Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tìm hướng phát triển du lịch Tây Ninh
Bài cuối: Khai thác dịch vụ gắn với phát triển sản phẩm du lịch đêm
Thứ tư: 06:13 ngày 02/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau đại dịch Covid-19, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và sự chung tay của cả hệ thống chính trị cùng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, du lịch Tây Ninh đã có những khởi sắc và phát triển mạnh mẽ.

Du khách trải nghiệm quy trình làm bánh canh Trảng Bàng.

Theo thống kê, năm 2022, Tây Ninh thu hút 4,5 triệu lượt khách tham quan, tổng doanh thu du lịch 1.465 tỷ đồng, đạt 113% so kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm 2023, du lịch Tây Ninh đạt được kết quả ấn tượng: thu hút trên 3,5 triệu lượt khách tham quan với tổng doanh thu du lịch 1.450 tỷ đồng, tăng 71% so cùng kỳ, đạt 81% so kế hoạch.

Tỉnh đã sớm xác định trọng điểm đầu tư, phát triển du lịch của tỉnh chính là Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen; đã mời gọi, thu hút được nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Sungroup, tập trung phát triển nơi này thành khu du lịch với nhiều sản phẩm đặc sắc, giữ vai trò trung tâm, có sức lan toả lớn, dẫn dắt phát triển du lịch của tỉnh.

Song song đó, định hướng phát triển và kết nối đồng bộ những điểm đến trọng tâm, trọng điểm gồm Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen, Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng và Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam với các điểm đến mang tính kết nối, lan toả khác, trở thành những điểm đến có sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc mang đậm nét đặc trưng văn hoá, lịch sử riêng có của tỉnh Tây Ninh.

Chị Nguyễn Thị Bích Thuận (tỉnh Bình Dương) chia sẻ, mỗi năm chị và gia đình đều đến núi Bà Đen để chiêm bái, lễ Phật. Những năm gần đây, du lịch Tây Ninh khá phát triển; trong đó, Khu du lịch núi Bà Đen thay đổi rõ nét nhất, các công trình được đầu tư thẩm mỹ. Tuy nhiên, chị Thuận đánh giá các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch tại Tây Ninh chưa đa dạng; nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi để thu hút khách du lịch chưa nhiều. Các dịch vụ về đêm như ăn uống, vui chơi khá hạn chế, chưa đa dạng các loại hình lựa chọn.

Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiện nay, loại hình chợ truyền thống và chợ đêm trên địa bàn tỉnh chưa được khai thác đúng với tiềm năng, du khách đến Tây Ninh phần lớn quan tâm đến du lịch văn hoá tâm linh với tâm điểm là Khu du lịch núi Bà Đen và Toà thánh Cao Đài. Tỉnh còn thiếu các loại hình kinh tế về đêm như chợ đêm; các khu vui chơi, giải trí, hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật có quy mô lớn, hiện đại... nên khó giữ chân du khách lưu trú dài ngày, việc chi tiêu của du khách khi đến Tây Ninh chưa nhiều, doanh thu du lịch chưa tương xứng với tiềm năng.

Bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, đến ngày 14.7.2023, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, trong đó, có mô hình hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật; mua sắm, giải trí ban đêm; tham quan du lịch đêm... Điều này cho thấy sự cần thiết khai thác tiềm năng của các dịch vụ văn hoá, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm ban đêm đối với phát triển du lịch.

Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hoá các nhiệm vụ thực hiện mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí ban đêm, hình thành các trung tâm mua sắm, ẩm thực tập trung đa dạng và có chất lượng nhằm thu hút và giữ chân khách du lịch, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng.

Ông Lương Bá Can- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết, thành phố Tây Ninh là trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh với tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt hiện nay, Khu di tích lịch sử văn hoá - danh thắng và du lịch núi Bà Đen đã đầu tư xây dựng thêm tuyến cáp treo tốc độ cao cùng các công trình kiến trúc tâm linh đặc sắc như tượng Phật Bà, khu trưng bày nghệ thuật Phật giáo... Lượng khách du lịch đến với Tây Ninh ngày một tăng là tiềm năng vô cùng lớn để thành phố Tây Ninh đầu tư phát triển chợ đêm, khu vực vui chơi, mua sắm về đêm.

Hiện nay, thành phố Tây Ninh có hệ thống cơ sở lưu trú tương đối nhiều, gồm 13 khách sạn 1 sao; 5 khách sạn 2 sao, 1 khách sạn 3 sao; 1 khách sạn 5 sao; đáp ứng phần lớn nhu cầu lưu trú của du khách đến Tây Ninh nói chung và thành phố Tây Ninh nói riêng.

Khách tham quan trải nghiệm các công đoạn làm bánh tráng phơi sương tại Lễ hội văn hoá, du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.

Thành phố xác định sản phẩm du lịch lễ hội, tâm linh, tín ngưỡng là sản phẩm du lịch chủ lực và chiến lược trên cơ sở khai thác lợi thế Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, tạo sức lan toả, dẫn dắt phát triển du lịch của Thành phố, gắn kết với các sự kiện lễ hội hằng năm.

Đồng thời, định hướng phát triển sản phẩm du lịch về nguồn gắn với các di tích lịch sử - văn hoá, cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn như: Di tích cơ sở Tỉnh uỷ; nhà lưu niệm cơ sở Tỉnh uỷ; Khám đường Tây Ninh; đình Hiệp Ninh, đền thờ Quan lớn Trà Vong (xã Thạnh Tân); đình Thái Bình, nhà cổ Đốc Phủ Sứ Nguyễn Văn Kiên, Căn cứ biệt động TP. Tây Ninh (xã Bình Minh). Ngoài ra, phát triển loại hình du lịch cộng đồng, các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp như tham quan vườn cây ăn trái, các sản phẩm OCOP tại địa phương.

Ông Lương Bá Can cho biết thêm, Thành phố sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đưa du lịch của địa phương dần phát triển. Cụ thể: thường xuyên trùng tu, sửa chữa các di tích văn hoá lịch sử trên địa bàn quản lý để khai thác, phát huy giá trị các di sản, di tích. Thực hiện một số mô hình tuyến đường hoa, xây dựng tuyến phố bích hoạ tạo điểm nhấn đặc sắc, điểm check in thu hút du khách. Thành phố đang đề xuất tỉnh thực hiện mô hình tuyến phố đi bộ với không gian mở kết hợp nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, vui chơi giải trí gắn với phát triển kinh tế về đêm để thu hút và giữ chân du khách khi đến Tây Ninh.

Mặt khác, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá dịch vụ, an toàn vệ sinh thực phẩm, chèo kéo khách du lịch, gây ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm du lịch, không để xảy ra hiện tượng người ăn xin hoạt động trên địa bàn, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử, văn minh, thân thiện với du khách và bảo vệ hình ảnh, môi trường, nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch thành phố Tây Ninh.

Ngày 10.6.2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1833/KH-UBND về phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho UBND Thành phố xây dựng đề án phát triển khu mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí, phố đi bộ, chợ đêm quy mô lớn tại thành phố Tây Ninh.

Bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, để loại hình này thực sự phát triển, cần có sự vào cuộc, chung tay của nhiều sở, ngành chức năng và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Mới đây, đơn vị đã phối hợp UBND Thành phố tổ chức học tập kinh nghiệm mô hình hoạt động kinh tế ban đêm tại thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên.

Trong thời gian tới, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với UBND Thành phố và các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai các giải pháp để hình thành và khai thác, phát huy lợi thế các hoạt động dịch vụ ban đêm gắn với phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm thu hút khách du lịch lưu trú tại Tây Ninh dài ngày hơn, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Cụ thể: xác định khu vực, địa bàn cụ thể để phát triển mô hình sản phẩm du lịch đêm; kêu gọi, vận động đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đêm, các dịch vụ văn hoá đặc sắc, giải trí, ẩm thực và mua sắm tập trung ban đêm. Tạo điều kiện khuyến khích, ưu đãi các tổ chức, cá nhân kinh doanh tham gia hoạt động chợ đêm; kết nối chợ đêm, các trung tâm mua sắm với điểm tham quan, du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, giải trí của nhân dân nói chung và khách du lịch nói riêng, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nói chung và sản phẩm du lịch đêm nói riêng.

Trúc Ly

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục