Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mỗi ngày, anh em phải di chuyển tuần tra rừng từ 30-40km bằng xe máy và cả đi bộ, trong khi hệ thống đường tuần tra rừng hầu hết là đường đất “nắng bụi, mưa lầy”.
Lực lượng Kiểm lâm và Bảo vệ rừng phối hợp tuần tra trong VQG Lò Gò - Xa Mát.
Những ngày tháng 4, tháng 5, thời tiết nắng nóng, hơn 73.000 ha rừng ở Tây Ninh trong trạng thái cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Nhiều trảng cỏ, vạt rừng ven đường dễ bị cháy lớn nếu có lửa- nhất là khu vực biên giới và khu vực ven sông Sài Gòn, giáp với tỉnh Bình Phước, đòi hỏi các chủ rừng không ngừng triển khai thực hiện nhiều phương án bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), ngày đêm “ăn, ngủ trong rừng”... Mặc dù công việc vất vả, thu nhập thấp, nhưng họ vẫn kiên trì bám trụ với nghề.
Trạm gác là nhà, rừng là quê hương
“Cứ vào mùa khô, chúng tôi phải đương đầu với hai mặt trận, một là quản lý, bảo vệ rừng, hai là phòng cháy, chữa cháy rừng. Phá rừng, trộm cắp lâm sản, cố tình đốt rừng… là những chuyện gần như cơm bữa mà anh em BVR chúng tôi phải đối diện, xử lý.
Để giữ rừng, chúng tôi phải thường xuyên túc trực ở rừng, coi trạm gác là nhà, rừng là quê hương”, ông Châu Văn Văn- Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò - Xa Mát chia sẻ với chúng tôi trong chuyến về thăm rừng.
Dưới cái nắng gần 40oC những ngày đầu tháng 5, giữa đồng trảng mùa này chỉ là một bãi cỏ khô, với hàng chục ki-lô-mét đường băng cản lửa đã được cày sẵn, phòng khi có cháy. Trên ngọn tháp cao 33m chơi vơi giữa trảng Tà Nốt, gió khô hanh, nóng bức, anh em nhân viên bảo vệ rừng vẫn túc trực ngày đêm để canh lửa, phát hiện đám cháy từ sớm, từ xa.
Đứng trên ngọn tháp cao, hai tay cầm chiếc ống nhòm quan sát, anh Lê Quang Bản- Phó trưởng Phòng Quản lý, bảo vệ rừng VQG Lò Gò - Xa Mát chia sẻ, anh vào nghề từ năm 1998, thường xuyên đối mặt với những đối tượng phá rừng, đặt bẫy, cố ý đốt rừng.
“Chỉ một chút bất cẩn như việc người dân dùng lửa đốt ong hay ai đó lỡ tay vứt tàn thuốc lá cũng có thể làm cháy rừng. Nhờ tháp cao, phương án phòng cháy chữa cháy chặt chẽ, chúng tôi đã nhanh chóng xử lý, kịp thời dập tắt nhiều đám cháy, không để cháy lan trên diện rộng, tài nguyên rừng không bị thiệt hại”- anh Bản cho biết.
Theo anh Bản, công tác phòng, chống cháy rừng, chống lâm tặc càng phức tạp hơn nếu làm căng, bằng cách này hay cách khác, các đối tượng sẽ phản ứng tiêu cực, thậm chí ra tay đốt rừng. Thông thường, đối tượng chuyên phá rừng, trộm cắp lâm sản đi theo nhóm, khoảng 3-4 người.
Tuy nhiên, đối mặt với các đối tượng này, lực lượng BVR khó có thể tránh khỏi hiểm nguy. Khi bị bắt quả tang, hay lập biên bản tịch thu phương tiện, công cụ, lực lượng BVR không tránh khỏi bị “gây sự”, bị chửi mắng, gây hấn, thậm chí còn bị hành hung.
“Chúng tôi bắt quả tang thì cũng lập biên bản rồi giao cho Kiểm lâm xử lý. Nhưng như vậy, họ càng “gây hấn” với anh em nhiều hơn. Mới đây, anh em BVR bị một số đối tượng hành hung trong quá trình ngăn chặn bẫy bắt động vật hoang dã trong khu rừng Chàng Riệc. Đối tượng rất manh động. Rất may anh em chỉ bị xây xát nhẹ, sự việc sau đó được bàn giao cho chính quyền địa phương xử lý”- anh Lê Quang Bản cho biết thêm.
Thống kê đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 70 vụ vi phạm quy định Luật Lâm nghiệp (tăng 1 vụ so với cùng kỳ). Ngành Kiểm lâm đã điều tra, xử lý 50 vụ, xử phạt hành chính và thu nộp ngân sách trên 274 triệu đồng. Luỹ kế quý I năm 2023 đã xảy ra 3 vụ cháy rừng, với diện tích 6,2 ha, tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm trước.
Anh Bản chia sẻ: “Trước đây, anh em BVR phải đi phục ban đêm, mang tăng, võng, thức ăn nước uống vào ăn, ngủ trong rừng. Từ khi BQL sử dụng công nghệ gắn chip, bẫy ảnh trên các đường mòn trọng điểm, chỉ cần nghe báo động là anh em lập tức chạy tới nơi xử lý ngay. Nói tới giữ rừng, chuyện dài tập lắm. Chỉ có anh em làm nghề bảo vệ rừng mới hiểu!”.
Anh Lê Quang Bản (bên phải) cùng đồng nghiệp sử dụng ống nhòm chuyên dụng quan sát trên ngọn tháp canh ở khu vực trảng Tà Nốt
Nỗ lực vượt khó
Đầu năm 2021, Khu rừng lịch sử - văn hoá Chàng Riệc (cũ, diện tích 10.812 ha) sáp nhập VQG Lò Gò - Xa Mát (19.210 ha), việc sáp nhập thuộc quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 1976 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Châu Văn Văn, sau khi sáp nhập, diện tích Vườn di sản ASEAN tăng trên 30.000 ha (nằm trên địa bàn 6 xã thuộc huyện Tân Biên), đồng nghĩa với trách nhiệm của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng càng nhiều hơn.
Vành đai rừng biên giới phải được canh giữ ngày đêm nghiêm ngặt. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố nên công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và PCCCR vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Đơn vị đang quản lý 28 tiểu khu, có chiều dài biên giới giáp Campuchia hơn 49km, chia thành ba phân khu chức năng: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính dịch vụ.
Giám đốc BQL VQG Lò Gò - Xa Mát Châu Văn Văn có gần 40 năm gắn bó với nghề lâm nghiệp. Chứng kiến các đồng nghiệp lần lượt rời khỏi đơn vị vì không chịu nổi môi trường làm việc thiếu thốn, thường xuyên xa gia đình để ngày đêm bám rừng làm nhiệm vụ, những nơi nguy hiểm, phức tạp họ phải có mặt và luân phiên mật phục canh giữ. Các trạm nằm sâu trong rừng còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thậm chí có nơi không điện, sóng điện thoại, wifi...
“Mỗi ngày, anh em phải di chuyển tuần tra rừng từ 30-40km bằng xe máy và cả đi bộ, trong khi hệ thống đường tuần tra rừng hầu hết là đường đất “nắng bụi, mưa lầy”. Đã làm lính canh rừng thì không tránh khỏi chuyện xa nhà, nếu gia đình hiểu thì giữ được hạnh phúc. Thật sự thì đã có nhiều người bị dang dở, không giữ được hạnh phúc gia đình”- ông Văn chia sẻ.
Lực lượng BVR kiểm tra chất lượng máy móc phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Ông cho biết thêm, biên chế Kiểm lâm và BVR chuyên trách hiện nay rất mỏng, địa hình phụ trách rộng lớn khiến công tác QLBVR gặp nhiều áp lực. Một người làm nhiệm vụ quản lý khoảng 500 ha rừng, trong khi rừng không có cửa, xung quanh lại tiếp giáp với dân cư vùng đệm. “Nếu dân cư vùng đệm ổn định cuộc sống, không sống phụ thuộc vào rừng thì tốt. Nhưng nếu dân cư vùng đệm còn khó khăn, vùng lõi chịu áp lực rất lớn”- ông Văn nói.
Công việc quản lý, bảo vệ rừng là một trong những công việc vất vả, nhiều áp lực. Tuy nhiên, với mức thu nhập thấp, trung bình chỉ từ 3-5 triệu đồng/người/tháng, chưa bảo đảm cuộc sống, nhiều người lần lượt xin nghỉ việc để tìm công việc khác vì không chịu nổi áp lực.
Trong khi đó, việc tuyển dụng nhân sự lĩnh vực này cực kỳ khó khăn. “Trong năm 2022, VQG có 6 người nghỉ việc, một số người trẻ tuổi làm việc một thời gian ngắn rồi nghỉ vì không chịu nổi khó khăn, thiếu thốn.
Một số người có kinh nghiệm cũng không chịu nổi mức lương thấp nên xin chuyển sang công việc khác để chăm lo tốt hơn cho gia đình. Đã có nhiều chính sách tuyển dụng, thu hút người dân địa phương, bộ đội phục viên nhưng vẫn không tuyển đủ lực lượng chuyên trách do họ không mặn mà với nghề giữ rừng”- ông Văn tâm sự.
Để chia sẻ những khó khăn của nghề giữ rừng, ngoài lương cơ bản, mỗi anh em BVR hiện nay được tỉnh hỗ trợ thêm 1,6 triệu đồng/tháng tiền ăn, tiền đi lại. Đây là chính sách ưu đãi để anh em BVR phần nào an tâm công tác, gắn bó với nghề.
“Kiểm lâm có phụ cấp thâm niên nghề, chức vụ nếu là công chức ngành. Còn anh em BVR, ngoài lương và tiền hỗ trợ 1,6 triệu đồng hằng tháng, anh em không có ưu đãi hay chế độ phụ cấp nghề như Kiểm lâm.
Nên xem lực lượng BVR chuyên trách như Kiểm lâm, vì công việc như nhau, thậm chí BVR còn ở rừng nhiều hơn Kiểm lâm, do đó cần có các khoản phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp khác để hỗ trợ, động viên lực lượng này yên tâm gắn bó với nghề”- ông Văn kiến nghị.
Tâm Giang - Phương Thuý
(còn tiếp)