BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển thị trường nghệ thuật - xu thế khách quan

Bài 3: Tỷ trọng văn hoá trong cơ cấu GDP 

Cập nhật ngày: 11/03/2022 - 00:13

BTN - Các kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn những người nước ngoài tham gia trả lời phỏng vấn về mức độ phát huy giá trị của những cơ sở vật chất và không gian văn hoá của nước ta đều đánh giá ở mức trung bình.

Hình ảnh về đất nước, văn hoá, lịch sử, con người, chính sách của Việt Nam được quảng bá, phổ biến, giúp nhân dân thế giới hiểu biết, yêu mến Việt Nam.

“Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá có trọng tâm, trọng điểm để phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hoá đóng góp 7% GDP vào năm 2030. Gắn phát triển văn hoá với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hoá cho các thế hệ mai sau”, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định về đóng góp của công nghiệp, thị trường nghệ thuật, văn hoá trong cơ cấu tăng trưởng của đất nước.

SỨC MẠNH, THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA

Theo UNESCO, công nghiệp văn hoá (hay thị trường nghệ thuật) xuất hiện khi các hàng hoá và dịch vụ văn hoá được sản xuất và tái sản xuất, được lưu trữ, phân phối trên dây chuyền công nghiệp và thương mại.

Vì vậy, ở nhiều quốc gia trên thế giới, công nghiệp văn hoá trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần to lớn vào việc phát triển kinh tế, văn hoá và quảng bá hình ảnh, sức mạnh mềm, thương hiệu quốc gia.

Các sản phẩm công nghiệp văn hoá (quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế điện ảnh, báo chí, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, truyền hình, phát thanh, du lịch văn hoá...) khi ra khỏi biên giới quốc gia sẽ không chỉ đơn thuần là những sản phẩm, hàng hoá văn hoá thông thường mà còn là biểu tượng, bản sắc, hình ảnh, thương hiệu quốc gia, thể hiện sức mạnh mềm của văn hoá quốc gia trong giao lưu và hội nhập quốc tế.

Quan điểm của Đảng, chính sách Nhà nước và sự ra đời của chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam, bước đầu tạo được nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của ngành công nghiệp văn hoá cũng như sự cần thiết phải đầu tư các nguồn lực cho công nghiệp văn hoá.

Dù ra đời muộn hơn các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đã có những đóng góp nhất định đối với nền kinh tế quốc dân. Một số lĩnh vực công nghiệp văn hoá như điện ảnh, mỹ thuật, quảng cáo, phần mềm kỹ thuật số và trò chơi điện tử, du lịch văn hoá... đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thì đến năm 2030, công nghiệp văn hoá, thị trường sản phẩm nghệ thuật chiếm 7% GDP của cả nước.

Nhận thức về phát triển công nghiệp văn hoá (hay thị trường nghệ thuật) trong đời sống xã hội đã có sự thay đổi. Cách nay 5 năm, trước năm 2016, công nghiệp văn hoá (hay thị trường nghệ thuật) còn là một khái niệm gây nhiều tranh cãi.

Từ năm 2018, kết quả khảo sát của nhiều nhóm nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam, ngành được nhiều người biết đến nhất là truyền hình, phát thanh và điện ảnh; tiếp đến là những ngành quảng cáo, kiến trúc, du lịch văn hoá, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, thủ công mỹ nghệ, xuất bản, thiết kế, thời trang.

Những thay đổi thể chế mang tính tích cực, Việt Nam đã từng bước gắn các thành tố sức mạnh mềm văn hoá với tiến trình các ngành công nghiệp văn hoá, tiến tới cơ cấu nền kinh tế sang hướng kinh tế tri thức, từ đó chuyển hoá nguồn tài nguyên mềm văn hoá thành năng lực cạnh tranh, sức thu hút, hấp dẫn và hội nhập quốc tế về Việt Nam.

Theo thống kê chưa đầy đủ, so với mức GDP chiếm 2,68% năm 2015, các ngành công nghiệp văn hoá của Việt Nam ước đạt 3,42% GDP cả nước năm 2019. Sự thay đổi này cho thấy, công nghiệp văn hoá (hay thị trường nghệ thuật) Việt Nam phát huy tương đối hiệu quả các thành tố sức mạnh mềm văn hoá thông qua hoạt động của các ngành công nghiệp văn hoá, dần rút ngắn khoảng cách cạnh tranh với các nền công nghiệp văn hoá trên thế giới.

GIẢM NHẬP SIÊU SẢN PHẨM VĂN HOÁ

Kế thừa nhận thức sâu sắc tài nguyên văn hoá là nguồn vốn quý giá phát triển kinh tế - xã hội, ngày 16.1.2017, Bộ Chính trị khoá XII ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Nghị quyết 08).

Văn bản này xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và toàn xã hội trong phát triển du lịch bền vững, đưa ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vừa phát huy các di sản văn hoá và giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo đảm sự hài hoà cả xã hội, việc làm, an ninh và quốc phòng.

Việt Nam có quy mô dân số gần 100 triệu người, là một thị trường tiềm năng các sản phẩm công nghiệp văn hoá nội địa. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, người Việt vẫn ưu ái sản phẩm công nghiệp văn hoá hàng "ngoại" nhiều hơn "nội".

Các sản phẩm công nghiệp văn hoá Việt Nam thiếu đi sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hoá. Do đó, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hoá ngày càng cao của người dân trong nước.

Điều này dẫn đến thị trường văn hoá (hay thị trường nghệ thuật) trong nước đang bị xâm lấn bởi sản phẩm công nghiệp văn hoá đến từ các cường quốc văn hoá cùng khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Theo đánh giá của Trung ương Đảng và kết quả của nhiều nhà nghiên cứu, trong giai đoạn (khoảng 35 năm) qua, chúng ta chưa xem công nghiệp văn hoá là một lĩnh vực có sự kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo, công nghệ và bản quyền làm cho nguồn tài nguyên này chưa tạo được sức thu hút đối với cảm nhận của người nước ngoài.

Các kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn những người nước ngoài tham gia trả lời phỏng vấn về mức độ phát huy giá trị của những cơ sở vật chất và không gian văn hoá của nước ta đều đánh giá ở mức trung bình.

Chỉ có hai cơ sở vật chất và không gian văn hoá gồm Bảo tàng Hồ Chí Minh và phố đi bộ Hồ Gươm được đánh giá khá tốt, vượt mức điểm trung bình là 4,2 và 4,1 (trong thang điểm từ 1 đến 5, trong đó, 1 điểm là chưa đưọc phát huy và 5 điểm là phát huy rất tốt). Điều này cho thấy, những ngưòi được hỏi chưa đánh giá cao việc nước ta phát huy giá trị của những cơ sở vật chất và không gian văn hoá này.

Nhà nước chưa ban hành được các chính sách cụ thể có tính đột phá khuyến khích hoạt động sáng tạo, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến phát triển công nghiệp văn hoá. Kinh phí của Nhà nước hạn hẹp, nguồn vốn xã hội thấp, cách thức hoạt động còn lúng túng là những nguyên nhân làm cho ngành công nghiệp văn hoá chậm phát triển, quy mô nhỏ, hoạt động yếu ớt. Chất lượng nguồn nhân lực trong công nghiệp văn hoá của Nhà nước còn thấp.

Thị trường văn hoá bước đầu được hình thành, nhưng phát triển còn manh mún, tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp. Sản phẩm công nghiệp văn hoá ở một số lĩnh vực còn nghèo nàn, nội dung và hình thức chưa hấp dẫn nên sức cạnh tranh hạn chế, chưa thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng, có dấu hiệu bị sản phẩm công nghiệp văn hoá nước ngoài lấn lướt ngay ở thị trường nội địa.

Còn để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm bản quyền tác giả. Việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá đang ở bước khởi động, chủ yếu mới dừng ở chương trình, kế hoạch, đề án; một số lĩnh vực chưa phát huy hiệu quả, có lĩnh vực đang bị nghiệp dư hoá.

“Nhập siêu văn hoá” kéo dài. Mức đầu tư cho văn hoá đối ngoại còn thấp. Sản phẩm văn hoá, nghệ thuật Việt Nam chất lượng chưa cao nên khó vào được thị trường văn hoá ở nhiều nước.

Việc quảng bá văn hoá Việt Nam ra nước ngoài mới chỉ có ở một số địa bàn, khu vực; việc quản lý khách du lịch và hoạt động văn hoá nghệ thuật của một số tổ chức, trung tâm văn hoá nước ngoài còn bị động. Không ít cơ quan thông tin đại chúng giới thiệu, quảng bá phim ảnh, chương trình, sản phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật thiếu thận trọng, thẩm định dẫn tới sai sót, vi phạm.

Công tác quản lý xuất nhập khẩu văn hoá phẩm chưa chặt chẽ dẫn đến để lọt sản phẩm văn hoá nước ngoài du nhập vào nước ta chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá của dân tộc, thậm chí có những sản phẩm độc hại.

Một bộ phận cán bộ, nhân dân có tâm lý sính ngoại, tiêu dùng sản phẩm văn hoá cũng như tiếp nhận lối sống thiếu chọn lọc, ảnh hưởng đến việc giữ gìn truyền thống văn hoá dân tộc và xây dựng con người Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tình trạng nghiệp dư hoá nghệ thuật chuyên nghiệp chưa được khắc phục triệt để. Công tác tuyển sinh, đào tạo nhân lực lý luận, phê bình và nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn. Còn có một số văn nghệ sĩ, trí thức phát ngôn, viết bài, sáng tác tác phẩm phản ánh không đúng bản chất chế độ xã hội, tuỳ tiện tán phát thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội.

Chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung tư tưởng sắc bén, hình thức thể hiện đổi mới, hấp dẫn; không ít văn nghệ sĩ còn e ngại, xa lánh những vấn đề, đề tài quan trọng, lớn lao của đất nước.

Việt Đông

Tin liên quan
  • Bài 1: Thị trường nghệ thuật là gì ? 

    Bài 1: Thị trường nghệ thuật là gì ?

    Nói đến nghệ thuật, lâu nay, người ta ít bàn, ít đề cập đến yếu tố thị trường, vì cho rằng như thế là thương mại hoá nghệ thuật. Thực tế không phải như vậy. Công nghiệp văn hoá, thị trường nghệ thuật đang đặt ra nhiều vấn đề, cách tiếp cận mới, một tư duy mới về làm nghệ thuật.

  • Bài 2: Sản phẩm nghệ thuật - nhập nhiều hơn xuất 

    Bài 2: Sản phẩm nghệ thuật - nhập nhiều hơn xuất

    Chất lượng dịch vụ sản phẩm nghệ thuật nhìn chung chưa cao và đồng đều, năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế thấp, thiếu các thương hiệu ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, chưa có nhiều sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao.