BAOTAYNINH.VN trên Google News

Họ đã sống những năm tháng như thế

Bài 3: Cho mai sau 

Cập nhật ngày: 22/04/2023 - 07:46

BTN - Những người nhóm phóng viên gặp để thực hiện loạt bài này (ngoài những nhân vật chính trong bài), chúng tôi còn có những cuộc trò chuyện “không ghi biên bản”, tất cả họ đều chung một suy nghĩ: ủng hộ đường lối đối ngoại hoà bình của Đảng và Nhà nước. Việt Nam là đối tác tốt, đáng tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Những người đi qua cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc ngồi bên nhau trong cảnh đất nước hoà bình.

Mười tám năm trước- năm 2005, một số tờ báo điện tử (lúc này internet, mạng xã hội chưa thật sự phát triển) đăng tải bài báo có nhan đề “Bức thư có một không hai gửi lại người đang sống”. Bức thư đặc biệt này được rút ra từ cuốn sách “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” của cố Thượng tướng Trần Văn Trà (NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 2005). Hiện nay có thể dễ dàng tìm thấy bức thư này trên nền tảng internet và một số báo điện tử còn lưu lại.

NGUỒN GỐC, NỘI DUNG LÁ THƯ

Theo tài liệu, bức thư được gói kỹ càng để lại giữa cánh rừng nguyên sinh tại thượng nguồn sông Đồng Nai bên cạnh 3 bộ hài cốt của 3 chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1 (Trung đội Ký Con, Trung đoàn Bình Giã, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam).

Tác giả cuốn sách, Thượng tướng Trần Văn Trà kể, mùa xuân năm 1984, trong một chuyến khảo sát để quy hoạch cơ sở sản xuất, đoàn cán bộ Nông trường Giải phóng tỉnh Sông Bé (nay thuộc Bình Dương) ngược thượng nguồn sông Đồng Nai tới một vùng đồi rừng nguyên sinh đã bàng hoàng trước một cảnh tượng rất đỗi thiêng liêng.

Trên 3 chiếc võng dù cùng cột chung đầu vào một thân cây, là 3 bộ hài cốt của 3 chiến sĩ quân giải phóng. Cạnh mỗi bộ hài cốt có một khẩu súng AK han gỉ, một đôi dép cao su. Những bí ẩn về sự hy sinh của 3 chiến sĩ giải phóng quân nhanh chóng được làm sáng tỏ bởi bức thư bọc gói kỹ càng trong ni-lông và cột chặt ở đầu võng.

Tư liệu, tài liệu để lại cho ta biết, sau trận tập kích của Trung đoàn Bình Giã và một số đơn vị khác thuộc Bộ Tư lệnh Miền, tháng 2.1966, trên đường rút về hậu cứ, một tiểu đội, trong đó có các anh Vũ, Chí, Dũng, được phân công nghi binh, đánh lạc hướng địch để trung đoàn trở về an toàn.

Một tiểu đội mười một người với những chiếc bật lửa và vài chiếc máy thông tin, mỗi người một khẩu AK đã làm tròn nhiệm vụ tạo dấu vết một trung đoàn hành quân về hậu cứ sau trận tập kích thắng lợi. Sau mấy ngày băng rừng, vượt suối, hứng chịu hàng chục phi vụ rải thảm của B52, 8 người hy sinh; phương tiện thông tin hư hỏng. Vượt qua những ngày “đói quay đói quắt…, khát như khô cháy cả ruột gan…”, mình đầy thương tích, ba chiến sĩ còn lại đã tới được cánh rừng này. Sức kiệt, không thể đi tiếp, không còn phương tiện thông tin, các anh quyết định dừng lại và “chọn khu rừng đẹp đẽ này làm nơi an nghỉ cuối cùng…”. Thư viết: “Nhưng rồi các bạn giục kết thúc lá thư đi thôi. Thời gian không chờ chúng tôi nữa.

Chúng tôi đã cảm thấy sắp đến giờ phải từ giã cõi đời này rồi. Trước khi ra đi, thư phải được bảo quản cẩn thận để tránh thời gian mưa nắng phũ phàng. Thư phải về tới tay những người đang sống… Nếu lá thư này được về với đồng đội chúng tôi trong Trung đoàn BG quân giải phóng miền Nam hay một đơn vị bạn nào đó qua đây, xin chuyển lên giùm cấp trên.

Tiểu đội Giải phóng quân chúng tôi trong Trung đội “Ký Con” đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn.

Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 năm - 10 năm - tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi - gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa.

Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng. Hay trong trường hợp đến 50-100 năm sau, thư này mới tới những người, có thể gọi là thế hệ mai sau, thì cho phép chúng tôi gửi lời chào xã hội chủ nghĩa, cho phép chúng tôi bày tỏ vui mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hoà bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta mà chúng tôi trở thành những hạt bụi có ích.

Và hơn thế nữa nếu được, cho chúng tôi gửi lời chào niềm nở nhất đến những con người ở những vì sao xa xôi, những người bạn mới giữa các hành tinh. Mùa Xuân giữa rừng miền Đông Nam Bộ. Vũ-Chí-Dũng”.

Hình ảnh tư liệu tại thủ đô kháng chiến: Căn cứ Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

“ĐÃ QUA NỖI ĐÊM NAM NGÀY BẮC”

Nhóm phóng viên thực hiện loạt bài này xin phép trích dẫn lại bức thư có một không hai nêu trên, bởi lẽ, bức thư viết chung của ba chiến sĩ ấy, không khác gì giấy báo tử, xét về mặt thông tin. Điều đặc biệt của bức thư ở chỗ, trước khi hy sinh vì Tổ quốc, vì sự nghiệp thống nhất non sông, dù sức tàn lực kiệt nhưng họ đã để lại cho mai sau những thông điệp vô cùng trong sáng, tươi đẹp và không kém phần lãng mạn, kể cả sự tưởng tượng bay bổng.

Cách nay đã lâu, trong lần đi công tác, chúng tôi có dịp gặp một số cựu chiến binh, họ là những người lính của Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 từ khắp nơi trên cả nước về họp mặt tại nhà của một đồng ngũ cũ, ở huyện Tân Biên.

Buổi gặp mặt hôm ấy có khoảng 50 người, trong số đó có một người tên Cao Văn Thành. Khi lên đường đánh giặc, điều Thành suy nghĩ nhiều nhất không phải cái chết mà chính là tình yêu. Thành không sợ mình chết mà chỉ sợ tình yêu của mình sẽ chết. Khoác ba lô lên vai, đầu không ngoảnh lại, nhưng anh biết “có một người con gái tuổi hai mươi” đang chờ anh từng ngày.

Một năm sau, cô thôn nữ ấy nhận được tin Thành hy sinh. Không còn hy vọng, cất giấu mối tình đầu vào nơi sâu thẳm của trái tim, chị đi lấy chồng. Chiến tranh kết thúc, “liệt sĩ trở về”. Thêm một lần, người phụ nữ ấy lại khóc.

“Có thể cô ấy vui, vì người yêu cũ còn sống và trở về. Nhưng cũng có thể đó là giây phút se lòng, vì mối tình đầu tan vỡ. Tôi đã nói với cô ấy rằng, không ai có lỗi. Tất cả là do chiến tranh. Vì vậy, chúng tôi, những người đi qua chiến tranh chỉ mong đất nước ta hoà bình”- ông Thành nói.

Trên thế giới, có lẽ không nơi đâu, không quốc gia nào lại chịu nhiều đau thương, mất mát bởi chiến tranh như Việt Nam. Chỉ tính riêng nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, nếu tính theo năm, Việt Nam mất 117 năm (1858-1975) để đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành lại giang sơn, thống nhất đất nước, thực hiện quyền tự quyết dân tộc. Hàng triệu tấn bom đạn dội xuống mảnh đất hình chữ S, chỉ rộng hơn 300 ngàn ki-lô-mét vuông.

Hàng triệu người Việt Nam đã lần lượt nằm xuống vì sự sinh tồn của Tổ quốc. Theo thống kê, trong các cuộc kháng chiến, cả nước đã có 1.146.250 anh hùng, liệt sĩ hy sinh, trong đó 191.605 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp; 849.018 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. 105.627 liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính tên tuổi, quê quán, đơn vị. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, có hơn 4 triệu dân thường ở hai miền Bắc - Nam đã chết và bị thương tật suốt đời do bom đạn, do kẻ thù giết hại.

Đóng góp vào sự nghiệp cách mạng, cả nước có trên 9.000.000 người có công; 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng có chồng, con hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; trên 13.000 Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động; gần 800.000 thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh…

Con số thống kê nêu trên chưa hẳn đã đầy đủ và chắc chắn không phải con số sau cùng. Để đất nước được hoà bình, thống nhất, Bắc Nam liền một dải như hôm nay, chúng ta đã hy sinh rất lớn về mọi mặt: nhân mạng, nguồn lực con người, nguồn lực vật chất, thời gian… không một bút mực nào tả xiết. Trong bộ phim Ván bài lật ngửa, nhân vật Nguyễn Thành Luân (nguyên mẫu nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo) nói với những người đứng đầu ở phía bên kia chiến tuyến rằng: “Chúng tôi chấp nhận đổ máu để chấm dứt vĩnh viễn đổ máu”.

Hơn ai hết, Việt Nam biết phải làm gì, làm như thế nào để giữ vững chủ quyền, giữ môi trường hoà bình, quan hệ tốt với tất cả các quốc gia. Những người nhóm phóng viên gặp để thực hiện loạt bài này (ngoài những nhân vật chính trong bài), chúng tôi còn có những cuộc trò chuyện “không ghi biên bản”, tất cả họ đều chung một suy nghĩ: ủng hộ đường lối đối ngoại hoà bình của Đảng và Nhà nước. Việt Nam là đối tác tốt, đáng tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Hơn một lần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam ủng hộ hoà bình, chọn lẽ phải, không chọn bên.

Việt Đông - Hoàng Yến

Tin liên quan
  • Bài 1: Dòng máu Việt trong tim 

    Bài 1: Dòng máu Việt trong tim

    Trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập cho dân tộc, không chỉ thanh niên trong nước, thanh niên người Việt Nam tuy sinh ra và lớn lên ở nước ngoài cũng tham gia, vì “Tổ quốc cho anh dòng sữa tự hào”.

  • Bài 2: Cậu bé người khmer cứu sống anh giải phóng quân 

    Bài 2: Cậu bé người khmer cứu sống anh giải phóng quân

    Thật may mắn, một cậu bé chừng 14-15 tuổi nhận ra anh giải phóng quân. Cậu bé này quả quyết với dân làng, đây là người đã gửi xe máy ở làng. Lúc đó, bà con người Campuchia vội đưa ông Lâm xuống hầm để tránh những trận pháo tiếp theo...