Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trí thức người dân tộc thiểu số: Họ đã vươn lên như thế
Bài 3: Vai trò của người trí thức dân tộc thiểu số
Thứ bảy: 07:05 ngày 25/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thành phần lao động trí thức người dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách đại đoàn dân tộc, khơi dậy khát vọng vươn lên của đất nước, của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Anh Ham Mát (thứ ba từ phải sang), được khen thưởng tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Số lượng trí thức người dân tộc thiểu số ở Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung, chưa phải đã cao so với tổng số dân của từng địa phương. Nhưng, họ đã và đang có đóng không nhỏ cho sự phát triển của xã hội, đặc biệt thành phần lao động trí thức người dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy khát vọng của đất nước, của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Điều này hoàn toàn đúng và trúng với việc thực hiện chuyên đề năm 2023 của Tỉnh uỷ Tây Ninh về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên để Tây Ninh phát triển nhanh và bên vững”.

“Con cái không thể mù chữ như ba mẹ”

Thật thiếu sót nếu loạt bài này không kể đến anh Ham Mát, người dân tộc Chăm, công tác tại Trung tâm Khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Người thanh niên này sinh ra ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu trong gia đình người Chăm có truyền thống tham gia kháng chiến, bên ngoại của anh có nhiều đóng góp cho cách mạng trong thời kỳ đất nước chưa thống nhất.

Ham Mát cho biết, cả ba và mẹ anh đều không biết chữ, vì thế, họ muốn con cái học hành đến nơi đến chốn, “cầm cái bút nhẹ hơn cầm cái cuốc”- Ham Mát nhớ lại câu nói của người cha khi động viên con đi học.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, Ham Mát vào học một năm ở Trường đại học Dự bị dân tộc, lấy đó làm đà để thực hiện mong muốn thi vào ngành Y khoa để trở thành bác sĩ. Nhưng sau cùng, anh chọn Trường đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh.

Từ ngày ra trường đến nay, Ham Mát trải qua nhiều vị trí việc làm khác nhau, hiện anh là chuyên viên Trung tâm Khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Ham Mát là một cán bộ trẻ, đặc biệt tích cực trong các phong trào thanh niên, các hoạt động xã hội. Năm năm trước, sau nhiều nỗ lực, không ngừng phấn đấu trong công tác, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bạn thấy chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số như thế nào? Theo Ham Mát, từ chính bản thân mình và từ góc nhìn của một trí thức người dân tộc thiểu số, anh nhận thấy, không phải bây giờ, hàng chục năm qua, Đảng và Nhà nước đầu tư nhiều nguồn lực dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nguồn lực đầu tư ở đây không nên hiểu chỉ ở khía cạnh kinh tế, cơ sở hạ tầng. Cái lớn nhất đồng bào nhận được chính là ánh sáng của tri thức, văn hoá, trong đó có giáo dục. “Chỉ có giáo dục mới nâng cao trình độ dân trí.

Trường phổ thông Dân tộc trú tỉnh Tây Ninh ra đời đã tạo điều kiện, cơ hội học tập rất tốt cho con em đồng bào. Chính từ đây, nhiều con em đồng bào sau khi học xong phổ thông, họ tiếp tục con đường học vấn và trở về góp phần xây dựng quê hương. Tôi nói thật lòng và điều đó hoàn toàn kiểm chứng được”- Ham Mát nói.

Theo thống kê, năm 2018, cả nước có 162.120 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, chiếm 14,53% (nữ giới chiếm 49,2%). Trong đó, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 10.398 người (chiếm 17,2%).

Tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số là đại biểu Hội đồng nhân dân có xu hướng giảm, nhiệm kỳ 2004-2009 cấp tỉnh 20,23%, cấp huyện 20,18%, cấp xã là 24,4%; nhiệm kỳ 2016-2021 cấp tỉnh 16,91%, cấp huyện 18,29%, cấp xã 22,14%.

Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc

Theo số liệu chưa đầy đủ, đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ ở Tây Ninh hiện có trên dưới 200 người.

Trong số này, riêng ngành Giáo dục có 144 người. Số lượng trí thức người dân tộc thiểu số ở Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung, chưa phải đã cao, tính theo tỷ lệ số dân. Nhưng họ đã, đang đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của xã hội.

Thành phần lao động trí thức người dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách đại đoàn dân tộc, khơi dậy khát vọng vươn lên của đất nước, của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương khoá X ban hành Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Nghị quyết 27 đặc biệt nhấn mạnh “gắn bó vững chắc giữa Ðảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Ðảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí.

Trung ương yêu cầu có chính sách, kế hoạch cụ thể để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, trí thức là những người đã có cống hiến trong hoạt động thực tiễn, trí thức người dân tộc thiểu số và trí thức nữ.

Nghị quyết số 27 xác định trí thức là “lực lượng sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là một cách tiếp cận hiện đại về trí thức và phản ánh xu thế chung của thế giới khi gắn đội ngũ trí thức với phát triển kinh tế tri thức.

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 402 về “nâng cao tỷ lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, trong đó quy định tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên tổng số dân của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

Quyết định 402 yêu cầu “triển khai có hiệu quả các chính sách về thu hút, trọng dụng, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tổng kết, đề xuất các giải pháp để không ngừng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, bảo đảm phù hợp với từng địa bàn vùng dân tộc thiểu số”.

“Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...

Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Dự thảo đề án Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030 (do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện) nhận diện, đánh giá, phát triển đội ngũ trí thức ở Việt Nam hiện nay theo tám nhóm cơ bản: trí thức là cán bộ, công chức; trí thức trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ; trí thức trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật; trí thức trong lực lượng vũ trang…

Cách phân loại này cơ bản phù hợp điều kiện cụ thể của nước ta. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất, cần bổ sung vào dự thảo hai nhóm, gồm nhóm thứ chín (nữ trí thức) và nhóm thứ mười (trí thức dân tộc thiểu số). Đề xuất này hoàn toàn hợp lý khi Việt Nam là quốc gia có đến 54 dân tộc phân bố khắp lãnh thổ đất nước.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững, phát triển gắn với công bằng xã hội, chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức không nên chỉ tập trung ở các trung tâm chính trị, kinh tế, đô thị lớn mà cần chú trọng phát triển trí thức ở các vùng khó khăn như như ở khu vực miền núi, vùng biên giới, hải đảo. Dân tộc (thiểu số) gắn liền với tôn giáo, tôn giáo thường gắn với nhân quyền.

Từ nhiều năm qua, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng ba vấn đề nêu trên để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Thực tế chứng minh rằng, trong nhiều thập kỷ qua, Đảng, Nhà nước đã đầu tư nguồn lực rất lớn dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Điều này bác bỏ thẳng thừng những đánh giá sai lệch, thiên kiến về vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền ở Việt Nam.

Việt Đông - Hoàng Yến

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh