Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chiến thắng nào cũng có hy sinh. Tua Hai 65 năm trước cũng vậy. Tuổi trẻ Tây Ninh nói gì về sự kiện lịch sử này?

Trong ca khúc “Cỏ non thành cổ” viết về sự hy sinh của quân dân ta tại mặt trận thành cổ Quảng Trị, nhạc sĩ Tân Huyền viết: “Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ/ Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ/ Xin chớ vô tình với người hy sinh trên mảnh đất quê mình”. Chiến thắng nào cũng có hy sinh. Tua Hai 65 năm trước cũng vậy. Tuổi trẻ Tây Ninh nói gì về sự kiện lịch sử này?
Học sinh Trường tiểu học Tua Hai tại di tích chiến thắng Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành.
Về nguồn đâu nhất thiết phải đi xa
Trường tiểu học Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành được ngăn cách với khuôn viên Khu di tích chiến thắng Tua Hai bằng một hàng rào. Học sinh nhà trường thỉnh thoảng đến thăm viếng, thắp hương tưởng nhớ sự hy sinh của lớp người đi trước. Em Nguyễn Khải Nguyên, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Tua Hai kể, em đến thăm Khu di tích lịch sử Tua Hai hơn 10 lần. Đến đây em tham quan và tìm hiểu về lịch sử của nước mình. Được các cô chú thuyết minh viên giới thiệu khái quát về trận đánh Tua Hai, từ đó em cảm thấy tự hào về truyền thống đánh giặc ngoại xâm của thế hệ cha ông đi trước.
Chung trường chung lớp với Nguyễn Khải Nguyên, em Nguyễn Dương Mỹ Chi cho hay, được giáo viên hướng dẫn đến tham quan khu di tích nhiều lần, được tìm hiểu về lịch sử của trận đánh. Những bài học lịch sử giúp em và các bạn học sinh hiểu và có thêm những kiến thức bổ ích, làm hành trang cho sau này.
Giáo viên Trường tiểu học Tua Hai cho biết, thỉnh thoảng nhà trường tổ chức cho các em học sinh tìm hiểu về các địa chỉ đỏ, tìm hiểu về truyền thống vẻ vang của dân tộc. Trường nằm trên địa bàn thuộc xã Đồng Khởi, các em được tìm hiểu rất nhiều về chiến thắng Tua Hai Đồng Khởi. Hằng năm, trường tổ chức cho các em tìm về địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống, đến thăm các anh, các chú đã có công trong cuộc kháng chiến. Chương trình giáo dục địa phương cho các em học sinh rất phù hợp, giúp giáo dục truyền thống yêu nước cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh có nhiều địa điểm, di tích văn hoá, lịch sử được đưa vào chương trình giáo dục địa phương, giúp học sinh có nhiều kiến thức lịch sử bổ ích.
Anh Châu Trần Nhật Minh- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn nhìn nhận, nói về khía cạnh lịch sử, lực lượng thanh thiếu nhi của tỉnh Tây Ninh, trong thời gian qua tham gia nhiều cuộc thi về lịch sử. Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều cuộc thi về lịch sử, để các em có thể thoả sức tìm hiểu và bày tỏ kiến thức của mình, trong đó có kiến thức về trận đánh Tua Hai. Qua nhiều câu chuyện được xây dựng, đúc kết, các em có được sự khái quát cơ bản về chiến thắng Tua Hai, đây là một trong những chiến thắng mở đầu cho cao trào Đồng khởi tại Tây Ninh, góp phần vào giải phóng miền Nam sau này.
Tuổi trẻ tỉnh nhà xây dựng “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”, tiếp bước truyền thống của cha anh, xây dựng Tây Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh và nghĩa tình. Thanh niên lập thân, lập nghiệp, học tập, lao động, sản xuất, trong đó phải nắm vững truyền thống lịch sử, tham gia xây dựng quê hương.
“Nói về tính lan toả của các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, chúng tôi đánh giá bằng số lượng bài viết được gửi về. Các cuộc thi trên mạng đánh giá bằng địa chỉ có thực. Chúng tôi có thể khẳng định các cuộc thi tìm hiểu lịch sử đối với thế hệ trẻ tỉnh nhà có sức lan toả lớn. Không chỉ thanh niên, ngay từ lực lượng đội viên, các em nhỏ đã được truyền dạy kiến thức lịch sử, định hướng yêu mến môn lịch sử. Đối với công tác của Đoàn Thanh niên, chúng tôi đề xuất những nội dung phù hợp với công tác giáo dục, góp phần định hướng, giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ tỉnh nhà, trong đó bao gồm công tác giáo dục cho đội viên. Nhân đây, tôi mạnh dạn đề xuất: số hoá tài liệu lịch sử, bởi học sinh bây giờ ngoài việc cầm bút, các em còn sử dụng máy tính, điện thoại. Hành trình tìm về địa chỉ đỏ, thu hút các em về sự tò mò, những chuyến hành trình được chúng tôi đề xuất, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua là một trong những mô hình thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh. Qua đó, các em có thể tận mắt nhìn thấy các hiện vật thời chiến, cảm nhận được câu chuyện lịch sử qua lời kể của thuyết minh viên… sẽ dễ tiếp thu hơn”- anh Nhật Minh phát biểu. Vị cán bộ Tỉnh đoàn thông tin thêm, thời gian qua, mô hình sân khấu hoá được một số trường tổ chức, góp phần lan toả hơn nữa ý nghĩa, bài học lịch sử, điển hình như Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha. Hình tượng nhân vật lịch sử được sắm vai, những lời hịch, lời thoại sẽ khắc sâu vào tâm trí của các em hơn. Những vở diễn do các em tự biên soạn, và cả khán giả xem chương trình sẽ dễ dàng ghi nhớ những bài học lịch sử đó.
Bài học lịch sử
Năm 2020, tròn 60 năm sự kiện Tua Hai, Báo Tây Ninh đăng bài viết có nhan đề “Chiến thắng Tua Hai- mốc son chói lọi của lịch sử” của tác giả Võ Hoàng Khải- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. Trong bài viết này, tác giả dẫn ra một số ý kiến đánh giá của phía bên kia về sự kiện chấn động lịch sử lúc bấy giờ. Trích: “Phúc trình của Đại tá Nguyễn Hữu Có - Tư lệnh Quân khu 1 nguỵ quyền Sài Gòn viết: “Sức kháng cự của tiểu đoàn 1, trung đoàn 22 và tiểu đoàn 2, trung đoàn 32 dường như không có gì, bị tiến công bất ngờ và các kho vũ khí bị chiếm”. Quận trưởng sở tại đến thăm Tua Hai “đã phải khóc lên vì thiệt hại quá lớn: Họ đã đánh được một trung đoàn thì mai kia họ kéo vào thị xã có khó khăn gì…”. Và: “Tướng Đỗ Mậu, người được Ngô Đình Diệm cử lên Tua Hai điều tra sau trận đánh, viết: “Ngày 26.1.1960, một trung đoàn thuộc sư đoàn 21 đóng ở Trảng Sụp, cách tỉnh lỵ Tây Ninh 12km bị Việt cộng tấn công gây thiệt hại nặng nề cả nhân mạng lẫn vũ khí… Sư đoàn bị tấn công bất ngờ, bị thiệt hại hết sức nặng nề, mất toàn bộ vũ khí của cả một trung đoàn. Ngoài trận tấn công vào sư đoàn 21 làm cho mọi giới Việt-Mỹ bàng hoàng, trong năm 1960, những hoạt động của Việt Cộng cũng đã xảy ra rất nhiều nơi đã cho ta thấy lực lượng quân sự cũng như chính trị của Việt Cộng quả thật đã trưởng thành và gia tăng mau chóng, quân đội Việt Nam Cộng hoà đã chạm trán với Việt Cộng ở vùng U Minh Hạ (Cà Mau), ở Thái Lan (Phong Dinh), ở Bàu Răm (Long An), ở Phong Phú (Kiến Tường), ở Đức Huệ (Long An), ở Phước Tân và Bàu Sen (Tây Ninh), ở Cao Lãnh (Kiến Phong)”. Báo cáo của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) gửi Tổng thống Mỹ Kennedy thừa nhận: “Trong 6 tháng cuối năm 1960, tình hình an ninh trong nước (miền Nam) vẫn tiếp tục ngày càng xấu đi và nay đã lên tới mức nghiêm trọng… Trên một nửa toàn vùng nông thôn ở phía Nam và phía Tây Nam Sài Gòn cũng như một số vùng ở phía Bắc đã nằm dưới quyền kiểm soát rất lớn của Việt Cộng”.
“Từ cuộc tiến công Tua Hai là khởi nguồn cho các cuộc tiến công vũ trang ở khắp Nam bộ đã tạo điều kiện hình thành các đơn vị vũ trang địa phương. Phong trào thanh niên tình nguyện tham gia lực lượng vũ trang lan rộng, là nguồn cung cấp quân số cho lực lượng chủ lực các tỉnh, chủ lực Miền. Nhiều trận đánh gỡ đồn bốt, đánh chi viện tạo thế cho lực lượng chính trị và binh vận phát huy tác dụng tạo thế chiến lược tiến công của các lực lượng cách mạng trên toàn miền Nam. Vùng giải phóng được mở rộng, cơ sở Đảng được khôi phục, lực lượng vũ trang các địa phương được xây dựng và từng bước trưởng thành đã tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam, “đưa cách mạng miền Nam vượt qua thử thách nghiêm trọng nhất, từ thoái trào và thế giữ gìn lực lượng chuyển thẳng sang thế tiến công. Thời gian đã lùi xa, nhưng Chiến thắng Tua Hai vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”- trích bài viết đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng.
Việt Đông - Hoàng Yến