Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Đại hội XIII của Đảng với vấn đề an ninh con người
Bài 3: Thước đo tiến bộ xã hội
Thứ hai: 07:41 ngày 21/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định “tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”, từ đó đưa ra các quan điểm về bảo đảm an ninh con người, góp phần tạo lập nền tảng vững chắc để bảo vệ an ninh quốc gia.

Ảnh minh hoạ

Bàn về vấn đề an ninh con người, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ bảo đảm an ninh con người là “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, an ninh con người là thước đo của tiến bộ xã hội, là mục tiêu, động lực để đảm bảo an ninh xã hội - an ninh quốc gia”.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định “tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”, từ đó đưa ra các quan điểm về bảo đảm an ninh con người, góp phần tạo lập nền tảng vững chắc để bảo vệ an ninh quốc gia.

Bảo đảm vấn đề lao động và việc làm

Quá trình hội nhập làm biến đối cơ cấu kinh tế truyền thống của Việt Nam, nó thúc đẩy sự xuất hiện của một số ngành nghề mới và một số ngành nghề cũ phải thay đổi hoặc bị mất đi, làm biến đổi cơ cấu lao động. Những tác động của việc ứng dụng công nghệ mới khiến cho yêu cầu về công việc thay đổi kéo theo hệ luỵ sẽ là có một lực lượng lao động mất việc do không thay đổi kịp với yêu cầu mới của công việc.

Điều này đáng chú ý đđối với những quốc gia vốn coi lao động giá rẻ là lợi thế cạnh tranh- trong đó có Việt Nam. Đặc biệt là từ tháng 1.2020, dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động trong các ngành và tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Một số lượng lớn lao động sẽ mất việc là thách thức đối với an ninh con người.

Do đó, để bảo đảm an ninh con người trên lĩnh lực lao động và việc làm, Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra vấn đề một cách có hệ thống và toàn diện như: xây dựng thị trường lao động, tạo công ăn việc làm, chính sách tiền lương, hỗ trợ thất nghiệp; chỉ rõ phương hướng, tính chất và yêu cầu của thị trường lao động “phát triển thị trường lao động, hướng đến việc làm bền vững, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước.

Đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho người lao động để tham gia hiệu quả vào thị trường lao động. Chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, nâng cao tỷ trọng lao động trong khu vực chính thức, tập trung giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức, đặc biệt là lao động nông nghiệp chuyển đổi ngành nghề”.

Vấn đề tiền lương và thu nhập

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sau khi đánh giá kết quả thực thiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng khẳng định “chênh lệch giàu - nghèo còn lớn; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn”. Điều lo ngại là nguy cơ phân hoá giàu - nghèo dưới tác động của quá trình hội nhập quốc tế như Đại hội XIII đã dự báo là rất lớn.

Điều này tác động lớn đến an ninh con người và cần được quan tâm giải quyết. Để bảo đảm an ninh con người trên lĩnh vực này, Đại hội XIII đã xác định “cải cách chính sách tiền lương theo hướng gắn với sự thay đổi của giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng năng suất lao động, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả”.

Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hạn chế bất bình đẳng xã hội.

Bảo đảm vấn đề về sức khoẻ

Việc hội nhập trong điều kiện nước ta chưa được chuẩn bị kỹ các điều kiện nội tại (sự phát triển của nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, các chính sách đối ngoại và hợp tác quốc tế) sẽ có thể tạo ra các vấn đề về tính hiệu quả, sự công bằng và có thể tác động không tốt lên tình trạng sức khoẻ.

Khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ nhưng các hàng rào kỹ thuật không hiệu quả, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng. “Quá trình đô thị hoá tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường. Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nhanh, khốc liệt và khó lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và cuộc sống người dân”.

Do đó, văn kiện Đại hội XIII đã nhấn mạnh tiếp tục hoàn thiện và thực thi có hiệu quả các chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, chính sách chăm sóc y tế, cải thiện tầm vóc con người Việt Nam; tiếp tục cải thiện điều kiện khám, chữa bệnh cho người dân, đổi mới chính sách bảo hiểm y tế, xây dựng và củng cố hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế dự phòng cấp tỉnh và Trung ương.

“Nâng cao chất lượng dân số, sức khoẻ người dân cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống. Chăm lo phát triển về chất lượng, quy mô, cơ cấu dân số, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Chú trọng chăm sóc sức khoẻ bà mẹ; thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, giảm nhanh tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi nhẹ cân”, thực hiện tốt tổng thể Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Vấn đề về môi trường

Trong quá trình hội nhập quốc tế, “chất lượng môi trường ở nhiều nơi xuống cấp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số sông”. Hơn nữa, trong quá trình hội nhập, sự phát triển của nước ta không chỉ dựa vào tài nguyên giá rẻ, sức lao động rẻ, thị trường giá rẻ, hàng hoá và dịch vụ rẻ; mà còn dựa vào đầu độc môi trường sinh thái, làm cho môi trường sống của người dân ngày càng bị đe doạ nghiêm trọng.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của đất nước mà còn ảnh hưởng đến cả việc thu hút nguồn vốn FDI. Để bảo đảm an ninh con người trên lĩnh vực này, Đại hội XIII của Đảng yêu cầu xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu; dự báo, cảnh báo thiên tai, ô nhiễm và thảm hoạ môi trường, dịch bệnh.

Có kế hoạch khắc phục căn bản tình trạng huỷ hoại, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu đô thị. Cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của nhân dân… Đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường, đẩy lùi tình trạng ô nhiễm, xâm hại môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học.

Bảo đảm quyền con người

Đảng và Nhà nước luôn xác định con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, bảo đảm an ninh con người trước hết phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân, các “giá trị cốt lõi” và các điều kiện để mọi người phát triển toàn diện. Để làm được điều này, trước tiên, con người phải được đặt vào trung tâm của quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

“Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế” và  “tập trung xây dựng “hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” .

Bảo đảm an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng

Thực tế chứng minh rằng, khi có xung đột (dù là lĩnh vực nào) thì an ninh con người cũng bị đe doạ nghiêm trọng. Do đó, cần bảo đảm an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng trên cơ sở xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc. Đây được xem là một phương thức bảo đảm an ninh con người hiệu quả. Đại đoàn kết dân tộc sẽ giải quyết được hài hoà lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi người dân.

Vì vậy, cần phải “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, giai đoạn mà các mối đe doạ mới đến an ninh con người ngày một gia tăng theo chiều rộng lẫn chiều sâu. Vấn đề an ninh con người ở Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức mới do quá trình hội nhập trực tiếp hoặc gián tiếp mang lại. Do đó, việc nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữa bảo đảm an ninh con người với các vấn đề phát triển đất nước là một vấn đề hệ trọng, cần được chú trọng nghiên cứu cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục