Công nghệ   Chuyển đổi số

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội

Bài cuối: Hướng tới xã hội không dùng tiền mặt 

Cập nhật ngày: 08/10/2022 - 00:05

BTN - Mô hình “Cửa hàng 4.0” đã được tích hợp lên Tây Ninh Smart, hỗ trợ miễn phí việc đăng ký và sử dụng các tiện ích “Cửa hàng 4.0” cho các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu.

Nhân viên VietinBank Tây Ninh hướng dẫn cơ sở kinh doanh tạo điểm quét mã QR cho khách hàng.

Quan điểm của Uỷ ban Chuyển đổi số quốc gia là làm những việc hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Với chủ đề hoạt động năm 2022 “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Tuy nhiên, chuyển đổi số là một hành trình dài, cần sự vào cuộc của cả chính quyền, doanh nghiệp và sự hưởng ứng tích cực của người dân.

CẦN CÓ CÁCH TIẾP CẬN PHÙ HỢP

Thời gian qua, Viettel Tây Ninh (thuộc Tập đoàn công nghiệp - viễn thông Viettel) thí điểm triển khai mô hình Chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt qua app Viettel Money tại chợ thị xã Trảng Bàng và chợ thị trấn Tân Châu. Nhìn chung, mô hình được ban quản lý chợ và tiểu thương ủng hộ, tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt kết quả như mong đợi.

Ghi nhận tại chợ thị xã Trảng Bàng, sau hơn 2 tháng thí điểm, giao dịch mua bán trong chợ vẫn sử dụng tiền mặt. Bà Lê Thị Bé- chủ tiệm đồng hồ Thanh Bình cho biết: “Khi Viettel triển khai mô hình Chợ 4.0, chúng tôi rất ủng hộ. Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện, mọi người đều cảm thấy khó khăn, bởi nhiều người bán hàng và cả người mua hàng đều không xài điện thoại thông minh”.

Còn tiểu thương Lê Thị Điểm (kinh doanh quần áo) cho rằng: “Đây là chợ truyền thống, trị giá hàng hoá không lớn. Người mua và người bán đa số là người lớn tuổi, quen dùng tiền mặt nên không biết cách chuyển khoản hay sử dụng điện thoại thông minh”. Bà đề xuất: “Theo tôi, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ phù hợp hơn với các cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Bởi vì ở đó họ có mặt bằng rộng, có máy tính kết nối mạng, các phần mềm bán hàng và nhân viên bán hàng trẻ tuổi, dễ dàng tiếp cận công nghệ mới, còn thực hiện ở chợ truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Chợ thị xã Trảng Bàng là chợ hạng II, với trên 520 hộ tiểu thương. Sau một năm biến động do dịch bệnh Covid-19, nhiều tiểu thương chọn đóng cửa vì kinh doanh ế ẩm. Theo thống kê của Ban Quản lý chợ thị xã Trảng Bàng, hiện chợ giảm 63 hộ so với cùng kỳ năm 2021.

Cách đây hai tháng, Viettel Tây Ninh phối hợp Ban Quản lý chợ triển khai tuyên truyền, hướng dẫn bà con tiểu thương cài đặt app Viettel Money (ứng dụng thanh toán di động dưới dạng ngân hàng số) trên điện thoại thông minh để phục vụ nhu cầu thanh toán mua bán hằng ngày. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có hộ nào thực hiện, hoạt động mua bán trong chợ vẫn sử dụng tiền mặt. Ông Nguyễn Văn Cường- Trưởng Ban Quản lý chợ thị xã Trảng Bàng cho biết: “Đây là hình thức quá mới, hầu hết bà con tiểu thương chưa quen, còn lúng túng, nhiều khách hàng không biết sử dụng app thanh toán nên chưa thể bắt nhịp được xu thế. Để mô hình triển khai có hiệu quả, doanh nghiệp cần cử người trực tiếp đến hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” cho cả người bán, người mua. Có như vậy mới từng bước thay đổi nhận thức và thói quen không dùng tiền mặt”.

Từ thực tế trên, thiết nghĩ việc thúc đẩy chuyển đổi số nói chung, thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng cũng cần nghiên cứu, có cách tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng người dân. Trước hết, nên tập trung tuyên truyền thực hiện đối với nhóm người trẻ tuổi, những người sử dụng thẻ ngân hàng, người ở khu vực đô thị…

HƯỞNG ỨNG THÁNG TIÊU DÙNG SỐ

Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức các hoạt động nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10.10. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia tập trung phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy, quảng bá toàn dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, phổ cập kỹ năng số, làm cho người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại. Trong đó, chương trình “Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phát động là một trong những sáng kiến nhằm khuyến khích người dân sử dụng kênh số, tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số nhiều hơn, như: sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ trước nguy cơ trực tuyến trên không gian mạng, thúc đẩy học tập từ xa, khám, chữa bệnh từ xa...

Trong xu hướng chuyển đổi số, việc mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích và sự minh bạch. Thay vì trao đổi tiền mặt trực tiếp như truyền thống, mọi người sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như ví điện tử, Mobile banking, internet banking, mã QR để thanh toán các hoá đơn tiền điện, nước, học phí, viện phí, thủ tục hành chính trên môi trường mạng... Những lợi ích thiết thực này đã và đang là xu hướng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, phổ biến rộng, đặc biệt là giới trẻ.

Tại Tây Ninh, với sự đồng hành của các doanh nghiệp công nghệ - viễn thông, nổi bật là VNPT, Viettel, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ để phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Trung tá Phạm Thanh Sơn- Giám đốc Viettel Tây Ninh cho biết, Tây Ninh là địa phương thứ 19 phủ sóng 5G trên toàn quốc, tạo nền tảng vững chắc cho lộ trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh. Đây cũng là quyết tâm của Viettel Tây Ninh trong quá trình đồng hành cùng chính quyền tỉnh nhà trong công cuộc chuyển đổi số, mở ra nhiều cơ hội tốt đẹp trong việc thúc đẩy áp dụng toàn diện công nghệ số, nâng cao chất lượng đời sống, sản xuất, kinh doanh và các hoạt động quản trị, điều hành kinh tế - xã hội…

Trung tá Phạm Thanh Sơn cho biết thêm, Viettel đang đẩy mạnh triển khai hệ thống phần mềm thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt đến từng người dân thông qua App Viettel Money, kết nối thanh toán không dùng tiền mặt cho các lĩnh vực: điện, nước, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giáo dục, PVoil và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống cũng đã kết nối App Tây Ninh Smart giúp cho các tổ chức, cá nhân, các cơ sở kinh doanh đăng ký “Cửa hàng 4.0”, tới đây đẩy mạnh triển khai giải pháp thanh toán trực tuyến với các giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, lĩnh vực y tế... “Tây Ninh là một trong những tỉnh có tỷ lệ sử dụng app thanh toán tiền điện cao nhất cả nước. Thống kê trung bình, người dân Tây Ninh sử dụng app thanh toán tiền điện đạt trên 50 tỷ đồng/tháng, riêng quý III.2022 ước đạt 170 tỷ đồng”- Trung tá Phạm Thanh Sơn nói.

THÚC ĐẨY THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, UBND tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2022 có 50% trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng số, sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí, các giao dịch khác; phấn đấu đến hết năm 2025 đạt 100%. Bên cạnh đó, số lượng các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại các đơn vị y tế, giáo dục trên địa bàn tỉnh đạt trên 50% trong năm 2022 và đến năm 2025 đạt 95%.

Hiện tại, Sở Thông tin và Truyền thông- cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh phối hợp các doanh nghiệp công nghệ - viễn thông, các sở, ngành liên quan hoàn thiện tính năng hai giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đó là Cổng thanh toán trực tuyến và mô hình “Cửa hàng 4.0”. Trong đó, mô hình “Cửa hàng 4.0” đã được tích hợp lên Tây Ninh Smart, hỗ trợ miễn phí việc đăng ký và sử dụng các tiện ích “Cửa hàng 4.0” cho các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu. Theo Sở TT&TT, mô hình này cho phép người mua và người bán có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền/mua bán không tiền mặt bằng hình thức quét mã QR trên các ứng dụng Mobile Money (Viettel, VNPT, MobiFone).

Có thể mức độ chuyển đổi số của Tây Ninh hiện nay vẫn còn chậm so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhưng với nỗ lực của chính quyền, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là sự đồng hành của các doanh nghiệp công nghệ, Tây Ninh sẽ sớm có những thành tựu và chỉ số chuyển đổi số được cải thiện trong thời gian tới.

PHƯƠNG THUÝ - TÂM GIANG