Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Vì một xã hội “thượng tôn pháp luật”
Bài 3: Đưa pháp luật đến gần các đối tượng đặc thù
Thứ bảy: 07:28 ngày 12/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chú trọng củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, tập trung rèn luyện kỹ năng tuyên truyền. Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng đặc thù, chú trọng, nhân rộng và phát huy các mô hình đã mang lại hiệu quả.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh đã và đang được các cấp, ngành quan tâm thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú trên từng địa bàn, nhóm đối tượng, qua đó giúp họ có điều kiện tiếp cận các chính sách pháp lý phù hợp, thiết thực.

Đối tượng đặc thù là những trường hợp có điều kiện đặc biệt nên việc tiếp cận pháp luật còn nhiều hạn chế. Việc tuyên truyền, giới thiệu, giải thích, hỗ trợ pháp lý cho các đối tượng này là việc làm cần thiết, có ý nghĩa. Hoạt động này không chỉ giúp nắm vững kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ dân trí, mà còn tạo điều kiện cho đối tượng tiếp cận  các chính sách, quy định liên quan đến mình.

Tăng khả năng tiếp cận

Năm 2024, Phòng Tư pháp huyện Tân Châu phối hợp UBND thị trấn Tân Châu thực hiện mô hình tuyên truyền, trợ giúp pháp luật cho đối tượng đặc thù là người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá trên địa bàn Thị trấn.

Để thực hiện mô hình, UBND Thị trấn chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, Công an rà soát trường hợp chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, tù tha trước thời hạn có điều kiện, người thi hành án hình sự tại cộng đồng để có định hướng tuyên truyền, cảm hoá họ chấp hành tốt pháp luật; giới thiệu việc làm; quản lý mối quan hệ, phát hiện kịp thời để răn đe, giáo dục khi có biểu hiện bị lôi kéo của các đối tượng xấu. Quá trình thực hiện có sự hỗ trợ từ lực lượng Công an trong công tác PBGDPL đối với gia đình đối tượng, định hướng nội dung tác động giáo dục của gia đình đối với đối tượng.

Trong năm, Phòng Tư pháp huyện phối hợp UBND Thị trấn trực tiếp tuyên truyền pháp luật cho 8 đối tượng là người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá; cấp phát 40 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền; tặng quà cho các đối tượng, mỗi phần trị giá 200.000 đồng/người.

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Dương- Trưởng Phòng Tư pháp huyện cho biết, nội dung tuyên truyền, tư vấn pháp luật sẽ gợi mở những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống hằng ngày liên quan đến các thủ tục hành chính như thủ tục làm căn cước, hộ tịch, chứng thực… Hình thức tuyên truyền như một cuộc trò chuyện, xoay quanh vấn đề mà các đối tượng cần được hỗ trợ, tư vấn.

“Thông qua các buổi tuyên truyền, chúng tôi động viên, thăm hỏi để tạo được sự gắn kết, gần gũi giữa cán bộ, công chức với người từng có tiền án, tiền sự, giúp họ xoá bỏ được mặc cảm, tự ti để hoà nhập cộng đồng”- Trưởng Phòng Tư pháp huyện Tân Châu chia sẻ.

“Câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật” cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Bước đầu, công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn thị trấn Tân Châu đạt được những kết quả nhất định, hạn chế tỷ lệ tái phạm đối với người chấp hành xong hình phạt tù và người chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Một số người đã trở thành tuyên truyền viên tích cực cho những người xung quanh mình.

Anh K.N.C (ngụ khu phố 3, thị trấn Tân Châu) bộc bạch: “Quá khứ lầm lỡ từng đẩy tôi vào con đường lao lý, thấm thía những ngày tháng ấy tôi càng quyết tâm xây dựng lại cuộc đời. Từ khi trở về địa phương, tôi được chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đến gặp gỡ, động viên và tuyên truyền, phổ biến pháp luật để bớt mặc cảm, tu chí làm ăn, phát triển kinh tế”.

Tuy nhiên, công tác PBGDPL cho những trường hợp này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: đa số nhóm đối tượng đặc thù có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thường đi làm ăn xa nên việc tuyên truyền còn khó khăn. Nhiều đối tượng mặc cảm, tránh tiếp xúc với cán bộ tuyên truyền, chưa chịu hợp tác trong quá trình tư vấn pháp luật còn e dè, không chịu tiếp xúc nên hiệu quả công tác PBGDPL đôi khi chưa cao…

Trưởng Phòng Tư pháp huyện Tân Châu cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù; phối hợp các ngành liên quan kiến nghị cấp có thẩm quyền chú trọng đến công tác hỗ trợ vốn vay, giới thiệu việc làm phù hợp, tạo điều kiện cho đối tượng có việc làm ổn định, tái hoà nhập cộng đồng. 

Chú trọng củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, tập trung rèn luyện kỹ năng tuyên truyền. Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng đặc thù, chú trọng, nhân rộng và phát huy các mô hình đã mang lại hiệu quả”.

Đưa pháp luật về vùng biên

Hoà Thạnh là xã vùng sâu biên giới của huyện Châu Thành, có đường biên tiếp giáp Campuchia, gồm 5 ấp, 1.257 hộ với hơn 4.500 nhân khẩu, trong đó có 162 hộ dân tộc Khmer, 673 nhân khẩu. Phụ nữ dân tộc từ 18 tuổi trở lên có trên 1.500 người, trong đó hội viên dân tộc thuộc Hội Phụ nữ xã là 118 chị. Đời sống chủ yếu của chị em là sản xuất, chăn nuôi, làm thuê và làm ở xí nghiệp.

Để nâng cao nhận thức pháp luật của chị em, Hội Phụ nữ xã chủ động, sáng tạo triển khai nhiều mô hình, cách làm hay trong tuyên truyền, nổi bật là “Câu lạc bộ tuyên truyền, PBGDPL” cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại ấp Hiệp Phước với 12 thành viên đã và đang phát huy hiệu quả.

Chị Phùng Thị Kim Ân- Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, CLB sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng, thông qua các buổi họp đã tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động phong trào Hội, quy định pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống mua bán người…; thực hiện tư vấn pháp luật; kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh từng gia đình hội viên, phụ nữ để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

“Thông qua hoạt động mô hình đã tập hợp, thu hút được nhiều phụ nữ tham gia sinh hoạt vào tổ chức Hội, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu trang bị kiến thức pháp luật của chị em, giúp các hộ dần vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Hội sẽ tiếp tục duy trì và nâng chất để phát huy hiệu quả của mô hình đến với chị em phụ nữ nhiều hơn”- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoà Thạnh nói.

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 xác định 6 nhóm đối tượng đặc thù, gồm người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo.

Chị Um Ươn- Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Hiệp Phước chia sẻ, khi chưa thành lập câu lạc bộ, một số chị em dân tộc chưa có hiểu biết sâu về pháp luật. Nhờ tham gia sinh hoạt mô hình thường xuyên mà nhận thức pháp luật của mọi người ngày càng nâng cao, hình thành thói quen “sống, làm theo Hiến pháp và pháp luật”, góp phần kéo giảm tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật ở địa phương.

Năm 2024, thành viên của câu lạc bộ phối hợp với hoà giải viên của xã, ấp tổ chức hoà giải 2 cuộc liên quan đến tranh chấp đất, mâu thuẫn gia đình. Thông qua các buổi hoà giải, thành viên câu lạc bộ đã tuyên truyền các nội dung liên quan đến Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Chăm sóc, bảo vệ trẻ em cho các đối tượng được hoà giải. Bên cạnh đó, các thành viên trong câu lạc bộ thực hiện góp vốn xoay vòng giúp nhau phát triển kinh tế, cải thiện đời sống (mỗi thành viên đóng góp 500.000 đồng/tháng).

Thiên Di - Phương Thảo

(còn tiếp)

 

Tin cùng chuyên mục