Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Một Tây Ninh trong tương lai
Bài 3: Ba vùng phát triển, bốn trục động lực
Thứ sáu: 23:55 ngày 05/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo phương án quy hoạch, các hoạt động kinh tế - xã hội Tây Ninh sẽ có “3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội”.

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng (ảnh tư liệu)

Ba vùng

Vùng 1 gồm thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía Nam huyện Dương Minh Châu. Đây là vùng phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ có tính lan toả kết nối với hồ Dầu Tiếng, và nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, tâm phát triển của vùng 1 là tam giác Trảng Bàng - Phước Đông - Gò Dầu.

Vùng 2 gồm thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, vùng phía Tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía Đông huyện Châu Thành. Vùng 2 là trung tâm hành chính, văn hoá, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm chủ đạo, tiếp đến là công nghiệp hỗ trợ và chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.

Vùng 3 gồm huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía Tây huyện Châu Thành và phía Bắc huyện Bến Cầu. Đây là vùng phát triển nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng an sinh xã hội và du lịch sinh thái ở các khu vực Lò Gò - Xa Mát, rừng Hoà Hội, sông Vàm Cỏ Đông.

Bốn trục

Trục số 1 gắn với cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và quốc lộ 22, 22B, là hành lang phát triển Bắc Nam chính của tỉnh Tây Ninh.

Trục số 2 gắn với tuyến đường N2 và quốc lộ 22, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng phía Nam, kết nối với quốc lộ 13, quốc lộ 14 tới sân bay Long Thành.

Trục số 3 gắn với tuyến Đất Sét - Bến Củi - Bến Cầu, là tuyến vành đai trung chuyển hàng hoá giữa Khu công nghiệp Bến Củi, Thạnh Đức, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi Campuchia, kết nối với TP. Hồ Chí Minh thông qua các nút giao thông giao với đường cao tốc CT31, CT32 và kết nối về phía Đông đi Bình Dương và Tây Nguyên.

Trục số 4 gắn với đường tỉnh 781, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng trung tâm.

Vành đai an sinh xã hội: Gắn với cao tốc dọc biên giới, kết nối liên vùng với đồng bằng sông Cửu Long qua Long An và Tây Nguyên qua Bình Phước, là hành lang hỗ trợ an ninh quốc phòng và an sinh cho vùng phía Bắc.

Phương án quy hoạch hệ thống đô thị

Đến năm 2030: Khi đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phấn đấu phân loại 16 đô thị, gồm:

1 đô thị loại II: Thành phố Tây Ninh (định hướng quy hoạch, tiếp tục phấn đấu đầu tư xây dựng hoàn thiện đạt cơ bản các tiêu chí của đô thị loại I).

3 đô thị loại III: Trảng Bàng, Hoà Thành, Gò Dầu (gồm Phước Đông).

5 đô thị loại IV: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, 2 đô thị mới Bến Cầu, Dương Minh Châu (gồm Bàu Năng).

7 đô thị mới loại V: Tân Lập, Mỏ Công, Trà Vong thuộc huyện Tân Biên; Tân Đông, Tân Hưng thuộc huyện Tân Châu và Thái Bình, Thanh Điền thuộc huyện Châu Thành.

Phương án phát triển khu vực nông thôn

Phát triển nông thôn trên cơ sở duy trì sự ổn định của hệ thống dân cư hiện hữu, củng cố kinh tế nông thôn, sản xuất nông nghiệp, du lịch cộng đồng, làng nghề khu vực nông thôn, cải thiện thu nhập, giảm nghèo, cải thiện chất lượng nhà ở và cuộc sống của người dân. Trong quá trình phát triển cần cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế xã hội với việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái nông thôn, tôn tạo và phát huy giá trị và bản sắc cộng đồng, làng nghề truyền thống, kiến trúc cảnh quan địa phương.

Phát triển các khu chức năng

Khu công nghiệp: Định hướng bố trí, phát triển các khu công nghiệp phân bố chủ yếu theo các trục quốc lộ 22, quốc lộ 22B, cao tốc Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh, các trục DT.784, 789, 782. Hướng kết nối với trung tâm kinh tế của Vùng TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và kết nối Bình Dương - Tây Ninh - Long An, nằm trong vùng động lực kinh tế của tỉnh tại Trảng Bàng, Gò Dầu và Dương Minh Châu. Hướng này có điều kiện về quỹ đất, thuận lợi cho việc kết nối các hạ tầng; đây cũng là những khu vực thuận lợi cho việc thu hút lao động, đặc biệt thuận lợi kết nối thị trường, kết nối với các cảng hàng không, cảng biển lớn tại TP. Hồ Chí Minh.

Khu kinh tế: Tiếp tục phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát theo định hướng và động lực mới, tạo đột phá góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam bộ.

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trở thành vùng động lực mới, cực tăng trưởng phát triển kinh tế có tầm cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với các chức năng công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ - du lịch và nông - lâm nghiệp; là đầu mối giao thương quan trọng của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữa Việt Nam với Campuchia và khu vực ASEAN.

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát theo hướng phát triển các dịch vụ cửa khẩu, kho bãi, logistics, tận dụng được quỹ đất đã bồi thường giải toả để kêu gọi thu hút các dự án đầu tư. Tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hiện hữu đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn khu kinh tế cửa khẩu.

Cụm công nghiệp: Phát triển các cụm công nghiệp theo hướng tổng hợp đa ngành, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm môi trường như cơ khí chế tạo, cơ khí lắp ráp, thiết bị điện, điện tử; dệt may và sản xuất nguyên phụ liệu, giày dép; chế biến nông sản thực phẩm và hàng tiêu dùng; thiết bị dụng cụ y tế; xử lý chất thải; công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp. Đến năm 2030, tỉnh có 10 cụm công nghiệp, tổng diện tích 583,18 ha.

Vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Phát triển 20 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu, Tân Biên, Gò Dầu, Châu Thành, và thị xã Trảng Bàng. Các vùng sản xuất tập trung bao gồm: Vùng sản xuất lúa tập trung, chất lượng cao; vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, hữu cơ; vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao, hữu cơ; vùng sản xuất cây công nghiệp; vùng sản xuất chăn nuôi tập trung.

Trong giai đoạn thực hiện, tổ chức rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung về vị trí, quy mô hằng năm phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương; công nhận sớm các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt điều kiện sớm hơn dự kiến.

Khu du lịch

Tiếp tục tập trung đầu tư phát triển các dự án thuộc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trở thành khu du lịch đặc sắc, đẳng cấp, mang tầm quốc gia và quốc tế. Khai thác đa mục tiêu hồ Dầu Tiếng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, du lịch nói riêng.

Trong đó, tập trung xem xét điều chỉnh, tạo điều kiện thúc đẩy triển khai nhanh các dự án thương mại - dịch vụ - du lịch đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời nghiên cứu phát triển đa dạng hoá các loại hình du lịch, thương mại, dịch vụ những nơi phù hợp tại khu vực hồ Dầu Tiếng. Gắn kết Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam với các dự án du lịch sinh thái thuộc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát thành chuỗi du lịch đặc sắc hấp dẫn. Phát triển du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, kết hợp với du lịch đường sông dọc hành lang sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn tạo sự đa dạng, phong phú về loại hình du lịch địa phương.

Quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ quốc phòng, an ninh vững chắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Nắm chắc và dự báo đúng tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trong nội địa và trên tuyến biên giới, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chủ động, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.

Việt Đông

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục