Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Bài cuối: Chắp cánh cho du lịch vươn tầm
Thứ hai: 00:40 ngày 20/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để phát triển du lịch, thời gian qua, Tây Ninh tăng cường các hoạt động định hướng, xúc tiến, liên kết du lịch không chỉ trong khu vực, trong nước mà còn vươn ra các nước. Từ đó, hình ảnh, văn hoá, con người, cảnh sắc Tây Ninh được quảng bá ngày một tốt hơn.

Nghệ nhân hướng dẫn du khách tráng bánh tại lễ hội bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần III năm 2020.

Đầu tư, xúc tiến du lịch

Có thể nói, từ trước đến nay, việc khai thác các khu, điểm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về du lịch của tỉnh. Khách du lịch đến Tây Ninh đa phần là người dân trong nước; địa phương chưa có nhiều sản phẩm có thương hiệu để thu hút khách quốc tế.

Thời gian qua, để phát triển du lịch, tỉnh thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện nhanh các thủ tục để giảm chi phí và thời gian trong triển khai thực hiện dự án. UBND tỉnh ban hành quyết định danh mục dự án kêu gọi đầu tư, đưa ra các chính sách ưu đãi đầu tư cho từng dự án. Đã có 19 dự án được cấp phép đầu tư thuộc lĩnh vực dịch vụ du lịch (trong đó, 5 dự án đang triển khai và hoạt động; 14 dự án chưa triển khai hoạt động) với tổng vốn đăng ký trên 9.114 tỷ đồng.

Các khu du lịch của tỉnh được quan tâm đầu tư gắn với phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo sự đồng bộ đầu tư hạ tầng du lịch. Hằng năm, kinh phí cho hoạt động đầu tư, phát triển, kết nối đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ du lịch trên 1.400 tỷ đồng và hơn 55,7 tỷ đồng đầu tư hạ tầng các khu du lịch. Tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn quan tâm kiểm tra, giám sát, thẩm định công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án, khu, điểm du lịch; quan tâm xây dựng hình ảnh du lịch Tây Ninh đẹp và văn minh.

Để kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh) được hình thành, đặt mục tiêu khởi công dự án trong năm 2023 và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2025. Các tuyến giao thông nội tỉnh và đường thuỷ cũng được đầu tư, thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hoá cho người dân.

Những năm qua, tỉnh đã kêu gọi được các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Vingroup, Sungroup, Công ty TNHH Xuân Cầu đầu tư vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nhà hàng khách sạn, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…

UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH-TT&DL ký kết với Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố trong cả nước, các trường đại học nhằm liên kết hỗ trợ quảng bá, phát triển du lịch, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch.

Thực hiện liên kết, giới thiệu, quảng bá về các điểm đến du lịch, di sản văn hoá, lễ hội văn hoá đặc sắc và dự án phát triển du lịch tại Tây Ninh trên phương tiện truyền thông, qua trưng bày gian hàng tại Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, hội chợ du lịch quốc tế, tuần lễ văn hoá - du lịch - ẩm thực các tỉnh, thành. Trong đó, có các hoạt động như tiếp đón đoàn famtrip/presstrip của VTF (Diễn đàn doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam), CLB phóng viên du lịch Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát điểm đến du lịch, các địa danh nổi bật ở Tây Ninh.

Tỉnh đã ký kết hợp tác với các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia, gồm Kampong Cham, Svay Rieng, Prey Veng và Tboung Khmum; ký kết thoả thuận hợp tác với chính quyền thành phố Gimhae và Chungju, thuộc Đại Hàn dân quốc; ký kết thoả thuận hợp tác với Tổng Công ty hàng không Việt Nam, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ giúp trao đổi, học tập nâng cao kiến thức, kinh nghiệm quảng bá, phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực.

Phát triển nhân lực, dịch vụ du lịch

Trước thực tế nhân lực còn thiếu và yếu, tỉnh quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hướng nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn vào các trường đại học, cao đẳng có ngành du lịch để quay về phục vụ tại tỉnh.

Theo thống kê, Tây Ninh có 173 sinh viên đang học các nhóm ngành du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở đào tạo ngành nghề phục vụ du lịch với các trình độ từ sơ cấp đến trung cấp, bao gồm Trường cao đẳng nghề Tây Ninh, Trung cấp Tân Bách khoa và Công ty cổ phần đầu tư phát triển và giáo dục TPA. Từ năm 2018 đến nay, Trường cao đẳng nghề Tây Ninh đã đào tạo trình độ trung cấp được 388 người; Công ty cổ phần đầu tư phát triển và giáo dục TPA đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho 87 người.

Trong giai đoạn 2018-2022, UBND tỉnh ký thoả thuận hợp tác cùng ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh mở các lớp đào tạo về quản lý nhà nước; bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức theo hướng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0; đào tạo nhân lực phục vụ ngành du lịch, nông nghiệp công nghệ cao…

Hằng năm, tỉnh phối hợp Trường trung cấp Du lịch Sài Gòn, Đại học KHXH&NV Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch, các lớp bảo vệ môi trường du lịch, quản lý du lịch cho cán bộ, công chức các ngành du lịch, nhân viên các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 17 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có một doanh nghiệp có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế. Cơ sở lưu trú có 682 cơ sở/8.300 phòng, Tây Ninh có hệ thống khách sạn đạt chuẩn từ 1-5 sao, trong đó 1 khách sạn đạt chuẩn 5 sao, 1 khách sạn chuẩn 3 sao.

Những năm qua, du lịch Tây Ninh có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn hạn chế, khó khăn. Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các chiến lược, chính sách nhằm đẩy mạnh, thu hút đầu tư, khai thác du lịch; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, có sức cạnh tranh cao.

Trong đó, tập trung hỗ trợ pháp lý để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là phát triển nhanh, đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp khu vực và quốc tế, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối, lan toả du lịch địa phương và khu vực Đông Nam bộ. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư về chủ trương phát triển khu du lịch sinh thái đảo Nhím, hồ Dầu Tiếng; đồng thời mời gọi các nhà đầu tư vào các dự án du lịch khác của tỉnh.

Rà soát, nắm bắt để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư về du lịch; đặc biệt với các loại hình homestay, farmstay để khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng. Đầu tư hạ tầng giao thông nhằm kết nối du lịch nhanh, đồng bộ giữa tỉnh và các tỉnh, thành lân cận, trong khu vực.

Hướng đến phát triển du lịch lễ hội, tín ngưỡng và tâm linh nhằm thu hút đông đảo du khách đến với Tây Ninh, kết hợp với các loại hình du lịch mới như du lịch sinh thái, về nguồn, du lịch đường sông.

Trong điều kiện “bình thường mới”, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch chuẩn bị các phương án mở cửa, kích cầu du lịch, tái khởi động, phục hồi du lịch, lữ hành, dặc biệt là du lịch nội địa; khuyến khích liên kết các doanh nghiệp du lịch, xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới, có chính sách khuyến mãi, thu hút khách.

Thực hiện các chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển du lịch vừa phòng, chống dịch hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.

Các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị tăng cường công tác tuyên truyền về du lịch để góp phần làm thay đổi nhận thức của các tầng lớp người dân, doanh nghiệp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của du lịch trong sự phát triển chung của kinh tế - xã hội.

Vi Xuân

Theo đánh giá, tốc độ tăng trưởng về nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2017-2021 là 11%, trong đó, tăng trưởng lao động trực tiếp là 12,3%, lao động gián tiếp 10,4%. Hiện lao động ngành du lịch Tây Ninh có 2.950 người, trong đó, lao động trực tiếp là 1.050 người và lao động gián tiếp là 1.900. Về trình độ, từ trung cấp trở lên chiếm 35,5%, lao động chưa qua đào tạo chiếm 64,5%, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu lao động có trình độ ngoại ngữ.

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục