Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giải pháp phát triển bền vững
Bài 3: Nỗ lực xây dựng vùng an toàn dịch bệnh
Thứ ba: 07:43 ngày 21/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Việc xây dựng vùng ATDB có ý nghĩa quan trọng trong phát triển chăn nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Tây Ninh là địa phương có tiềm năng và lợi thế về chăn nuôi, dư địa tăng trưởng lớn. Với chiến lược chăn nuôi giai đoạn mới là phát triển chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số gắn với chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh (ATDB), thân thiện với môi trường, hướng đến xuất khẩu, Tây Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, ngành chăn nuôi của tỉnh đứng trước bước ngoặt quan trọng để bứt phá trong thời gian tới.

 

Dây chuyền phân loại trứng hiện đại tại Công ty TNHH QL Farm.

Xu hướng chăn nuôi tất yếu

Theo đề án Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Tây Ninh đề ra mục tiêu “tăng trưởng xanh”, nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn.

Thời gian qua, việc liên kết chăn nuôi an toàn sinh học đã trở thành xu hướng, được cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng như cơ quan chuyên môn khuyến khích, người dân hưởng ứng bởi tính bền vững, hiệu quả, an toàn.

Công ty TNHH QL Farm (xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên) có quy mô chăn nuôi hơn 1 triệu con gà đẻ lấy trứng xuất khẩu. Để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà, công ty đã sử dụng kỹ thuật nông trại khép kín với ưu điểm an toàn sinh học, kiểm soát môi trường và khử trùng bằng tia UV. Gà được nuôi trong các chuồng trại vệ sinh, hiện đại, với nhiệt độ, độ ẩm kiểm soát bằng hệ thống vi tính hiện đại.

Công ty còn trang bị hệ thống quạt thông gió kỹ thuật cao, cung cấp không khí trong lành, mát mẻ cho các chuồng trại; quy trình kiểm soát chất lượng được thực hiện nghiêm ngặt từ vệ sinh chuồng trại, tiêm chủng, chăm sóc gà cho đến phân loại trứng bằng hệ thống phân loại tự động, tiệt trùng bằng tia UV. Công nhân ra vào công ty sẽ có cổng sát trùng ở bên ngoài và phía trong trang trại.

Công ty TNHH Hai thành viên Ba Nguyên có các trang trại chăn nuôi đặt tại huyện Châu Thành. Xác định phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và có sự liên kết sẽ ít gặp rủi ro hơn chăn nuôi theo hình thức nông hộ, nhỏ lẻ, Công ty đã thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; giám sát chặt chẽ các phương tiện, khách ra vào trại, thực hiện tốt việc cách ly, bảo hộ lao động trước khi ra vào trại.

Bà Trần Thị Hạnh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hai thành viên Ba Nguyên cho biết, khi nhập gà giống, công ty chọn gà có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm vaccine từ gà bố, gà mẹ. Công ty chủ động triển khai công tác tiêu độc, khử trùng trong và xung quanh trại, phương tiện vận chuyển ra vào trại chăn nuôi, đặc biệt ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Gà đến tuổi xuất chuồng, Công ty bao tiêu toàn bộ nên không phải lo đầu ra hay giá cả thị trường…

Gà nuôi theo trại lạnh quy mô lớn, khép kín tại trại gà KCK huyện Tân Châu.

Nỗ lực xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Bên cạnh việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, quy mô lớn thì việc xây dựng vùng ATDB là một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống dịch bệnh một cách chủ động. Đặc biệt, khi chúng ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng muốn tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi toàn cầu thì phải công khai, minh bạch về chuỗi sản xuất chăn nuôi từ con giống, thức ăn, phòng bệnh, sơ chế, chế biến…

Do đó, đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi ATDB không chỉ phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh chăn nuôi mà còn đảm bảo nguồn cung sản phẩm chăn nuôi cho thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có huyện Dương Minh Châu và 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 71 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận ATDB.

Trong giai đoạn 2024-2025, Tây Ninh phấn đấu có thêm 3 vùng cấp huyện (Tân Châu, Tân Biên, Gò Dầu) đạt ATDB theo quy định của Việt Nam. Ngày 19.5 vừa qua, Tây Ninh đã công bố vùng ATDB tại huyện Tân Châu, đây là sự kiện quan trọng đối với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nói chung của tỉnh Tây Ninh, cũng như đánh dấu quá trình nỗ lực của tỉnh trong hợp tác phát triển với các nhà đầu tư.

Phát biểu tại họp báo về kế hoạch tổ chức lễ công bố vùng ATDB tại huyện Tân Châu, ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Vùng ATDB tại Tân Châu là chuỗi bảo đảm về chăn nuôi ATDB, là hạt nhân để phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và nằm trong 3 khâu đột phá của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại, giá trị của ngành nông nghiệp tỉnh chiếm 19% trong GRDP; riêng ngành chăn nuôi chiếm 23% trong giá trị của ngành nông nghiệp. Phát triển chăn nuôi công nghệ cao trong vùng ATDB sẽ là nền tảng để phát triển nông nghiệp.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra an toàn dịch bệnh tại trang trại chăn nuôi.

Giai đoạn 2026-2030, bên cạnh việc duy trì các vùng đã đạt ATDB, Tây Ninh tiếp tục phấn đấu có 5 vùng cấp huyện (thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng, huyện Bến Cầu, huyện Châu Thành) đạt ATDB theo quy định của Việt Nam, 2 vùng cấp huyện (Tân Biên, Tân Châu) đạt ATDB theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle.

Ông Nguyễn Văn Long- Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Theo quy định của OIE, khi xuất khẩu các sản phẩm từ động vật, các trang trại chăn nuôi buộc phải tuân thủ các quy định, tiêu chí về vùng ATDB. "Chúng ta muốn hướng tới xuất khẩu thì phải tuân thủ các quy định này"- ông Long nhấn mạnh.

Có thể thấy, việc xây dựng vùng ATDB có ý nghĩa quan trọng trong phát triển chăn nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất động vật, chế biến các sản phẩm từ động vật an tâm sản xuất, kinh doanh; cũng là nơi được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn đầu tư. Qua đó, tỉnh sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là những nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao, có liên kết chuỗi và hướng đến xuất khẩu, góp phần tái cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững, sớm hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp của tỉnh đến năm 2030.

Vũ Nguyệt

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục