch sử không hề bị xoá khỏi chương trình phổ thông. Môn học này, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp THCS có tên gọi “Lịch sử và Địa lý”, còn ở cấp THPT, Lịch sử là môn tự chọn.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh