Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, sau khi nhận được phản ánh của cử tri hai huyện Gò Dầu và Châu Thành, công ty đã tổ chức đoàn kiểm tra hiện trạng các tuyến kênh nói trên. Ðối với các tuyến kênh tiêu T4B-2, TN25-12 và T25-10 đã được xây dựng nhiều năm nhưng chưa khai thác hiệu quả, công ty đề nghị địa phương giải toả mặt bằng và xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm lưu không kênh.
Tuyến kênh tiêu TN25-12 nhiều cỏ mọc hoang và bị bồi lắng khiến việc tiêu thoát nước không được, gây ngập úng tại ấp Sân Lễ, xã Hảo Đước.
Gần đây, nông dân nhiều địa phương phản ánh tình trạng nhiều tuyến kênh tiêu nội đồng bị bồi lắng, gây ách tắc dòng chảy, khiến đất đai vì thiếu nước hoặc ngập úng không canh tác được bị lãng phí, gây thiệt hại cho nông dân. Một số vùng sản xuất khác thiếu hệ thống kênh tiêu, hoặc hệ thống thuỷ lợi chưa được đầu tư hợp lý, gây ngập cục bộ nhiều cánh đồng. Ðây là vấn đề khá nóng bỏng ở tỉnh ta những năm qua, nhất là trong giai đoạn cơ cấu lại cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Cụ thể, tuyến kênh T4B và T4B-2 là hai tuyến kênh tiêu lớn của huyện Gò Dầu, dài gần 5km, phục vụ tưới và tiêu thoát nước cho diện tích hơn 500 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là cây ăn trái của các xã Hiệp Thạnh và Bàu Ðồn. Tuy nhiên, qua nhiều năm không được cải tạo, nạo vét nên lòng kênh đang bị bồi lắng, cỏ cây mọc um tùm, gây tắc nghẽn dòng chảy, làm cho việc sản xuất nông nghiệp của nông dân khu vực này gặp nhiều khó khăn.
Ông Vương Hồng Ân (ngụ tổ 19, ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh) có hơn 2,5 ha đất trồng sầu riêng và chôm chôm, cho biết, liên tiếp những năm gần đây, do lòng kênh bị bồi lắng, nước không thoát kịp, mỗi khi mưa lớn, diện tích ngập úng cục bộ lên đến hơn 30 ha. Mùa mưa năm rồi, vườn sầu riêng nhà ông Ân ngập trên 0,5m, làm chết gần 200 cây, số còn lại cũng còi cọc, kém phát triển.
Ông Nguyễn Minh Cường- Bí thư kiêm Trưởng ấp Cây Da cho hay, ấp có trên 30 ha cây ăn trái, ngập úng thường xuyên nên việc canh tác của nông dân hết sức khó khăn. Còn theo ông Nguyễn Thành Tây- Phó Chủ tịch HÐND xã Hiệp Thạnh, ngập úng cục bộ trên địa bàn do 2 tuyến kênh T4B và T4B-2, đoạn từ Cầu Ðộn đến Cầu Ðôi qua nhiều năm bị bồi lắng, cây cỏ mọc nhiều làm hạn chế dòng chảy. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, HÐND xã đã tiếp thu và tổng hợp các ý kiến của người dân kiến nghị các ngành chức năng cấp trên sớm cải tạo, nạo vét hai tuyến kênh này để nông dân yên tâm sản xuất.
Tương tự, tại xã Hảo Ðước (huyện Châu Thành), hai tuyến kênh tiêu TN25-12 và T25-10 phục vụ việc tiêu thoát nước cho khoảng 150 ha lúa của bà con hai ấp Bình Lợi và Sân Lễ. Thế nhưng, do lòng kênh bị bồi lắng nên nước không tiêu thoát được, gây ra tình trạng ngập cục bộ thường xuyên ở khu vực này.
Với gần 3 ha đất mới chuyển từ trồng mì sang trồng lúa, ông Nguyễn Văn Út, ngụ tổ 2, ấp Sân Lễ, xã Hảo Ðước cho hay, trước đây, gia đình ông làm mỗi năm 3 vụ, 2 vụ lúa và 1 vụ thuốc lá vàng hoặc mì. Ngập úng cục bộ thường xuyên nên ông lại phải chuyển sang trồng lúa, dù hiệu quả không cao. Bởi cây lúa chỉ có thể chịu ngập vài ba ngày. Còn nếu ngập kéo dài hơn, hoặc ngập vài ngày vào thời điểm mới gieo sạ, giai đoạn lúa làm đòng và lúc sắp thu hoạch, nông dân sẽ trắng tay.
Theo ông Lê Sĩ Trong, Trưởng ấp Sân Lễ, cả ấp có trên 50 ha thường xuyên bị ngập cục bộ, thời gian ngập khoảng 3 đến 7 ngày. Các loại cây trồng như mía, mì, thuốc lá và các loại hoa màu rất khó sống được trong điều kiện này.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Hảo Ðước cho rằng, cử tri hai ấp Bình Lợi và Sân Lễ đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị các ngành chức năng quan tâm xử lý tình trạng ngập úng cục bộ gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Năm 2016, chính quyền xã, ấp vận động bà con nông dân nạo vét và phát quang cỏ dại mọc trong lòng kênh, khơi thông dòng chảy nhưng nền đất yếu nên nạo vét được vài tháng thì đất trên bờ lại đổ sụp xuống. Do đó, tình trạng ngập úng đến nay vẫn chưa được cải thiện.
Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, sau khi nhận được phản ánh của cử tri hai huyện Gò Dầu và Châu Thành, công ty đã tổ chức đoàn kiểm tra hiện trạng các tuyến kênh nói trên. Ðối với các tuyến kênh tiêu T4B-2, TN25-12 và T25-10 đã được xây dựng nhiều năm nhưng chưa khai thác hiệu quả, công ty đề nghị địa phương giải toả mặt bằng và xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm lưu không kênh.
Hiện công ty đang trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa các tuyến kênh trên vào danh sách công trình được phân khai vốn sửa chữa từ nguồn thuỷ lợi phí năm 2018. Sau khi Sở đồng ý, công ty sẽ triển khai thực hiện. Riêng tuyến kênh tiêu T4B nằm trong vùng chuyển đổi sang đất trồng cây ăn trái theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sẽ được triển khai nạo vét, sửa chữa trong năm 2019.
Minh Dương
(còn tiếp)