Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giáo dục, nuôi dưỡng tình yêu biên giới, biển đảo cho thanh thiếu nhi

Bài 3: Hiểu về truyền thống, để thêm yêu quê hương đất nước 

Cập nhật ngày: 31/05/2024 - 15:30

BTN - Nhân dân Tây Ninh, nhất là thế hệ thanh thiếu niên ngày càng thấm nhuần truyền thống yêu nước, nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục và bồi dưỡng về vai trò, quyền và nghĩa vụ của công dân đối với chủ quyền biên giới, biển đảo được các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương chú trọng thực hiện. Nhân dân Tây Ninh, nhất là thế hệ thanh thiếu niên ngày càng thấm nhuần truyền thống yêu nước, nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Từ những bài học thực tế, tình yêu, lòng tự hào với quê hương, dân tộc trong thế hệ trẻ Tây Ninh được nuôi dưỡng, không ngừng phát triển.

Đa dạng mô hình giáo dục, tuyên truyền

“Tây Ninh không có biển, nhưng thông tin về chủ quyền biển đảo rất tốt”- đây là nhận định của Thượng tá Lương Đức Khanh- Chính uỷ Trường cao đẳng Kỹ thuật Hải quân tại hội nghị tổng kết công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ với các cơ quan Nhà nước cùng cấp, Trường cao đẳng Kỹ thuật Hải quân năm 2023 và ký kết chương trình phối hợp năm 2024.

Các em đội viên Trường TH Bàu Năng A chụp ảnh cùng mô hình “Cột mốc Trường Sa” được đặt tại sân trường.

Nhận định ấy phần nào đánh giá sự nỗ lực, phấn đấu của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng về chủ quyền biên giới, biển đảo sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.

Cũng tại hội nghị này, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ với các cơ quan Nhà nước cùng cấp trong thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vấn đề nổi cộm, vấn đề nhân dân quan tâm và công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo được xác định là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước nói chung và của tỉnh Tây Ninh nói riêng. Công tác phối hợp tuyên truyền biển đảo góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Riêng đối với thế hệ thanh thiếu nhi tại địa phương, công tác giáo dục, bồi dưỡng tình yêu biên giới, biển đảo quê hương đã được các cấp bộ Đoàn triển khai với nhiều giải pháp, mô hình, cách làm hay mang ý nghĩa thiết thực.

Chị Trịnh Thị Như Trang- Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết, triển khai cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” do Trung ương Đoàn phát động, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phát động treo bản đồ Việt Nam tại các nơi sinh hoạt trong trường học nhằm giáo dục tình yêu Tổ quốc cho các em thanh thiếu nhi. Ngoài ra, Tỉnh đoàn còn tạo điều kiện để lan toả những mô hình hay về tuyên truyền chủ quyền lãnh thổ nước ta ở các cấp bộ Đoàn, Hội như: Hội đồng Đội Tân Biên với mô hình “Tiết học biên cương”, Hội đồng Đội Dương Minh Châu có mô hình “Cột mốc Trường Sa”. Đây là hai mô hình mang lại hiệu quả cao trong công tác giáo dục, bồi dưỡng tình yêu biên cương, biển đảo nói riêng và tình yêu quê hương, đất nước nói chung cho thanh thiếu nhi; để các em thấy được trách nhiệm trong việc gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Sắp tới, Tỉnh đoàn sẽ công nhận đây là hai mô hình cấp tỉnh và chỉ đạo triển khai rộng rãi trong các liên đội trên toàn tỉnh.

Bên cạnh việc phát triển các mô hình tiêu biểu, Tỉnh đoàn còn chỉ đạo hệ thống Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh triển khai, tổ chức các hoạt động tuyên truyền về biên giới, biển đảo một cách trực quan, thực tế đến toàn thể đội viên, thiếu nhi tỉnh nhà như: tổ chức lễ chào cờ tại mô hình cột mốc Trường Sa; nghe tuyên truyền về công tác phân giới cắm mốc trên đất liền; tổ chức thi tìm hiểu về biển, đảo và triển lãm hình ảnh về quần đảo Trường Sa… Đến nay, công tác tuyên truyền, giáo dục về biên giới, biển đảo đã giúp nâng cao kiến thức của đội viên, thiếu nhi về đường biên, cột mốc, chủ quyền biên giới và góp phần nâng cao nhận thức của thanh thiếu nhi về vai trò, nghĩa vụ và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp nối truyền thống giữ nước của ông cha ta.

Giáo viên trường TH Bàu Năng A tuyên truyền kiến thức về Quần đảo Trường Sa đến các em học sinh.

Chung tay nuôi dưỡng tình yêu quê hương, dân tộc cho thế hệ trẻ

Trong 5 điều Bác Hồ kính yêu dạy thiếu nhi Việt Nam, điều đầu tiên là “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”, điều đó cho thấy tầm quan trọng, ý nghĩa trong việc giáo dục cho thanh thiếu nhi tình yêu quê hương, đất nước. Nó gắn liền với công tác giáo dục truyền thống, lịch sử, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ ấy đòi hỏi phải có sự phối hợp, quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chị Trịnh Thị Như Trang- Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh chia sẻ, thực hiện nhiệm vụ giáo dục cho thanh thiếu nhi về công tác giáo dục, tuyên truyền về biên giới, biển đảo, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị, tổ chức để hoạt động tuyên truyền được triển khai sâu rộng và đa dạng, dễ dàng tiếp cận với các em thanh thiếu nhi. Tiêu biểu là các hoạt động: phối hợp Báo Người Lao động triển khai mô hình “Đường cờ Tổ quốc” tại các tuyến đường giáp biên với nước bạn Vương quốc Campuchia; phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục qua chương trình trải nghiệm thực tế “Một ngày làm chiến sĩ biên phòng”, “Hành trình biên cương xanh”, phong trào “Vì điểm tựa tiền tiêu”… Các hoạt động này mang lại nhiều kết quả ý nghĩa trong công tác giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương đất nước, trân trọng các giá trị nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của các chú bộ đội.

Muốn nuôi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, việc đầu tiên phải giáo dục các em về nguồn cội và truyền thống dân tộc. Trong đó, hiểu về lịch sử, địa lý nước ta là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Em Ngô Thị Kim Cương, học sinh lớp 9-1, Trường THCS Lộc Ninh, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu, một trong những đội viên tiêu biểu của Hội đồng Đội tỉnh chia sẻ, để xây dựng và nuôi dưỡng tình yêu biên giới và biển đảo của đất nước, đội viên cần hiểu sâu hơn về văn hoá, lịch sử và giá trị của biên giới và biển đảo. Việc tìm hiểu, chia sẻ kiến thức với mọi người xung quanh về văn hoá và lịch sử của các vùng biên cương, biển đảo giúp đội viên, thiếu nhi tăng cường nhận thức về giá trị của vùng biên giới, biển đảo đối với cả cuộc sống và sự phát triển của đất nước.

“Thực hiện lời Bác dạy “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình”, em và các bạn đội viên trong liên đội tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng, sự kiện văn hoá, tuyên truyền bảo vệ môi trường biển và biên giới như tập trung vào việc giảm rác thải nhựa, tham gia các chiến dịch làm sạch bãi biển. Ngoài ra, việc chú ý lắng nghe những thông điệp tuyên truyền từ hoạt động lồng ghép ở các tiết học Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân là hết sức cần thiết"- Kim Cương chia sẻ.

Hiểu về truyền thống, biết yêu quê hương, đất nước sẽ giúp các em ý thức được mình là những chủ nhân tương lai của đất nước để từ đó nỗ lực học tập, rèn luyện, trở thành người có ích cho xã hội. Tình yêu quê hương, đất nước cũng sẽ giúp các em biết yêu thương gia đình, quê hương, đồng bào, gìn giữ giá trị văn hoá của dân tộc trong quá trình hội nhập.

Và quan trọng hơn, các em biết quý trọng, gìn giữ, bảo vệ từng tấc đất, biên cương, bờ cõi của đất nước Việt Nam mình.

Ngọc Bích - Vi Xuân

Tin liên quan
  • Bài 1: Giáo dục tình yêu biển đảo qua mô hình cột mốc Trường Sa 

    Bài 1: Giáo dục tình yêu biển đảo qua mô hình cột mốc Trường Sa

    Nhà trường và Liên đội sẽ phối hợp với giáo viên bộ môn Lịch sử, Địa lý tổ chức một buổi sinh hoạt ngoại khoá, hội thi về tìm hiểu biển đảo Việt Nam kết hợp với tuyên truyền tại cột mốc.

  • Bài 2: Tiết học biên cương 

    Bài 2: Tiết học biên cương

    Sau một năm học triển khai, tiết học đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác bồi dưỡng, giáo dục tình yêu quê hương, lòng yêu nước, tự hào về toàn vẹn lãnh thổ trong lớp đội viên, học sinh vùng biên giới.