Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hiệu quả từ chủ trương đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thuỷ lợi
Bài cuối: Đồng bộ hoá hạ tầng thuỷ lợi phục vụ cho phát triển nông nghiệp cao
Chủ nhật: 11:12 ngày 19/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Quy hoạch của tỉnh xác định phát triển nông nghiệp cao, đòi hỏi cần phải có hạ tầng thuỷ lợi để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Do đó, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thuỷ lợi, phục vụ cho mục tiêu mà quy hoạch tỉnh đã đề ra.

Sửa chữa hồ chứa nước Tha La, huyện Tân Châu.

Trong quy hoạch tỉnh xác định 3 địa phương có vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, gồm huyện Bến Cầu, Châu Thành và thị xã Trảng Bàng. Đầu tư hạ tầng thuỷ lợi như đê bao chống lũ bảo vệ vùng chuyên canh cây lúa là vấn đề sống còn để quyết định hiệu quả của việc xây dựng vùng chuyên canh cây lúa. Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều hệ thống đê bao bảo đảm cho việc canh tác lúa của nông dân.

Ngành Nông nghiệp tỉnh cho biết, hệ thống đê bao có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, lũ lụt, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và Nhân dân; đồng thời việc đầu tư xây dựng các đê bao ngăn lũ giúp bảo vệ, phát triển sản xuất nông nghiệp cho các vùng thường xuyên bị ngập úng trên địa bàn tỉnh cũng như phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 24 tuyến đê bao với chiều dài 82,844 km, bảo vệ khoảng 2.709 ha đất sản xuất nông nghiệp. Hệ thống đê bao bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực đối với các vùng sản xuất nông nghiệp (trong đó có cây lúa), cụ thể như ngăn lũ; ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân; giúp người nông dân chủ động sản xuất, tăng số vụ canh tác (xuống giống, cấp nước tưới tiêu, thu hoạch).

Tăng hệ số vòng quay sử dụng đất giúp tăng năng suất, lợi nhuận; tạo được mạng lưới giao thông nội đồng, thuận lợi vận chuyển nông sản, cơ giới hóa đồng ruộng; kết nối vùng sản xuất đến các trục đường giao thông nông thôn của địa phương, tạo thuận lợi trong giao thương, đi lại giữa các địa phương.

Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường. Để hỗ trợ Nhân dân sản xuất nông nghiệp khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa phận thị xã Trảng Bàng và các huyện Bến Cầu, Châu Thành, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tổng hợp đầu tư 2 công trình đê bao ngăn lũ, phục vụ phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ tỉnh Tây Ninh 1.712 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 1.699 tỷ đồng; ngân sách địa phương 11 tỷ đồng) để thực hiện một số dự án.

Cụ thể, dự án đê bao tiểu vùng phục vụ phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản gắn với du lịch sinh thái huyện Bến Cầu với tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, với mục tiêu: xây dựng 10 tuyến đê bao tổng chiều dài 87,58 km, bảo vệ khoảng 6.491 ha đất sản xuất nông nghiệp tại các xã: An Thạnh, Lợi Thuận, Tiên Thuận và Long Chữ.

Hệ thống đê bao tại xã An Thạnh, huyện Bến Cầu. Ảnh minh hoạ

Dự án đê bao chống lũ ven sông Vàm Cỏ Đông với tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 99 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 11 tỷ đồng), với mục tiêu: ngăn lũ cho khoảng 2.280 ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã Phước Chỉ, Phước Bình (thị xã Trảng Bàng), kết hợp làm đường giao thông nội đồng và bảo đảm lưu thông thuỷ từ sông Vàm Cỏ Đông vào vùng dự án.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế Thị xã, Trảng Bàng là địa phương được quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có mục tiêu thực hiện vùng lúa chất lượng cao khoảng 200 ha tại 2 xã Phước Bình và Phước Chỉ. Để thực hiện được đề án này cần đầu tư khoảng 25 km đê bao tiểu vùng kết hợp hệ thống giao thông nội đồng.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch của tỉnh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tập trung triển khai đầu tư xây dựng các dự án. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, đầu tư 3 dự án trọng điểm với tổng kinh phí khoảng 1.101 tỷ đồng gồm: hoàn thành dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2 (kiên cố hoá kênh chính, kênh cấp 1, 2, 3); trạm bơm Tân Long, huyện Châu Thành; sửa chữa hồ chứa nước Tha La, huyện Tân Châu.

Đầu tư mới, nâng cấp duy tu, sửa chữa công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng với tổng kinh phí khoảng 112 tỷ đồng gồm: nâng cấp, sửa chữa, bê tông hoá 230 tuyến kênh và công trình trên kênh với kinh phí khoảng 94 tỷ đồng; xây dựng 2 đê bao nhỏ với tổng kinh phí đầu tư 28 tỷ đồng nhằm bảo đảm yêu cầu cấp nước tưới, tiêu, bảo vệ khoảng 540 ha sản xuất nông nghiệp; tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh; áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý, tưới tiên tiến, tiết kiệm, xây dựng tích hợp cơ sở dữ liệu hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh nâng cấp, sửa chữa, bê tông hóa 230 tuyến kênh và công trình trên kênh với kinh phí khoảng 94 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ).

Giai đoạn 2021-2030, tỉnh định hướng phát triển 20 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (16 vùng trồng trọt và 4 vùng chăn nuôi). Trong đó, 3/20 vùng trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trong vùng tưới của hệ thống thủy lợi; 17/20 vùng trồng trọt, vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao (ngoài vùng tưới hệ thống thuỷ lợi).

Ngành Nông nghiệp định hướng hỗ trợ hạ tầng thuỷ lợi thông qua các chính sách đã ban hành như hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND ngày 20.7.2022 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh và các chính sách khác trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ nhà đầu tư phương án, định hướng sử dụng nguồn nước (nước ngầm, nước mặt) cho các vùng trồng trọt, vùng chăn nuôi.

Tấn Hưng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục