Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sau nhiều lần hứa trước Quốc hội (nhiệm kỳ trước) cách nay vài ngày, tân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có động thái cụ thể xung quanh câu chuyện chứng chỉ mà thực chất là một loại “giấy phép con”, cần phải được bãi bỏ.
Giáo viên tiểu học ở thị xã Trảng Bàng trong giờ dạy. Ảnh chụp tháng 11.2020
Rà soát, bãi bỏ nhiều loại chứng chỉ đối với viên chức nói chung, giáo viên nói riêng là một trong những vấn đề thời sự thu hút sự quan tâm đặc biệt trong thời gian qua. Câu chuyện văn bằng, chứng chỉ không mới nhưng hàng chục năm nay, đây là vấn đề nổi cộm, có nhiều quy định lỗi thời.
Sau nhiều lần hứa trước Quốc hội (nhiệm kỳ trước) cách nay vài ngày, tân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có động thái cụ thể xung quanh câu chuyện chứng chỉ mà thực chất là một loại “giấy phép con”, cần phải được bãi bỏ.
Hàng trăm loại chứng chỉ
Ngày 19.3.2021, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát, báo cáo về chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Trong đó, cần phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý, hoạt động công vụ, hoạt động nghề nghiệp, xác định sự cần thiết có hay không có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp được giao quản lý.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ “vào cuộc” và cho ra những con số, những ý kiến không thể không lưu tâm đối với những người thuộc diện làm công ăn lương. Kết quả rà soát của Bộ Nội vụ cho thấy, có nhiều loại chứng chỉ đang tồn tại và được áp dụng đối với công chức, viên chức.
Theo đó, hiện nay, theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, quy định của Chính phủ và các bộ, ngành, việc đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức được thực hiện đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức và bồi dưỡng nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành.
Có 3 loại chứng chỉ bồi dưỡng yêu cầu bắt buộc đối với công chức, viên chức. Cụ thể, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý được thực hiện trước khi bổ nhiệm (Chỉ thị số 28 ngày 18.9.2018 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến hết năm 2021, 100% cán bộ, công chức, viên chức phải bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại).
Thứ hai, chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức là bắt buộc khi thực hiện việc bổ nhiệm hoặc đăng ký dự thi nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp. Loại chứng chỉ này nhiều nhất, bao gồm: chứng chỉ bồi dưỡng về lý luận chính trị chỉ yêu cầu đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch công chức (có 66 loại chứng chỉ/79 ngạch công chức) hoặc chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp viên chức (có 145 loại chứng chỉ/189 chức danh nghề nghiệp viên chức); chứng chỉ ngoại ngữ (có 74/79 ngạch công chức và 155/189 chức danh nghề nghiệp viên chức yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ); chứng chỉ tin học (có 74/79 ngạch công chức và 142/189 chức danh nghề nghiệp viên chức yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ).
Thứ ba, chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hằng năm.
Theo quy định, chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm và kiến thức, kỹ năng chuyên ngành không yêu cầu bắt buộc phải có khi bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc bổ nhiệm ngạch, chức danh nghề nghiệp, nhưng là một trong những căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm của công chức, viên chức.
Như vậy, kết quả tổng rà soát cho thấy, có hàng trăm loại chứng chỉ khác nhau được chia thành ba nhóm. Bộ Nội vụ đánh giá như thế nào?
“Qua rà soát các quy định và tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Nội vụ nhận thấy việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức được thực hiện từ năm 2003 đi vào nề nếp. Các chương trình bồi dưỡng đã cung cấp một nền kiến thức chung về quản lý hành chính nhà nước, quản lý chuyên ngành, các kỹ năng làm việc, thực hiện nhiệm vụ, góp phần chuẩn hoá, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức có một số hạn chế, tồn tại. Nội dung một số chương trình bồi dưỡng còn nhiều lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm, còn trùng lặp nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp trong cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học.
Việc quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn phù hợp vì hiện nay các cơ sở đào tạo đã có quy định về việc chuẩn đầu ra phải đạt được trình độ ngoại ngữ, tin học theo các cấp độ tương ứng. Có sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên do Bộ Giáo dục và Ðào tạo quy định” - trích báo cáo của Bộ Nội gửi Thủ tướng Chính phủ.
Từ thực tế đó, Bộ Nội vụ nêu ý kiến công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức là cần thiết và phải tăng cường nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện chủ trương chung của Ðảng, Nhà nước trong đối mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức, bảo đảm giữa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng không trùng lặp về nội dung, phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, lấy đối tượng đào tạo, bồi dưỡng làm trung tâm, đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.
Hạn chế yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ như sau: Ðề nghị bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức. Cụ thể, bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức.
“Cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm. Theo đó đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý theo hướng không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Nghiên cứu quy định về chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch công chức, chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp cho phù hợp với yêu cầu, tính chất hoạt động nghề nghiệp của công chức, viên chức; xem xét lồng ghép các chương trình bồi dưỡng do Bộ quản lý chuyên ngành quy định” - Bộ Nội vụ nêu.
Chỉ ít ngày sau khi Bộ Nội vụ báo cáo, ngày 10.6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình có ý kiến chỉ đạo cắt cảm ngay những chứng chỉ mang tính hình thức. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Các bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý cho phù hợp, bảo đảm cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch công chức, chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp viên chức, cần rà soát phù hợp với yêu cầu, tính chất hoạt động nghề nghiệp của công chức, viên chức. Cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm”.
“Tôi cũng không hiểu hết”
Ngày 13.6, trao đổi với phóng viên, một vị làm công tác quản lý lâu năm, giàu kinh nghiệm về công tác tổ chức cho biết, chính bản thân ông cũng như lạc vào “ma trận” của “kính thưa các loại chứng chỉ”. Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục, người này nhìn nhận, việc Bộ GD&ÐT và cả Bộ Nội vụ quy định các loại chứng chỉ, trong đó có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên là không hợp lý.
Người này phân tích như sau: từ năm 2013 trở về trước, khi thay đổi ngạch, bậc đối với viên chức, người ta gọi là chuyển loại viên chức theo trình độ đào tạo. Sau thời gian này, khái niệm chuyển loại viên chức không còn được sử dụng nữa.
Thay vào đó, hàng loạt thông tư ra đời. Khi xếp hạng viên chức, thang bậc lương của họ đang được hưởng với văn bằng, trình độ hiện có, đây là điều đương nhiên, không có gì sai, không có gì bàn cãi. Nhưng hiện nay, đối với giáo viên THCS chẳng hạn, nhóm đối tượng này đang là giáo viên hạng hai, họ đã đủ điều kiện về văn bằng, trong đó có bằng đại học thì việc bắt họ đi học lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp (để giữ hạng) thì không có ý nghĩa gì cả.
“Nhà nước đã quy định trình độ này được hưởng thang, bậc lương này, họ đang hưởng đúng chế độ, đúng quy định, vậy tại sao lại phải đi học để giữ hạng”- vị cán bộ nêu vấn đề. “Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không có giá trị gì đối với công việc chuyên môn đâu”- vị này bình luận.
Bình luận về việc Bộ Nội vụ tổng rà soát, cắt giảm chứng chỉ, người này cho biết, vấn đề chứng chỉ, văn bằng cần nhìn nhận tính “lịch sử của nó”. Theo đó, trong thời gian khoảng từ 2005 đến 2015, việc đào tạo, quản lý văn bằng có nhiều biến động, sơ hở, rối rắm. Khi một sinh viên đã tốt nghiệp, họ được đào tạo bài bản thì việc tiếp tục yêu cầu các loại chứng chỉ không cần thiết, không phù hợp.
Ví dụ, trước đây yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhưng hiện nay, bất kỳ sinh viên nào tốt nghiệp đại học cũng đều biết sử dụng máy tính cả, vì không biết sử dụng máy tính, họ không thể làm việc. “Không riêng gì giáo viên, đối với viên chức các ngành nghề khác cũng vậy, mức lương họ đang hưởng không tương xứng với chế độ lao động, điều kiện làm việc.
Vậy nhưng viên chức phải liên tục học lớp này lớp nọ để lấy chứng chỉ nhằm thoả mãn một số điều kiện chỉ có tính hình thức. Tôi thấy điều này quá đáng lắm. Tôi đề nghị chỉ cần đào tạo chính quy, bài bản là ứng viên đã có thể làm việc. Anh không làm được việc thì tự anh ra đi hoặc bị đào thải” - vị cán bộ thẳng thắn bày tỏ. Ðối với nhóm giáo viên đang được thông báo đi học lấy chứng chỉ, vị cán bộ nêu vấn đề đáng suy ngẫm, nguyên văn: “Theo quy định trước đây, nhóm giáo viên này đang là giáo viên hạng hai, nay được thông báo phải đi học lấy chứng chỉ, trong vòng một năm, nếu không có chứng chỉ thì xuống hạng, tức thành giáo viên hạng ba.
Họ chi ra mỗi người từ 2,1 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng đi học để lấy chứng chỉ, về vẫn hưởng mức lương như khi chưa có chứng chỉ. Vậy nếu chỉ vì không đi học để lấy chứng chỉ, đẩy giáo viên hạng hai thành hạng ba, tức xuống hạng, họ có để yên không. Tóm lại nhiều thứ lộn xộn lắm, bản thân tôi cũng không hiểu hết được”.
Giáo viên Trường THPT Trần Ðại Nghĩa hướng dẫn học sinh làm hồ sơ dự thi vào lớp 10, năm học 2021 – 2022.
Ðôi lời
Câu chuyện chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm, các loại chứng chỉ đã được đề cập nhiều lần. Ðộng thái mới đây của tân Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho thấy dấu hiệu của cải cách hành chính nói chung, thủ tục hành chính nói riêng đang có chuyển biến. Nhìn nhận một cách khoa học, đúng luật, không phải tự nhiên có hiện tượng “loạn chứng chỉ”.
Các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư không thể tự ý quy định văn bằng chứng chỉ nếu luật không cho phép, cụ thể là Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức. Tuỳ theo ngành nghể, mỗi vị trí việc làm hoặc liên quan việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt kèm theo hàng loạt điều kiện, trong đó có một số chứng chỉ. Nhưng, ngay giữa các luật không phải khi nào cũng có sự thống nhất.
Ví dụ, Luật Giáo dục năm 2019 chỉ quy định văn bằng được đào tạo đối với giáo viên (tốt nghiệp cao đẳng, đại học)là đủ điều kiện dạy học, không kèm theo bất kỳ chứng chỉ, tức một loại giấy phép con nào. Xét theo thực tế và cả phương diện lý luận, văn bằng chính quy, chính thức có giá trị cao hơn các loại chứng chỉ.
Nhiều năm qua và đặc biệt thời gian gần đây, không chỉ trên mạng xã hội, ngay cả báo chí chính thống cũng xuất hiện nhiều ý kiến hết sức nặng nề (nhưng chính đáng) về câu chuyện chứng chỉ. Có nhiều ý kiến nói thẳng thừng rằng, chứng chỉ thực chất là một loại giấy phép con được “sản xuất” để “nhũng nhiễu” những người cần phải có nó.
Các cơ quan quản lý ngành ở cấp tỉnh, thành cũng chỉ là người thừa hành, họ không có quyền tự ý đặt ra các loại chứng chỉ hoặc bãi bỏ nó. Theo quy định, giấy phép con là loại giấy phép dùng để cấp cho những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Viên chức làm trong khối hành chính, khối sự nghiệp, họ không phải là người kinh doanh những mặt hàng hay dịch vụ nhạy cảm, nguy hiểm, bắt buộc phải có giấy phép con. Ðừng quên, cắt bỏ giấy phép con là một ưu tiên của Chính phủ và các bộ, ngành, cả trong nhiệm kỳ trước lẫn hiện nay.
Việt Ðông