Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sách giáo khoa lớp 1- Chuyện sau nửa năm học
BÀI cuối: câu chuyện bị đẩy đi quá xa
Thứ hai: 09:06 ngày 01/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không ai hiểu sách giáo khoa bằng chính giáo viên đứng lớp, vì họ trực tiếp sử dụng sách giáo khoa. Qua từng bài học, từng tiết dạy, thậm chí từng bài kiểm tra, họ là người biết rõ nhất ưu, nhược điểm của sản phẩm.

Học sinh lớp 1 đang học bộ sách Cánh diều.

Trước hết cần thống nhất rằng, chất lượng của 5 bộ sách giao khoa (không riêng gì bộ Cánh diều) chưa được như trông đợi, tức đã có những sai sót đáng tiếc. Bằng chứng rõ nhất là sách vừa in ra, mới học được ít tuần, đã phải sửa. Tổng chủ biên của một số bộ sách, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, thậm chí cả Quốc hội cũng lên tiếng về sự cố sách giáo khoa. Như vậy, sai sót trong sách giáo khoa là có thật.

Nhưng, cũng có một sự thật khác, cần được nhìn nhận một cách bình tĩnh, khách quan, đó là, những sai sót trong sách giáo khoa không nghiêm trọng, chỉ là tiểu tiết. Thực tế cho thấy,  cái gọi “sự cố Cánh diều” thật sự chỉ xảy ra ở một số ít bài tập đọc, vài câu chữ, từ ngữ chưa thật phổ biến, do yếu tố ngôn ngữ vùng miền. Ðến nay, những “hạt sạn” đó đều đã được “nhặt” ra khỏi sách.

Một vị cán bộ từng có hơn 30 năm công tác trong ngành Giáo dục Tây Ninh, dày dạn kinh nghiệm cả khi làm công tác chuyên môn cũng như công tác quản lý cho rằng: “Dư luận, đặc biệt là những ý kiến mạng xã hội đã thổi phồng vấn đề lên. Ngắn gọn thế này, những sai sót trong sách giáo khoa lớp 1 là có nhưng chỉ là tiểu tiết, không hề nghiêm trọng.

Giáo viên có nghề, có phương pháp sư phạm, hoàn toàn khắc phục được những sai sót trong sách. Tuy vậy, tôi vẫn khẳng định, bộ sách giáo khoa lớp 1, đặc biệt bộ Cánh diều còn những “hạt sạn”, phải nói rõ như vậy. Tôi cũng cho rằng, việc khắc phục của nhóm biên soạn, nhà xuất bản đã quá vội vã trong việc sửa chữa (in bổ sung một số bài tập đọc) thành ra nó thể hiện cách làm đối phó, điều này khiến dư luận bức xúc hơn.

Tôi cũng xin một lần nữa bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, điều này hoàn toàn phù hợp xu thế của thế giới. Nhưng, việc chọn bộ sách nào cần được thực hiện một cách khách quan, công tâm. Nếu không làm được điều này, thì dù chủ trương đúng nhưng người được thụ hưởng lại không phải là học trò, ví dụ cho trường hợp này là chuyện ồn ào ở một thành phố lớn, khi nhà xuất bản, nhóm làm sách chi thù lao cho cán bộ sở giáo dục.

Ở đây, vai trò của Hội đồng thẩm định quốc gia về sách giáo khoa rất quan trọng. Một điều nữa, những sai sót, bất ổn trong chương trình và sách giáo khoa, giáo viên là người hiểu rõ nhất, vì họ trực tiếp đứng lớp dạy học.

Câu hỏi cần đặt ra, vì sao những sai sót không quá lớn trong sách giáo khoa lại trở thành tâm bão của dư luận? Có thể nhận định rằng, sự việc trở nên nghiêm trọng, lan nhanh như đám cháy, là do thông tin. Chính xác là, sự cố trong sách giáo khoa, xét cho cùng, là sự cố truyền thông. Ðiều này có thể dễ dàng chứng minh, chỉ cần lên mạng gõ chữ “Cánh diều” hoặc “sách giáo khoa lớp 1” là cho ra hàng triệu kết quả tìm kiếm chỉ trong vài giây.

Thông tin, truyền thông, trong sự việc này, cần nhìn nhận kỹ, cả trên báo chính thống và mạng xã hội. Có một điều không thể không đề cập, khi sự cố sách giáo khoa nổ ra, nhiều tờ báo chính thống đăng tải vô số tin, bài, phóng sự... đủ thể loại nhưng gần như trong tác phẩm báo chí này không có sự xuất hiện của giáo viên tiểu học, cụ thể là giáo viên dạy lớp 1.

Không ai hiểu sách giáo khoa bằng chính giáo viên đứng lớp, vì họ trực tiếp sử dụng sách giáo khoa. Qua từng bài học, từng tiết dạy, thậm chí từng bài kiểm tra, họ là người biết rõ nhất ưu, nhược điểm của sản phẩm.

Ngay cả những người viết sách cũng không hiểu sách giáo khoa bằng giáo viên, mặc dù có một số giáo viên nằm trong nhóm biên soạn sách giáo khoa. Thế nhưng, họ gần như không xuất hiện trong các bài báo về vấn đề sách giáo khoa. Chính sự im lặng, vắng bóng đó khiến cho dư luận hiểu chưa hoàn toàn đúng bản chất của “sự cố sách giáo khoa”.

Trong sự cố sách giáo khoa, dẫu các tin, bài trên báo chính thống chưa lột tả được bản chất thật của vấn đề nhưng dù sao, câu chữ, thái độ của người làm báo, của lãnh đạo cơ quan báo chí cũng còn dè dặt, bảo đảm tính văn hoá, sự chỉn chu.

Ngược lại, mạng xã hội, đặc biệt là facebook tràn ngập thông tin, ý kiến về vụ sách giáo khoa lớp 1. Phải nhìn nhận, trên mạng xã hội có nhiều người giỏi, kiến thức uyên thâm, có hiểu biết về lĩnh vực giáo dục. Họ đã có những ý kiến đóng góp đáng trân trọng. Song, phần lớn các ý kiến, thông tin trên mạng có thể coi là “rác thông tin” bởi nó thể hiện sự hiểu biết sơ khai, sơ sài, một chiều, a dua, cực đoan.

Ðiều đáng nói, trong số những người như vậy, có cả những người đang công tác trong ngành Giáo dục, không ít người có học vị, học hàm nhưng khi đưa ra ý kiến thiếu chuẩn mực. Một giảng viên đang dạy tại một trường đại học ở khu vực Nam Trung bộ, trong một bài viết, ông ta nói “sách giáo khoa Cánh diều sử dụng ngôn ngữ của bọn trộm chó”.

Một nhà báo từng làm cho nhiều tờ báo thuộc lực lượng vũ trang lại lớn tiếng đề nghị cơ quan an ninh điều tra về quy trình làm sách giáo khoa. Một phóng viên từng dính vòng lao lý lại đòi thu hồi khẩn cấp bộ sách giáo khoa Cánh diều vì theo người này, đây là sản phẩm không đạt chuẩn chất lượng. Những ý kiến có tính chất chửi bới, mạ lỵ, xúc phạm danh dự cá nhân, xuyên tạc, bóp méo thông tin... thì không thể chỉ ra hết được.

Có thể mạnh dạn thế này, những ý kiến như vừa nêu, họ không hề có chuyên môn về sách giáo khoa lớp 1. Ðiều này chính là sự lặp lại của sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục do Giáo sư Hồ Ngọc Ðại chủ biên. Có không ít người chẳng những không có chuyên môn, họ còn chưa nhìn thấy cuốn sách lớp 1 nhưng vẫn lên giọng “phán như thánh”.

Sự cố sách giáo khoa lớp 1 còn có một yếu tố khác, tuy không công khai một cách lộ liễu, nhưng những người có điều kiện theo dõi thời sự giáo dục không khó khăn gì để nhận ra: cạnh tranh không lành mạnh giữa các bộ sách với nhau.

Không phải đến khi sách giáo khoa được triển khai đại trà người ta mới bàn tán về chuyện “cạnh tranh để bán hàng” sách giáo khoa lớp 1. Ngay từ năm 2019, khi nhiều lớp tập huấn thay sách giáo khoa được mở ra, qua những buổi học, người được cử đi tập huấn đã biết trước bộ sách nào được chọn.

Kết quả sau đó chứng minh rằng, những lo ngại này kia trong việc chọn sách giáo khoa không phải là vô căn cứ. Bộ sách Cánh diều chiếm tỷ lệ áp đảo trong tổng số 5 bộ sách được Bộ GD&ÐT phê duyệt đã cho thấy điều đó. Trong thương mại, cạnh tranh là bình thường.

Tổng kết năm học 2019-2020, trong báo cáo chính thức, Bộ GD&ÐT cũng nhìn nhận, việc có nhiều bộ sách giáo khoa đã “phá tan thế độc quyền về xuất bản sách giáo khoa”. Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu có tồn tại sự cạnh tranh công bằng không, khi bộ sách Cánh diều được hưởng “lợi thế tự nhiên” bởi những người biên soạn bộ sách này được coi là “trụ cột” của chương trình giáo dục phổ thông mới?

Câu chuyện ồn ào của sách giáo khoa rõ ràng đã đi quá xa so với sự thật của sự kiện. Tại lễ tổng kết năm học 2019-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam có nói rằng, sách giáo khoa có sai sót, nhưng cần nhìn nhận bình tĩnh. Sự lưu ý này hoàn toàn có cơ sở.

VIỆT ÐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục