Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây nhà nuôi chim yến - 'canh bạc' khó lường

Bài cuối: Để nghề nuôi yến phát triển bền vững 

Cập nhật ngày: 09/07/2023 - 09:17

BTN - Tại nhiều nơi, nhà yến mọc lên san sát nhau càng tăng thêm rủi ro đầu tư. Chính vì vậy, người nuôi phải khảo sát kỹ để chọn được nơi làm nhà yến phù hợp trước khi quyết định đầu tư.

Mỗi nhà yến có mức vốn đầu tư từ 2 - 3 tỷ đồng.

Nuôi chim yến và khai thác các sản phẩm từ yến mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, nghề nuôi và chế biến các sản phẩm từ yến đang trên đà phát triển nhanh, tuy nhiên cần có giải pháp quy hoạch nuôi hợp lý và chiến lược xây dựng thương hiệu để nghề nuôi yến phát triển bền vững.

Bùng nổ phong trào xây nhà yến

Theo Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nghề nuôi yến với mục đích thương mại xuất hiện tại nước ta từ năm 2004 ở một số tỉnh khu vực Nam bộ.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển nhanh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Hiện cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến. Số lượng nhà yến tăng rõ rệt trong những năm qua, tính đến năm 2022, cả nước có 23.665 nhà yến.

Tại Tây Ninh, nghề nuôi chim yến phát triển khá nhanh trong những năm gần đây. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, năm 2019, toàn tỉnh có 190 nhà yến; năm 2020 có 486 nhà yến; năm 2021 có 607 nhà yến; năm 2022 có 683 nhà yến đang hoạt động và 386 dự án nhà yến (đang xây dựng hoặc có vị trí phù hợp nhưng chưa xây dựng).

Đến tháng 3.2023, cả tỉnh có 791 nhà yến của 674 hộ dân hoạt động (tăng 108 nhà yến so với năm 2022), 44 nhà yến đang xây dựng, 122 dự án nhà yến có vị trí phù hợp nhưng chưa xây dựng và 2 nhà yến tạm ngưng hoạt động. Số lượng nhà yến đang hoạt động nhiều nhất thuộc huyện Châu Thành với 231 nhà, kế đến là huyện Tân Châu có 103 nhà, ít nhất là địa bàn thành phố Tây Ninh- 20 nhà.

Theo báo cáo của các địa phương, số lượng nhà yến có sản lượng khai thác trung bình dao động từ 6 - 8kg/tháng khoảng 40 nhà, chiếm khoảng 5%; từ 2-5 kg/tháng khoảng 158 nhà, chiếm 20%; từ 0,5-2kg/tháng có 50 nhà, chiếm 6,4%; còn lại là chưa khai thác hoặc mới khai thác sản lượng rất ít, có những trường hợp không khai thác được tổ yến sau vài năm đưa vào hoạt động (khoảng 70%).

Nhiều hộ nuôi yến cho biết, thị trường mua bán sản phẩm tổ yến của tỉnh chưa ổn định, chưa có giá trị gia tăng cao vì chủ yếu được xuất khẩu thô hoặc mua bán nội địa. Đa số tổ yến đều chưa được truy xuất nguồn gốc. Số lượng nhà yến của tỉnh tăng nhanh nhưng có nhiều nhà không có chim yến vào làm tổ hoặc chất lượng tổ yến không cao.

Cần thận trọng trước khi đầu tư

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 nhà nuôi yến đã và đang được xây dựng, những nhà yến xây dựng từ trước năm 2018 thường đạt hiệu quả cao hơn, trung bình 6 tháng đến 1 năm sẽ có hàng trăm cặp chim yến đến làm tổ. Những nhà yến xây dựng càng về sau càng ít có yến đến làm tổ trong một đến hai năm đầu, thậm chí, số lượng yến sẽ càng giảm.

Theo ông Xuân, nghề nuôi yến trên địa bàn Tây Ninh và các tỉnh lân cận đều là nuôi theo kiểu tự nhiên, người nuôi thực chất chỉ cung cấp nơi ở cho chim yến làm tổ và sinh sản.

Bên cạnh các yếu tố về kỹ thuật, kiến thức khoa học, kiến thức về đặc tính sinh học của chim yến, việc lựa chọn địa điểm xây nhà nuôi yến rất quan trọng, vị trí không phù hợp (môi trường, khu vực không có chim yến, nền đất xây nhà yến không ổn định, mật độ nhà yến cao…) sẽ dẫn đến thất bại khi đầu tư.

Số lượng nhà yến tăng đột biến, trong khi quần thể chim yến chưa tăng trưởng, chưa phân đàn thì việc dẫn dụ chim yến là rất khó, từ đó xảy ra sự cạnh tranh lớn giữa các nhà yến trong cùng một khu vực. Ngoài ra, nguồn thức ăn cho chim yến không phải là vô tận; nếu quá nhiều chim yến trong cùng một quần thể sẽ dẫn đến thiếu thức ăn, đàn chim chậm phát triển.

Một khu vực tập trung xây dựng nhiều nhà yến .

Mức vốn đầu tư mỗi nhà yến thường dao động từ 2-3 tỷ đồng, nếu thuận lợi, quá trình thu hồi vốn có thể kéo dài từ 5-10 năm. Do đó, trước khi đầu tư nhà yến, chủ đầu tư nên lập kế hoạch tài chính, lên danh sách các chi phí (xây dựng, vận hành bảo dưỡng, vật tư thiết bị, lãi vay đầu tư (nếu có)…) kèm lợi nhuận mong muốn đạt được và có thể kiên trì theo đuổi trong khoảng thời gian đó.

Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật, chủ đầu tư cũng cần quan tâm đến các yếu tố pháp lý về thực hiện quản lý nuôi chim yến theo quy định của cơ quan chức năng. Trong đó, chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh cần tìm hiểu rõ và tuân thủ quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng thời phải tìm hiểu về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khu vực dự định đầu tư, vì không phải nơi nào cho phép xây dựng nhà yến thì nơi đó sẽ có chim yến đến làm tổ.

Ngoài ra, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Xuân, những năm gần đây, giá sản phẩm yến trên thế giới có xu hướng giảm, việc xây dựng nhà yến tràn lan với số lượng lớn sẽ không còn mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng.

Giám đốc Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân nên thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi đầu tư, không nên đổ xô vào đầu tư xây dựng nhà yến, nhất là những hộ không có vốn nhàn rỗi, phải vay vốn đầu tư thì lại càng không nên tham gia vào vì rất dễ vướng vào cảnh “lãi mẹ đẻ lãi con”, nợ chồng thêm nợ khi số lượng yến về làm tổ không đạt.

Theo những người có kinh nghiệm nuôi yến lâu năm, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở nuôi yến mới xây hoặc lâu năm nhưng vẫn chưa khai thác được vì yến không về hoặc về quá ít. Tại nhiều nơi, nhà yến mọc lên san sát nhau càng tăng thêm rủi ro đầu tư. Chính vì vậy, người nuôi phải khảo sát kỹ để chọn được nơi làm nhà yến phù hợp trước khi quyết định đầu tư.

Minh Dương

Tin liên quan