Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tây Ninh sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương: Tinh gọn bộ máy, cắt giảm biên chế
Bài 3: Phân cấp, giao quyền
Thứ sáu: 23:41 ngày 19/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng phân định rõ việc quản lý nhà nước với quản trị đơn vị sự nghiệp công lập và việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Tây Ninh hiện thiếu khoảng 1.200 giáo viên. Trong ảnh, giáo viên Trường tiểu học Hoàng Lê Kha (huyện Châu Thành) ra quân tổng vệ sinh trường, lớp chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Ảnh: Ngọc Bích - Lê Thuỳ

TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM

Việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (nay là Nghị định 60/2021/NĐ-CP). UBND tỉnh quyết định giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngân sách cấp tỉnh, tương tự, UBND cấp huyện quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngân sách cấp huyện.

Qua thực hiện việc rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ, bộ máy nhà nước của Tây Ninh bước đầu đã tinh gọn, hợp lý tạo sự chuyển biến rõ rệt.

Minh chứng cụ thể thể hiện qua việc giảm cấp trung gian, giảm đầu mối, giảm biên chế và giảm chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy Nhà nước.

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 19 của Trung ương, UBND tỉnh đánh giá, 5 năm qua, việc sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh. Sau 5 năm thực hiện, các mục tiêu nghị quyết đề ra cơ bản đạt kết quả tốt. “Đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp tinh gọn, hợp lý, bảo đảm nguyên tắc cùng nhóm nhiệm vụ chỉ có một tổ chức, đơn vị thực hiện và phải phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương”- đánh giá của UBND tỉnh.

Việc thực hiện chế độ, chính sách tinh giản biên chế tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, công chức viên chức. Quá trình thực hiện bảo đảm đúng nguyên tắc, việc bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức bảo đảm dựa trên sự lựa chọn những người có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt giữ lại làm việc lâu dài. Một số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn, năng lực công tác hạn chế, lớn tuổi, sức khoẻ không bảo đảm được cho nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc để hưởng chính sách tinh giản biên chế.

CÒN KHÔNG ÍT VƯỚNG MẮC

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn, thực hiện khó khăn, phức tạp và nhạy cảm liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, liên quan đến con người, do đó, cần phải có thời gian, lộ trình cụ thể, có sự hướng dẫn của cấp trên, sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, ngành. Số lượng đơn vị sự nghiệp nhiều, quy mô nhỏ, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước, năng lực tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều hạn chế, nguồn thu sự nghiệp ít và phát triển chậm, chủ yếu dựa vào nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước.

Sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lâp, quy định của pháp luật còn chồng chéo (trong việc thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện) chưa thực hiện được do vướng quy định của Luật Thú y. Trung ương chậm ban hành danh mục đơn vị sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, do đó địa phương chưa thể xác định để thành lập một số đơn vị đang có nhu cầu (Đội Quản lý trật tự đô thị, Trung tâm Xúc tiến đầu tư...).

Thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập ảnh hưởng đến bộ phận viên chức lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, nhưng Trung ương không có chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này phần nào ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Tây Ninh đang triển khai xây dựng phương án tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, tuy nhiên, bộ, ngành chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này, do đó, còn khó khăn trong quá trình thực hiện.

Việc thực hiện xã hội hoá, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp ngành Y tế, Giáo dục còn chậm, cần phải có thời gian, lộ trình thực hiện và phải có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện, khó khăn trong việc giảm biên chế theo quy định. Chỉ tiêu tinh giản biên chế sự nghiệp (Giáo dục và Y tế) theo quy định của Trung ương chưa phù hợp với thực trạng tại địa phương, dẫn đến không đủ số lượng viên chức đáp ứng yêu cầu phục vụ lĩnh vực y tế và giáo dục của địa phương.

Đơn vị sự nghiệp của tỉnh đa số là sự nghiệp giáo dục và y tế, năm 2015 là 647 đơn vị (chiếm 87,31% tổng số đơn vị sự nghiệp), do đó khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cắt giảm biên chế theo quy định chủ yếu thực hiện ở các đơn vị này dẫn đến địa phương gặp nhiều khó khăn, không đủ biên chế để bố trí đủ theo định mức quy định của ngành Giáo dục, Y tế.

XEM LẠI CHỈ TIÊU TINH GIẢN BIÊN CHẾ

Từ kết quả đạt được và những hạn chế, khó khăn nêu trên, Tây Ninh kiến nghị bộ, ngành sớm tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong từng ngành, lĩnh vực để địa phương làm căn cứ sắp xếp các đơn vị sự nghiệp theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Để thực hiện thống nhất trên cả nước, đề nghị ban hành bộ khung các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.

Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực sớm ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10.9.2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trung ương xem xét lại chỉ tiêu giảm biên chế sự nghiệp, nhất là giáo dục và y tế. Cần rà soát, đánh giá lại hiện trạng số lượng học sinh, số trường, số lớp và số giường bệnh của từng địa phương, đối chiếu với số biên chế hiện có để giao tỷ lệ giảm biên chế sự nghiệp cho phù hợp, có đủ số lượng viên chức đáp ứng yêu cầu phục vụ lĩnh vực y tế và giáo dục theo thực trạng của địa phương. Các bộ, ngành, lĩnh vực sớm ban hành các văn bản hướng dẫn giao tự chủ tài chính theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, định mức kỹ thuật, danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo quy định mới nhằm đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng thực hiện dịch vụ sự nghiệp công tiến đến nâng loại hình tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

THAY LỜI KẾT

Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế… đã từng thực hiện nhiều lần trong mấy thập kỷ qua (câu chuyện tinh giản biên chế đã từng được đặt ra và thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ XX). Nhìn nhận một cách thận trọng, chưa có nghị quyết nào của Trung ương liên quan đến vấn đề này lại được quy định rõ ràng, cụ thể (lượng hoá) như Nghị quyết 19 năm 2017.

Sở dĩ như vậy, bởi vì việc tổ chức lại bộ máy nhà nước nói chung, đơn vị sự nghiệp nói riêng quá cồng kềnh, trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Nguyên tắc của việc tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp là không để khoảng trống nhưng cũng không được chồng chéo.

Đến nay, sau 5 năm triển khai, những mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cơ bản đã đạt được. Nhưng cũng có những tình huống, vấn đề phát sinh mà trước khi ban hành Nghị quyết 19, chưa ai lường được: dịch bệnh Covid-19. Trận đại dịch tầm thế kỷ này làm đảo lộn nhiều thứ trong đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và y tế.

Nghị quyết 19 chủ trương không thành lập trạm y tế cấp xã ở khu vực đô thị (vì đã có trung tâm y tế) nhưng trong cơn đại dịch, vai trò của trạm y tế chứng minh tính cần thiết của cơ sở y tế xã, phường này. Hơn một năm qua, giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non thiếu rất nhiều nhưng không thể tuyển dụng, vì nguồn tuyển khan hiếm. Tương tự, nhân viên y tế đã và đang bỏ việc khá nhiều.

Như vậy, việc Tây Ninh kiến nghị Trung ương xem xét lại vấn đề tinh giản biên chế đối với giáo viên, nhân viên y tế là hoàn toàn có cơ sở thực tế. Một điều cần nhận thức cho đúng đắn là, việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy nhà nước đã được thực hiện, điều chỉnh nhiều lần trong từng giai đoạn khác nhau của đất nước. Điều này hoàn toàn bình thường, vì mỗi hình thức tổ chức hay mô hình nào đó chỉ phù hợp với một giai đoạn lịch sử nhất định.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục