Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chiến tranh và người lính
Bài cuối: Hình tượng người lính trong văn học, nghệ thuật
Thứ hai: 11:10 ngày 23/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hình ảnh lực lượng vũ trang nhân dân, anh Bộ đội Cụ Hồ, chính là “cánh đồng” đề tài rộng lớn, nguồn cảm hứng bất tận để văn nghệ sĩ sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, gắn liền với truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Phát biểu với báo chí nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định, 80 năm qua, một mảng rất quan trọng, chiếm vị trí nổi bật, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật to lớn, đó chính là những tác phẩm thuộc nhiều loại hình từ văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, mỹ thuật... viết về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân, về bộ đội Cụ Hồ.

“Nói mất mát hy sinh, dẫu cạn lời chưa đủ”

Cách nay đã lâu, trong lần đi công tác, chúng tôi có dịp gặp một số cựu chiến binh, họ là những người lính của Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 từ khắp nơi trên cả nước về họp mặt tại nhà của một đồng ngũ cũ, ở huyện Tân Biên.

Buổi gặp mặt hôm ấy có khoảng 50 người, trong số đó có một người tên Cao Văn Thành. Khi lên đường đánh giặc, điều Thành suy nghĩ nhiều nhất không phải cái chết mà chính là tình yêu.

Thành không sợ mình chết, chỉ sợ tình yêu của mình sẽ chết. Khoác ba lô lên vai, đầu không ngoảnh lại, nhưng anh biết “có một người con gái tuổi hai mươi” đang chờ anh từng ngày. Một năm sau, cô thôn nữ ấy nhận được tin Thành hy sinh. Không còn hy vọng, cất giấu mối tình đầu vào nơi sâu thẳm của trái tim, chị đi lấy chồng. Chiến tranh kết thúc, “liệt sĩ trở về”, thêm một lần, người phụ nữ ấy lại khóc.

“Có thể cô ấy vui, vì người yêu cũ còn sống và trở về. Nhưng cũng có thể đó là giây phút se lòng, vì mối tình đầu tan vỡ. Tôi đã nói với cô ấy rằng, không ai có lỗi. Tất cả là do chiến tranh. Vì vậy, chúng tôi, những người đi qua chiến tranh chỉ mong đất nước ta hoà bình”- ông Thành nói.

Các chiến sĩ Quân giải phóng bị thương vẫn bám trụ chiến đấu ở Mặt trận Thiện Ngôn năm 1968. Ảnh: tư liệu

Tháng 4.2012, bộ phim “Mùi cỏ cháy” công chiếu trong nhiều rạp xem phim trên cả nước, trong đó có Tây Ninh. Nội dung phim tái hiện cuộc chiến đẫm máu kéo dài 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị. Làm phim về chủ đề lịch sử, song nhà làm phim hầu như không dựa vào các tài liệu lịch sử chính thống.

Thay vào đó, đạo diễn phim mượn chất liệu từ một số cuốn nhật ký chiến tranh của những người từng chiến đấu ở khắp các chiến trường. Trong số đó cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc được nhiều người biết đến.

Bốn chàng trai có tên lần lượt: Hoàng - Thành - Thăng - Long đang là sinh viên, tuổi đời còn rất trẻ, khoảng 17 - 18 tuổi. Trước đây, ở miền Bắc hệ phổ thông chỉ có 10 năm nên khi vào năm nhất đại học, sinh viên trẻ hơn hiện nay vài tuổi. Bốn chàng sinh viên, mỗi người một tính cách, mỗi người một ước mơ: làm thầy giáo, trở thành nhà văn, nhà báo…

Nhưng cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt, cùng với lớp lớp thanh niên khác, cả 4 sinh viên đã giã biệt mái trường lên đường ra trận theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi. Những người lính trẻ ấy lên đường vào một ngày mùa thu năm 1971.

Sau lưng họ là quê hương, thầy cô, bạn bè, người yêu… nhưng “khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”. Hành trang ra trận của họ chẳng có gì ngoài lòng yêu nước của tuổi trẻ khi Tổ quốc lâm nguy. Sau một thời gian ngắn luyện tập, cả 4 được điều vào chiến trường Quảng Trị.

Tại nơi đây, những người lính trẻ vừa rời mái trường lần đầu tiên cầm súng để bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Kết thúc chiến tranh, 4 chàng trai trẻ ngày ấy chỉ còn một mình Hoàng may mắn sống sót trở về.

E. Berger Cary thuộc tiểu đoàn 6, cụm vận tải 48 Long Bình bị bắt trong trận Quân giải phóng diệt 28 xe quân sự Mỹ trên đường 22, đoạn từ ngã ba Đất Sét đi Dầu Tiếng, ngày 13.6.1969. Ảnh: tư liệu

Không một bút mực nào có thể tả hết sự khốc liệt của mặt trận thành cổ Quảng Trị. Cả hai bên tham chiến đều chịu những tổn thất vô cùng nặng nề. Hàng triệu tấn bom đạn đã trút xuống khu vực thành cổ đến mức có người đã nói rằng, nơi này không còn một viên gạch nào nguyên vẹn. Máu của những người lính đã hoà vào dòng sông Thạch Hãn, đến mức có người đặt câu hỏi so sánh: không biết nước sông nhiều hơn hay máu người nhiều hơn?

“Mùi cỏ cháy” có nhiều chi tiết, hình ảnh xứng đáng được đánh giá cao về phương diện nghệ thuật. Khi một người lính của phía bên kia ngã xuống, một anh lính của phía cách mạng đã lấy được trong túi áo người lính xấu số tấm ảnh chụp mẹ anh ta.

Anh kẹp tấm ảnh bà mẹ ấy vào cuốn sổ, cho vào túi áo ngực. Vừa cất tấm ảnh vào túi áo, người lính trẻ trúng đạn và hy sinh ngay tại chỗ. Một chi tiết khác, sau khi trận đánh đẫm máu kết thúc, những người lính cách mạng còn sống lần lượt chôn cất những đồng đội vừa hy sinh. Không chỉ chôn cất đồng đội, những người lính này cũng chôn cất một người lính của phía bên kia.

Cả hai ngôi mộ của hai người lính ở hai chiến tuyến khác nhau đều được đắp cao như nhau. Ngay sau đó, một trong hai ngôi mộ vừa được đắp xong đã bị máy bay ném bom san phẳng.

Tính nhân văn của bộ phim được thể hiện qua những chi tiết như thế. Nhờ đan xen giữa yếu tố lịch sử với sử thi, đạo diễn phim không mắc phải một nhược điểm rất phổ biến khi làm phim về đề tài chiến tranh cách mạng: nặng tính giáo huấn.

Hình ảnh cuối cùng trong phim cũng gây được sự chú ý: người lính già trở lại thăm thành cổ vào một buổi trưa mùa hè. Mùa hè Quảng Trị nắng như đổ lửa nhưng quanh thành cổ, xanh biêng biếc một màu xanh của cỏ. Trên bãi cỏ, một cô sinh viên trong tà áo dài trắng đang ngồi học bài. Hình ảnh tươi đẹp, giàu sức sống ấy đã thay cho hình ảnh người lính và mùi cỏ cháy năm xưa.

Bi tráng

Năm 2007, Nhà xuất bản Văn học ra mắt cuốn tiểu thuyết “Khúc bi tráng cuối cùng” của Đại tá, nhà văn Chu Lai. Nội dung tác phẩm viết về chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3.1975, bước ngoặt chuẩn bị cho ngày thống nhất non sông.

Nhân vật chính trong tiểu thuyết là hai người bạn thân, họ học chung trong một ngôi trường phổ thông ở Hà Nội. Lúc còn học sinh, cả hai đều thầm thương trộm nhớ một người bạn gái có cái tên rất đẹp và người cũng đẹp: Huyền Trang.

Nhưng, Huyền Trang trước sau như một chỉ chấp nhận tình cảm của Hoàng Lâm (sau này làm sư đoàn trưởng một sư đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam) tại mặt trận Tây Nguyên. Người còn lại tên Tuấn (tên thật là Chiêu) rời Hà Nội theo quân Pháp vào miền Nam.

Thời cuộc đẩy hai người bạn từng rất thân thiết đều mang sắc áo của người lính nhưng ở hai chiến tuyến đối đầu nhau: Hoàng Lâm là sư đoàn trưởng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong khi Tuấn là tư lệnh “vùng 2 chiến thuật” thuộc phía bên kia.

Nữ pháo thủ súng cối Nguyễn Thị Định đánh 40 trận pháo kích trên Vành đai diệt Mỹ (Châu Thành), lập công xuất sắc trong năm Mậu Thân, 1968. Ảnh: tư liệu

Chiến tranh không thiếu những tình huống éo le, trớ trêu. Trước ngày Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương, Hoàng Lâm gặp lại Huyền Trang trong tình huống ngặt nghèo, ngắn ngủi.

Trong cuộc gặp ấy, Huyền Trang nói muốn sinh cho Hoàng Lâm một người con. Kết quả, một người con trai ra đời, tên Hùng. Thời hạn tập kết theo tinh thần Hiệp định Genève chỉ còn ba ngày nhưng Huyền Trang không nhận được tin tức gì của Hoàng Lâm.

Trong khi đó, Tuấn vẫn chưa từ bỏ mục tiêu theo đuổi cô. Để đạt mục đích, Tuấn cho Huyền Trang xem một tấm ảnh chụp Hoàng Lâm bồng đứa trẻ tầm ba tuổi, phía xa bức ảnh là một người phụ nữ. Thực tế, đứa bé trên tay Hoàng Lâm là con của một ân nhân- người phụ nữ đã hy sinh để cứu ông, không phải con ông.

Cùng cậu con trai bé nhỏ, Huyền Trang, sau nhiều đắn đo, cô xuống tàu theo Tuấn vào miền Nam. Tại một bãi biển ở Vũng Tàu, trong một tình huống không thể chống cự, Huyền Trang bị Tuấn tấn công, kết quả, một bé gái chào đời, tên Dung.

Lớn lên, Hùng, con trai của Hoàng Lâm trở thành người lính hiếu chiến của phía bên kia, trong khi cô em gái cùng mẹ khác cha lại trở thành một tình báo viên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Vào vai thư ký đặc biệt của tướng Tuấn - tư lệnh “vùng 2 chiến thuật”, lấy được nhiều thông tin có giá trị cho cách mạng nhưng Dung không hề biết tướng Tuấn là cha ruột của mình. Phía Hùng, anh ta cũng không hề biết cha ruột của mình đang là sư đoàn trưởng của Quân đội nhân dân Việt Nam- đối thủ mà anh ta thề tiêu diệt tận gốc. Trong nhiều tình huống, những người là cha con ruột suýt nhả đạn vào nhau.

Khúc tráng ca kết thúc, chỉ còn sư trưởng Hoàng Lâm, cô gái tình báo viên tên Dung và mẹ của cô, Huyền Trang sống sót cùng với mối tình kéo dài 20 năm với sư trưởng Hoàng Lâm.

Chiến tranh là như thế!

Việt Đông - Hoàng Yến

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục