Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quân nhân mất tin, mất tích trong chiến tranh: Thân nhân chờ đến bao giờ
Bài 3: Quốc tịch của quân nhân Lâm Văn Mạnh bao giờ mới xác định?
Thứ sáu: 08:49 ngày 28/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trường hợp Lâm Văn Mạnh còn ít nhất 3 nhân chứng. Với sự thận trọng cần thiết, chúng tôi cho rằng đủ độ tin cậy để làm sáng tỏ thân phận người lính Lâm Văn Mạnh.

Tháng 7.2011, Báo Tây Ninh có bài viết “Chuyện một người lính đã hy sinh” nói về trường hợp người lính tên Lâm Văn Mạnh, ngã xuống trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nhưng vì nhiều nguyên nhân, chưa được công nhận liệt sĩ. Sau đó, Báo Tây Ninh tiếp tục có một số bài viết về trường hợp quân nhân Lâm Văn Mạnh.

Ông Lâm Văn Ngỡi thắp hương cho em ruột- Lâm Văn Mạnh.

Tháng 2.2020, trong chuyến thăm và làm việc tại Tây Ninh, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu, quân nhân Lâm Văn Mạnh đủ điều kiện công nhận liệt sĩ, nhưng cho đến nay, trường hợp này vẫn chưa được giải quyết. Vướng mắc lớn nhất là chưa xác định được quốc tịch.

Tóm tắt câu chuyện

Những năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn vô cùng khốc liệt. Lớp lớp thanh niên đã lên đường chiến đấu để giải phóng đất nước, bảo vệ quê hương.

Trong số đó có người lính trẻ Lâm Văn Mạnh, một Việt kiều ở Campuchia. Ông Mạnh ra đi khi vừa tròn 22 tuổi. Ông Lâm Văn Ngỡi, anh trai của ông Mạnh kể, vào thời điểm năm 1970, cả nhà ông đang sống tại Campuchia.

Hầu hết các anh em trong gia đình ông đều tham gia cách mạng. Theo gương cha và các anh, Lâm Văn Mạnh hăng hái lên đường đi đánh Mỹ. Cùng trong năm 1970, hai người em của ông Mạnh đều gia nhập vào đoàn quân cứu nước.

Mấy tháng sau, ông Mạnh được về thăm nhà ba ngày. Cùng về đợt này còn có hai cán bộ cấp trên để xác minh lý lịch của gia đình, xem xét kết nạp Đoàn cho chiến sĩ trẻ Lâm Văn Mạnh.

Không ngờ rằng, chuyến về thăm nhà đó là duy nhất và cuối cùng của Mạnh. Một ngày đầu tháng 6.1972, gia đình nhận được tin ông hy sinh trong một trận đánh tại Xầm Long.

Sau Hiệp định Paris năm 1973, cả nhà ông Ngỡi về Việt Nam sinh sống tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Năm 1977, quân Pol Pot từ bên kia biên giới tràn sang giết hại dân ta; gia đình, họ hàng nhà ông Ngỡi bị tàn sát thảm thương, trong đó có cha và mẹ của ông.

Năm 2008, ông Ngỡi làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét trường hợp của em trai ông, quân nhân Lâm Văn Mạnh. Hành trình dài bắt đầu từ đây (xin phép không nhắc lại chi tiết).

Trước khi diễn ra kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh (khoá IX), cử tri xã Tân Lập, huyện Tân Biên có ý kiến, kiến nghị như sau: “Ông Lâm Văn Ngỡi (xã Tân Lập, huyện Tân Biên) tiếp tục đề nghị sớm xem xét, giải quyết việc công nhận liệt sĩ cho em ông là ông Lâm Văn Mạnh.

Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 12 (khoá IX), ông Lâm Văn Ngỡi tiếp tục kiến nghị vấn đề này, đồng thời cung cấp thêm hồ sơ là lý lịch đảng viên của ông, trong đó có tên ông Lâm Văn Mạnh là em trai ông.

Trên cơ sở đó, đề nghị ngành chức năng sớm giải quyết kiến nghị này cho gia đình ông”. Tại thời điểm đó, UBND tỉnh trả lời: Ông Lâm Văn Mạnh sinh năm 1948, nguyên quán Cần Ché, Campuchia. Nơi cư trú trước khi hy sinh là Phờ Sốp, Cần Ché, Campuchia.

Ông Mạnh nhập ngũ tháng 5.1970, chức vụ, cấp bậc: Tiểu đội phó, đơn vị e207; hy sinh: 1.6.1972 tại Xầm Long, Campuchia trong trường hợp chiến đấu. Bộ CHQS tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ của ông Lâm Văn Mạnh và đã lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ.

Tháng 11.2015, Cục Chính sách thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam gửi trả lại hồ sơ đề nghị các cấp điều tra xác minh, kết luận quân nhân Lâm Văn Mạnh khi hy sinh là người Campuchia hay Việt Nam. Lý do, theo hồ sơ, nguyên quán và trú quán trước khi hy sinh của quân nhân Lâm Văn Mạnh ở Campuchia, nếu là người quốc tịch nước bạn, tạm thời chưa lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ.

Ngày 11.3.2019, đoàn công tác của Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của huyện Tân Biên và xã Tân Lập gặp gỡ ông Lâm Văn Ngỡi để gia đình cung cấp những thông tin liên quan và các loại giấy tờ tuỳ thân của ông Lâm Văn Mạnh nhằm làm căn cứ chứng minh ông này là người có quốc tịch Việt Nam, nhưng gia đình không có bất kỳ giấy tờ tuỳ thân nào của ông Lâm Văn Mạnh.

Bộ CHQS tỉnh tiếp tục có văn bản đề nghị Phòng Bảo vệ an ninh, Cục Chính trị Quân khu 7, Phòng Hồ sơ Công an tỉnh và Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh kiểm tra hồ sơ lưu trữ, xác minh kết luận ông Lâm Văn Mạnh khi hy sinh là người Campuchia hay Việt Nam để bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với trường hợp ông Lâm Văn Mạnh theo đúng chỉ đạo của Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị.

Ngày 15.3.2019, Phòng Bảo vệ an ninh- Cục Chính trị Quân khu 7 có Công văn số 155/BVAN trả lời: Qua rà soát hồ sơ, tài liệu đang lưu trữ tại cơ quan, không phát hiện trường hợp có liên quan đến ông Lâm Văn Mạnh nên không có cơ sở để kết luận ông Lâm Văn Mạnh là người có quốc tịch Campuchia hay Việt Nam.

Ngày 25.3.2019, Sở Tư pháp có Công văn số 631/STP-HCTP trả lời: Trong hồ sơ không có bất kỳ giấy tờ tuỳ thân nào ông Lâm Văn Mạnh. Do vậy, Sở Tư pháp không thể trả lời và xác định quốc tịch của ông Lâm Văn Mạnh là người có quốc tịch Campuchia hay Việt Nam.

Ngày 9.4.2019, Công an tỉnh Tây Ninh có Công văn số 262/CAT-PX01 trả lời: Công an tỉnh không lưu trữ hồ sơ của ông Lâm Văn Mạnh.

Sau khi có văn bản trả lời của Sở Tư pháp, Công an tỉnh và Phòng Bảo vệ an ninh- Cục Chính trị Quân khu 7, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ, gửi về Phòng Chính sách- Cục Chính trị Quân khu 7 để thẩm định, xem xét giải quyết công nhận liệt sĩ đối với trường hợp ông Lâm Văn Mạnh.

Hồ sơ còn lại thể hiện, ngày 13.1.2016, trong một văn bản gửi Phòng Chính trị- Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh, Ban CHQS huyện Tân Biên đã kết luận quân nhân Lâm Văn Mạnh là người Việt Nam (nhưng không nói rõ có quốc tịch Việt Nam hay không).

Trong khi Phòng Bảo vệ an ninh- Cục Chính trị Quân khu 7 trả lời, theo hồ sơ, tài liệu đang lưu trữ tại cơ quan, không phát hiện trường hợp có liên quan đến ông Lâm Văn Mạnh, nên không có cơ sở để kết luận ông Mạnh là người có quốc tịch Campuchia hay Việt Nam thì Phòng Chính sách Quân khu 7 lại xác nhận có quản lý danh sách liệt sĩ Lâm Văn Mạnh.

Cụ thể, ngày 4.11.2011, Phòng Chính sách thuộc Cục Chính trị Quân khu 7 có văn bản xác nhận, nội dung nguyên văn như sau: “Phòng Chính sách - Cục Chính trị Quân khu 7 có quản lý danh sách liệt sĩ Lâm Văn Mạnh, quê quán Phờ Sốp, Phờ Chớp, Cần Ché, Campuchia; nhập ngũ tháng 5.1970; chức vụ A phó, đơn vị e207, hy sinh ngày 1.6.1972 trong trường hợp chiến đấu tại Xầm Long; họ tên cha: Lâm Văn Keng. Phòng Chính sách - Cục Chính trị Quân khu 7 xin xác nhận để các cơ quan chức năng xem xét”.

Đi tìm nhân chứng

Trường hợp Lâm Văn Mạnh còn ít nhất 3 nhân chứng. Với sự thận trọng cần thiết, chúng tôi cho rằng đủ độ tin cậy để làm sáng tỏ thân phận người lính Lâm Văn Mạnh.

Người thứ nhất là ông Lê Văn Phải- từng giữ chức Chủ tịch UBND xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên từ năm 1981 đến năm 2004. Ông Phải kể rằng, ông nhập ngũ tháng 2.1970, trước ông Mạnh khoảng 3 tháng và hai người thuộc hai đơn vị khác nhau.

“Nhận được tin Mạnh hy sinh, tôi đã rất đau đớn, ba anh em chơi với nhau giờ chỉ còn hai”- ông Phải nhớ lại (thời điểm năm 2011, lúc Báo Tây Ninh đăng bài đầu tiên về câu chuyện này). Theo ông Phải, việc ghi quê quán Campuchia có thể là sơ suất khi lập hồ sơ. “Ghi nơi sinh Campuchia mới đúng, còn nói quê quán Campuchia là sai”- ông Phải nói.

Nhân chứng thứ hai là ông Lê Minh Quý- em ruột ông Phải. Hiện tại, ông Quý định cư tại TP. Hồ Chí Minh. Trao đổi qua điện thoại, ông Quý cho biết, sau khi anh trai ông- Lê Văn Phải nhập ngũ, ba tháng sau đến lượt ông và Lâm Văn Mạnh lên đường (tại Campuchia, hai nhà ở gần nhau). Ông Quý và Lâm Văn Mạnh được điều về hai đơn vị khác nhau.

Được một thời gian, ông Quý được đơn vị bạn báo tin ông Mạnh đã hy sinh. “Lúc đó tình hình chiến sự ác liệt, tôi không qua thăm viếng bạn được. Năm 1973, tôi liên lạc được với đơn vị của Mạnh và biết chính xác nó đã hy sinh”- ông Quý nói.

Theo ông Quý, ông Mạnh là người Việt Nam, vì hồi đó ở Campuchia có Hội Việt kiều yêu nước, những người phụ nữ Việt Nam có con tham gia kháng chiến được gọi là Hội Bà mẹ Việt kiều yêu nước.

Cũng có thể xem ông Lâm Văn Ngỡi, anh ruột Lâm Văn Mạnh là một nhân chứng quan trọng. Trong một lần đến thăm công trình đền liệt sĩ Việt kiều Campuchia tại Khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên), ông nhìn thấy tên của em trai mình được khắc trên bia.

Việt Đông - Hoàng Yến

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục