Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
"Gỡ khó" cho ngành Y tế - Không chỉ “một ngày, một bữa”
Bài 3: Nhiệm vụ chưa có tiền lệ
Thứ sáu: 14:36 ngày 25/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước thực trạng thiếu bác sĩ, điều dưỡng, thuốc bảo hiểm y tế (BHYT), hoá chất, vật tư tiêu hao... tại các cơ sở y tế công lập trên cả nước, cùng những bất cập, tồn đọng và lúng túng của ngành Y tế, cả hệ thống chính trị tỉnh Tây Ninh vào cuộc đánh giá, cải tổ lại toàn bộ hệ thống y tế tỉnh nhà.

Điều động người ngoài ngành làm quản lý

Cách đây 2 năm, ngày 14.10.2022, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc công bố quyết định điều động ông Trương Văn Hùng giữ chức vụ Giám đốc Sở Y tế, thời gian giữ chức vụ là 5 năm, kể từ ngày 15.10. Khi đó, ông Hùng đang là Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Quyết định điều động ông Hùng từ quản lý ngành Văn hoá sang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Y tế được coi là trường hợp khá bất ngờ.

Lãnh đạo tỉnh thăm và động viên ngành Y tế Tây Ninh dịp Tết Nguyên đán 2024.

Ngày 21.10.2022, kỳ họp thứ 4 Quốc hội XV, Quốc hội đã bỏ phiếu kín phê chuẩn bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan làm Bộ trưởng Bộ Y tế theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chính thức trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế sau hơn 3 tháng giữ chức quyền Bộ trưởng. Bà Lan là nữ lãnh đạo thứ ba, sau Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến (8.2002 - 8.2007) và Nguyễn Thị Kim Tiến (8.2011 - 11.2019), nhưng là người đầu tiên và duy nhất đến nay không phải là người có chuyên môn ngành Y trong lịch sử của ngành từ năm 1945 đến nay.

Xưa nay, mọi người thường quan niệm quản lý ngành Y phải là bác sĩ, hoặc người từng kinh qua các chức vụ trong hệ thống y tế, vì đây là ngành đặc biệt. Hay nói cách khác, người đứng đầu ngành Y tế phải là người có chuyên môn về ngành Y mới có thể đưa ra những quyết định, triển khai thực hiện và kiểm soát các hoạt động liên quan đến khám, chữa bệnh (KCB); phòng, chống dịch bệnh; mua sắm thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh... sát hợp nhất. Thế nên, khi bà Đào Hồng Lan, ông Trương Văn Hùng trở thành lãnh đạo của ngành Y (của Bộ và của tỉnh Tây Ninh), nhiều ý kiến quan ngại họ là người ngoài ngành, không biết chuyên môn thì làm sao quản lý được, nhất là công tác này lại liên quan đến chăm sóc sức khoẻ của nhân dân.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng bác sĩ chuyên môn giỏi, tay nghề giỏi không có nghĩa sẽ là người lãnh đạo giỏi. Cũng vậy, chưa chắc người không học chuyên sâu về ngành Y sẽ không thể quản lý ngành tốt.

Có thể nói, đây là 2 trường hợp chưa có tiền lệ đối với ngành đặc thù này từ trước tới nay.

Để phát huy tốt chuyên môn, giúp cho ngành Y tế xử lý nhiều vấn đề tồn đọng, UBND tỉnh còn cử cán bộ biệt phái từ Văn phòng UBND tỉnh và Sở Tài chính đảm đương công tác trong thời gian 2 năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, trước thực tế cần sớm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy- nhất là nâng cao năng lực quản lý, quản trị của Sở Y tế, bên cạnh yếu tố chuyên môn, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã đánh giá về các mặt, quyết tâm cùng ngành Y tế vượt qua khó khăn. Với mục tiêu và quan điểm đó, Cấp uỷ, chính quyền tỉnh Tây Ninh đã thống nhất chủ trương lựa chọn và điều động cán bộ lãnh đạo ngoài ngành có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn về làm Giám đốc Sở Y tế. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, trước hết là nhận diện khó khăn của y tế từ năm 2022 trở về trước, kế đến là tham mưu tháo gỡ một số tồn đọng liên quan đến công tác tài chính, kế toán.

Tư duy mới này đã được lãnh đạo Trung ương và tỉnh Tây Ninh nhìn nhận, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi điều động cán bộ ngoài ngành về quản lý một ngành đang “có nhiều việc phải làm”. Người được điều động phải là người “dám thực hiện, dám chịu trách nhiệm cá nhân”, nhận diện những tồn tại, xác định được những nhiệm vụ trọng tâm và tập trung giải pháp khắc phục.

“Trước hết, tôi tin tưởng vào sự lựa chọn của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, các lãnh đạo trong việc quyết định giao cho ông Trương Văn Hùng làm Giám đốc Sở Y tế. Tôi cho rằng, khi quyết định giao trọng trách này, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã cân nhắc, xem xét rất thận trọng và kỹ lưỡng. Tất nhiên bây giờ vẫn còn những khó khăn trước mắt cần được khắc phục, giải quyết”- ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh nói.

Nhận diện khó khăn

Báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh quý I năm 2024, ông Trương Văn Hùng đã đưa ra 11 hạn chế, yếu kém của ngành Y tế và kết quả khắc phục, nhất là công tác đấu thầu thuốc BHYT tập trung giai đoạn 2019-2021. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có dịch Covid-19 nên Sở Y tế không tổ chức đấu thầu thuốc tập trung liên tục, mà đến cuối năm 2022 mới thực hiện.

Đến đầu năm 2024, các cơ sở y tế công lập đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu thuốc phục vụ người dân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Một nguyên nhân khác, sau các vụ “đại án” y tế ở trung ương và một số địa phương như: kit test Việt Á với 38 bị cáo và khoảng 100 người là lãnh đạo, cán bộ CDC, Sở Y tế các tỉnh, thành phố bị khởi tố do có liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ; “chuyến bay giải cứu” đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 năm 2020-2021 với 54 bị cáo phải ra toà do có hành vi nhận hối lộ; các vụ sai phạm trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế... đã gây ảnh hưởng tâm lý một số cán bộ “nhát việc”, “sợ sai”, “ngại làm”, “sợ trách nhiệm”, dẫn đến sự trì trệ của ngành Y tế tỉnh nhà trong một thời gian dài.

Thời điểm này, vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và tình trạng hàng loạt nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc liên tục được cử tri và đại biểu phản ánh tại các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là nỗi lo lớn nhất của hầu hết bệnh viện công lập trên cả nước. Trên cơ sở nhận diện được vấn đề và để phần nào gỡ khó cho ngành Y tế, Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương đã tập trung nhiều giải pháp. Trước mắt, giải quyết vấn đề thiếu thuốc BHYT bằng việc đẩy mạnh cấp phép lưu hành thuốc, các phương tiện kỹ thuật, vật tư, hoá chất... Về lâu dài, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để cùng tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang pháp lý giải quyết khó khăn.

Nhìn vào kết quả nhận diện khó khăn, tồn tại của ngành Y tế tỉnh trong 2 năm qua, ông Trương Văn Hùng cho biết, bên cạnh việc bảo vệ thành quả chống dịch Covid-19, chất lượng KCB cho người dân phải ngày càng được nâng cao. Tình trạng thiếu thuốc BHYT trong một thời gian khá dài đã ảnh hưởng chất lượng dịch vụ KCB của người dân ở các cơ sở y tế Nhà nước. Kết quả đấu thầu thuốc BHYT tập trung đã trúng thầu năm 2019 chỉ có hiệu lực trong vòng 24 tháng, đến cuối năm 2021, các cơ sở khám, chữa bệnh không mua được thuốc BHYT do đã hết hạn thực hiện hợp đồng.

Song song đó, tình trạng thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng chậm phân bổ cho địa phương; thiếu hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao trong thời gian dài gây ảnh hưởng đến công tác cấp cứu, KCB tại nhiều đơn vị y tế công lập, gây dư luận không tốt cho ngành Y tế tỉnh nhà.

Cuối năm 2023, các cơ sở KCB công lập sắp hết các vật tư y tế, trang thiết bị y tế đã tiến hành công tác mua sắm, đấu thầu tại đơn vị. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên công tác đấu thầu kéo dài. Luật Đấu thầu mới có hiệu từ ngày 1.1.2024, nhưng các văn bản hướng dẫn chậm ban hành nên các cơ sở KCB công lập không mua hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao. Cho nên, dù thuốc BHYT cơ bản có đủ nhưng tình trạng thiếu hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao đã làm ảnh hưởng đến chất lượng KCB cho người dân có BHYT.

Mặc khác, các đơn vị KCB Nhà nước hiện nay thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 60 năm 2021 của Chính phủ, hầu hết chi phí phải tự trang trải từ nguồn thu trong khi giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT phải tính đủ các yếu tố (gồm phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá) làm hạn chế và khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đặc biệt là bổ sung thu nhập nâng cao đời sống nhân viên y tế.

Những hạn chế, vướng mắc về quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; quyết toán ngân sách Nhà nước (các năm 2020, 2021, 2022); đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; hệ thống xử lý nước thải, hệ thống chống nhiễm khuẩn và các dự án đã được đầu tư... cũng được “người ngoài ngành” nhận diện đầy đủ, khách quan và có giải pháp khắc phục trước mắt cũng như đề xuất hướng xử lý lâu dài. 

Vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, người đứng đầu ngành Y tế tỉnh nhìn nhận các nguyên nhân chủ yếu là thu nhập của nhân viên y tế khu vực công thấp, áp lực và cường độ công việc tăng cao khi Covid-19 bùng phát; môi trường làm việc nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí nguy hiểm tính mạng; nguyên nhân khác từ gia đình, sức khoẻ, ảnh hưởng tâm lý... trong khi bệnh viện tư có chính sách thu hút nhân lực tốt hơn khu vực công.

Theo Sở Y tế, trong năm 2024 có 20 trường hợp viên chức xin thôi việc, trong đó có 3 bác sĩ đào tạo theo địa chỉ sử dụng, 3 bác sĩ hưởng chế độ thu hút.

Những tồn tại, khó khăn đã được nhận diện. Thế nhưng để khắc phục tình trạng này, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần có những đề xuất, phương án nào cho phù hợp, đặc biệt là chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế?

Tâm Giang - Nhật Thư

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục