Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khơi dậy sức mạnh con người Việt Nam qua các giá trị văn hoá
Bài 3: Giữ gìn di sản văn hoá
Chủ nhật: 23:51 ngày 13/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong thời kỳ vừa qua, các hoạt động văn hoá, nhất là lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, lĩnh vực văn học nghệ thuật, lĩnh vực thông tin đại chúng có nhiều thành tựu trong việc khẳng định, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc; sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật và sản phẩm truyền thông để tuyên truyền, cổ vũ, khơi dậy khát vọng về một Việt Nam hùng cường, hạnh phúc.

Biểu diễn nghệ thuật Ký ức Hội An.

Trong thời kỳ vừa qua, các hoạt động văn hoá, nhất là lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, lĩnh vực văn học nghệ thuật, lĩnh vực thông tin đại chúng có nhiều thành tựu trong việc khẳng định, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc; sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật và sản phẩm truyền thông để tuyên truyền, cổ vũ, khơi dậy khát vọng về một Việt Nam hùng cường, hạnh phúc.

Nhận thức sâu sắc và toàn diện về vai trò của hệ thống di sản trong việc khẳng định bản sắc dân tộc, là cơ sở để sáng tạo các giá trị văn hoá mới, là điều kiện giao lưu và hợp tác quốc tế và là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền các cấp đã tăng cường đầu tư các nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di sản; chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, tự cường, ý thức bảo vệ truyền thống văn hoá dân tộc cho nhân dân.

Hệ thống di tích lịch sử và di tích cách mạng trở thành tài sản vô giá của dân tộc, để khơi nguồn khát vọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong sự nghiệp đổi mới. Chính sách xã hội hoá tạo điều kiện cho việc huy động các nguồn lực xã hội trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, “xuất khẩu” văn hoá Việt Nam tại chỗ tới bạn bè quốc tế.

Năm 2018, có 15,5 triệu lượt du khách quốc tế, trên 80 triệu lượt khách du lịch nội địa đến tham quan, du lịch tại các địa điểm di sản. Đến tháng 12.2018, Việt Nam có 27 di sản văn hoá được UNESCO ghi danh, tôn vinh. Cả nước có trên 4 vạn di tích được kiểm kê, trong đó có 105 di tích quốc gia đặc biệt, 3.491 di tích quốc gia; 1 vạn di tích cấp tỉnh; 62.383 di sản văn hoá phi vật thể được kiểm kê, trong đó có 288 di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Hiện nay, cả nước có 166 bảo tàng (127 bảo tàng công lập, 39 bảo tàng ngoài công lập) lưu trữ trên 3 triệu tư liệu, hiện vật. Nhà nước đã có chính sách tôn vinh những nghệ nhân, người có công lao giữ gìn, trao truyền và quảng bá các di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc.

Nhà nước đã đầu tư, hỗ trợ giữ gìn các di sản văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số, duy trì sinh hoạt văn hoá truyền thống, tổ chức tốt ngày lễ hội các dân tộc ở một số vùng, miền, khơi dậy truyền thống đoàn kết, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.

Trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khoá XI) về văn học, nghệ thuật đã đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo mới cho đội ngũ văn nghệ sĩ.

Văn học nước nhà có nhiều khởi sắc, tiếp nối dòng tư tưởng chủ đạo là đề cao chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, khẳng định giá trị tốt đẹp của văn hoá và con người Việt Nam, tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống và lịch sử cách mạng, đề cao khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, cổ vũ, động viên nhân dân tích cực tham gia vào xây dựng và phát triển đất nước.

Một loạt các sự kiện văn hoá, văn học, nghệ thuật được tổ chức trong nước và nước ngoài thu hút được sự quan tâm rộng rãi của công chúng trong nước và quốc tế, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hoá, nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài, tăng cường sức mạnh mềm quốc gia, cổ vũ cho khát vọng phấn đấu vì một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Báo chí, truyền thông là vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước, trong thời gian vừa qua góp phần tích cực vào nhiệm vụ tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hệ thống báo chí phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân. Tháng 11.2018, cả nước có 66 đài phát thanh, truyền hình, 1 hãng thông tấn quốc gia, 844 cơ quan báo chí với 184 báo in, 660 tạp chí, 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập và khoảng 19.000 nhà báo được cấp thẻ.

Các loại hình thông tin trên mạng internet hoạt động theo đúng định hướng chính trị, cổ vũ phát huy các giá trị văn hoá và sức mạnh mềm của con người Việt Nam, đề cao khát vọng phát triển đất nước cường thịnh của các tầng lớp nhân dân, nêu những tấm gương điển hình của tổ chức và cá nhân đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh được những thành tựu to lớn trong phát triển các lĩnh vực khác nhau của xã hội, lan toả và truyền cảm hứng tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên quyết chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá.

Nhìn một cách khái quát, trong thời gian tiến hành sự nghiệp đổi mới, các hoạt động văn hoá tham gia tích cực vào việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy sự sáng tạo của con người Việt Nam, cổ vũ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo cương lĩnh của Đảng đã đề ra.

Sức mạnh của các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin đại chúng là tác động sâu sắc vào đời sống tinh thần, tình cảm của xã hội, truyền dẫn niềm tin và khát vọng tới xã hội, tạo sự đoàn kết và đồng thuận xã hội trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để đẩy mạnh khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh của con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới, chúng ta cần chú ý một số giải pháp. Trong đó, nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân trong việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí tự cường và phát huy súc mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.

Mục tiêu tổng quát mà Đại hội XIII nêu ra là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, đến năm 2045 “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm đầu xây dựng chế độ mới.

Để thực hiện khát vọng đó, phải “khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh”. Chính vì vậy, Đại hội XIII xác định nhiệm vụ trọng tâm của toàn bộ nhiệm kỳ là “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.

Như vậy, vấn đề xây dựng niềm tin, nâng cao lòng tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước trên cơ sở giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh văn hoá và con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước là một nhiệm vụ cơ bản, vừa lâu dài, vừa cấp bách. Nhiệm vụ này phải được quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, để chuyển hoá thành sức mạnh tinh thần và vật chất của dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

VIỆT ĐÔNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục