BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bài cuối: Cần nâng cao cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo 

Cập nhật ngày: 21/01/2023 - 23:04

BTNO - Người dùng cần biết để phòng tránh 3 nhóm lừa đảo như: giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản; các hình thức kết hợp.

Một đối tượng cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh bị Công an bắt giữ

Vừa qua, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa điểm ra 3 nhóm lừa đảo chính với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, qua đó giúp người dùng nhận biết để phòng tránh với 3 nhóm lừa đảo cụ thể: giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản; các hình thức kết hợp.

Vẫn… “bình mới, rượu cũ”

Thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội như Facebook là một thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng đáng lo ngại bởi các đối tượng xấu thường làm quen kết mạng, gửi link bình chọn để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng những thủ đoạn tinh vi khiến không ít người dân mất cảnh giác và dễ dàng “sập bẫy”.

Là một người thường xuyên sử dụng Facebook, em Vũ Thị Hồng Thắm, ngụ xã Thanh Điền, huyện Châu Thành cho biết, thời gian trước do mất cảnh giác nên đã bấm vào link bình chọn ảnh trên mạng xã hội do một người bạn giới thiệu. Tuy nhiên, sau đó em Thắm mới biết người bạn của mình đã bị hack Facebook và thực hiện hành vi gửi link để chiếm đoạt thông tin cá nhân nhằm lừa đảo.

Em Thắm nói: “Sau đó em cũng bị hack Facebook, họ lấy Facebook của em đi mượn tiền, những cái tin nhắn gần đây nhất người ta sẽ lấy ta mượn tiền hỏi em có dùng hỏi bạn em có dùng internet banking không. Tuy nhiên may mắn là bạn của em cũng khá cảnh giác nên không bị lừa mà gọi điện thoại cho em xác minh trước”.

Còn chị N.T.H. ngụ xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu cho biết, cuối năm 2022 ngay sau khi bấm vào link bình chọn ảnh thì tài khoản Facebook của bản thân cũng bị hack. Sau đó, đối tượng nhắn tin vay mượn tiền của bạn bè, người thân. Tuy nhiên, người thân của chị H đã chuyển đi 15 triệu đồng.

Bỗng dưng thành… con nợ

Không hề vay mượn tiền qua app, các tổ chức tín dụng nhưng vừa qua em Lê Tuấn Anh, ngụ phường 2, thành phố Tây Ninh bỗng dưng trở thành con nợ của một app vay tiền và thường xuyên bị khủng bố đòi nợ.

Cuộc sống của gia đình em Tuấn Anh bị đảo lộn khi đối tượng này liên tục gọi điện chửi bới, bôi nhọ là lừa đảo, vay nợ không chịu trả. Đỉnh điểm là các đối tượng này còn sử dụng mạng xã hội để gửi những giấy vay nợ, lệnh truy nã giả đến người thân, bạn bè của Tuấn Anh.

Em Tuấn Anh chia sẻ: “Việc mà làm phiền nó dài hạn quá và nó ảnh hưởng đến tất cả những người thân của mình, người ta đe doạ rồi người ta chửi mình, có cả giấy truy nã nữa. Người ta tạo những cái giấy truy nã giả trên mạng, mà mình bây giờ còn rất  nhiều người quen. Khiến uy tín, danh dự của em bị ảnh hưởng rất nhiều, người thân thì lo lắng”.

Lực lượng chức năng ra quân kiểm soát giao thông, trấn áp tội phạm dịp cuối năm.

Thế nhưng không hiểu lý do gì mà thông tin số điện thoại, số chứng minh nhân dân của Tuấn Anh bị lộ lọt, rồi cả số điện thoại của bạn bè, người thân cũng bị lộ ra ngoài và cuối cùng gia đình em lại bị đòi nợ, đe dọa nhiều ngày nay. Và những người có liên quan đến gia đình cũng không ngừng bị quấy nhiễu.

Sau đó, để tránh bị làm phiền, ảnh hưởng đến người thân, khi đối tượng gọi đến đòi tiền nữa thì Tuấn Anh đã cho biết sẽ báo Công an để điều tra và bảo vệ quyền lợi của mình. Ngay lập tức đối tượng này ngắt điện thoại và từ đó không nhận được cuộc gọi hay thông tin đòi nợ gì nữa.

Với quyết tâm giữ vững an ninh trật tự địa bàn để người dân đón tết an toàn, vui tươi nên vào những ngày cuối năm, giáp tết nguyên đán, các đơn vị, lực lượng công an trong tỉnh đang tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ… không để phát sinh những vụ việc phức tạp, bất ngờ.

Thay lời kết

Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng tỉnh, tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng gia tăng, phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi. Thống kê của Công an tỉnh, năm 2022 Công an tỉnh đã bắt, khởi tố 10 vụ 21 bị can về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, cưỡng đoạt tài sản; 34 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tiếp nhận 54 trường hợp người dân đến bao tin lừa đảo quan mạng Internet, thiệt hại về tài sản hơn 26,1 tỷ đồng.

Đây là một con số không hề nhỏ, nhưng việc điều tra lại gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt vào dịp cuối năm, nắm bắt nhu cầu người dân cần tiền để trả khoản nợ vay hoặc chi tiêu dịp Tết nên các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để "mời gọi" người dân vay tiền không cần thế chấp.

Thượng tá Nguyễn Văn Tâm - Phó Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: “Với quyết tâm tấn công, trấn áp mạnh tội phạm trong lĩnh vực này, đặt biệt là dịp Tết Nguyên đán 2023, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch trấn áp tội phạm trong đó có tội phạm tín dụng đen, cờ bạc, lừa đảo qua mạng. Toàn lực lượng thực hiện các phương án trấn áp tội phạm, không để các băng nhóm hình thành gây mất an ninh trật tự, gây bất bình trong nhân dân”.

Tuy nhiên, để phòng tránh rủi ro, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân luôn đề cao cảnh giác và nhận biết một số dấu hiệu lừa đảo của các đối tượng. Đồng thời thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Không nên chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng, mã OTP, không chuyển tiền cho người khác khi chưa xác thực.

Đặc biệt, không nên kết bạn với người lạ, người nước ngoài mà trang cá nhân sơ sài, nếu họ có đề nghị tặng quà, nhận bưu phẩm nên từ chối vì chắc chắn “miếng pho-mát miễn phí chỉ có ở trong bẫy chuột”. Theo đó, người dân cần hết sức cảnh giác, khi phát hiện các dấu hiệu, thông tin liên quan đến lừa đảo,chiếm đoạt tài sản, cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an gần nhất để cơ quan công an nắm bắt, xử lý.

Vũ Nguyệt