Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Phong tục tập quán, tín ngưỡng, những điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiếu số là di sản văn hoá quý giá của dân tộc. Một trong những yếu tố quan trọng, góp phần làm nên bản sắc văn hoá đặc trưng ấy chính là tiếng nói và chữ viết. Nhưng trong xã hội hiện đại, tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Do đó, việc bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số là một trong những yêu cầu quan trọng và cấp thiết.
Nỗi trăn trở của người Thái ở Bến Cầu
Chúng tôi đến ấp Phước Trung, xã Long Phước, huyện Bến Cầu gặp ông Hà Duy Khuyền - người có uy tín của đồng bào dân tộc Thái, nghe ông kể chuyện về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của cộng đồng người Thái tại đây.
Ông Hà Duy Khuyền quê quán ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá, vào lập nghiệp tại huyện Bến Cầu đã lâu. “Tháng 12.1991, tôi vào Tây Ninh sống nhờ một gia đình, năm 1993 tôi được địa phương cấp đất sản xuất và xây nhà. Đến nay đã hơn 30 năm tôi sống tại vùng đất Bến Cầu, hiện đã hình thành cộng đồng người Thái tại Tây Ninh.
Ông Hà Duy Khuyền thực hiện nghi thức khấn vái bằng ngôn ngữ Thái tại lớp truyền dạy nghệ thuật Xoè Thái ở Bến Cầu
Chúng tôi được địa phương cấp đất liền kề, diện tích 20x30m/hộ dân, dần dần hình thành khu dân cư tại đây. Nơi này trước đây là vùng đất trống, không có người ở, địa phương cấp đất thổ cư, có giấy tờ ổn định nên phát triển đến ngày nay. Hiện tại khu vực này có 26 hộ, tổng cộng 107 nhân khẩu”- ông Khuyền thông tin về cộng đồng dân tộc Thái tại Bến Cầu.
Ông Khuyền tâm sự rằng, quê cha đất tổ vẫn luôn chảy trong dòng máu của những người con xa quê. Ông cùng đồng bào người Thái vẫn sử dụng tiếng nói dân tộc nhằm phát huy, lưu giữ nét đẹp, bản sắc truyền thống của dân tộc mình.
Ông Hà Duy Khuyền và vợ luôn sử dụng tiếng dân tộc Thái trong giao tiếp hằng ngày
Trong sinh hoạt gia đình, sinh hoạt nội bộ, cộng đồng người Thái vẫn sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Thái, rất ít khi xen bằng tiếng Kinh. Gia đình ông có con dâu là người địa phương, tuy nhiên trong sinh hoạt gia đình ông vẫn sử dụng tiếng Thái, con dâu ông Khuyền vẫn hiểu hết ý nghĩa, mặc dù không nói được tiếng Thái.
“Khi đi khám bệnh, sinh hoạt cộng đồng, anh em đồng bào gặp nhau trao đổi, nói chuyện bằng tiếng Thái bình thường. Trước đây cũng có suy nghĩ mình nói tiếng dân tộc thì người ta sẽ nghĩ như thế nào, sau này chúng tôi thoải mái trao đổi, không thấy ngại ngùng, đó cũng là cách truyền dạy và lưu giữ ngôn ngữ dân tộc chúng tôi cho con cháu sau này”- ông Khuyền bày tỏ.
Khi được hỏi về nguy cơ mai một của ngôn ngữ dân tộc, ông Khuyền nhận định, ngôn ngữ của nhiều dân tộc thiểu số đã và đang mai một, đây là thực tế. Bởi vì thế hệ trẻ hôm nay đi lập nghiệp khắp nơi, không sống trong cộng đồng nên bắt buộc các cháu nói bằng tiếng phổ thông, không thể nói bằng tiếng dân tộc được nữa, nguy cơ mai một không thể tránh khỏi.
Trong số 107 nhân khẩu tại ấp Phước Trung, chỉ có một người duy nhất có thể đọc, viết thành thạo chữ Thái. Theo ông Khuyền, thế hệ của ông sinh ra và lớn lên trong giai đoạn chiến tranh loạn lạc, người đi chiến trường miền Nam, người đi chiến trường Lào, Campuchia… tất cả chỉ học tầm lớp 7-8 là lên đường, nên khi quay lại học tiếng mẹ đẻ của mình rất ít, chủ yếu học tiếng nói, còn chữ viết thì ít người có thể viết.
Ông Hà Thái Luỹ giới thiệu những vật dụng của người dân tộc Thái được ông trưng bày tại nhà
Ông Hà Thái Luỹ (người dân tộc Thái, ngụ ấp Phước Trung) cho hay, trong sinh hoạt gia đình, mọi thành viên vẫn nói tiếng dân tộc Thái. Gia đình ông có 2 người con đều đã lập gia đình, hai đứa cháu nội hoàn toàn không nói được tiếng Thái. Riêng ông và vợ cùng các con vẫn cố gắng sử dụng tiếng Thái.
“Tôi sợ ngôn ngữ dân tộc Thái bị mai một, nên cố gắng tập cho các cháu nói tiếng dân tộc. Gia đình tôi vẫn giữ một số đồ vật mang bản sắc văn hoá của người Thái như đồ hấp cơm nếp, ghế mây, nấu rượu cần… để khi có khách đến thăm nhà, người ta nhìn vào sẽ biết mình là người đồng bào Thái” – ông Luỹ nói.
Không để đánh mất ngôn ngữ truyền thống
Trong số 54 dân tộc Việt Nam, có 16 dân tộc dân số dưới 10.000 người, thậm chí 5 dân tộc chỉ có số dân dưới 1.000 người, đây là những dân tộc khó có khả năng và điều kiện tự bảo vệ và phát huy giá tri di sản văn hoá của dân tộc mình. Thách thức đầu tiên phải kể đến là khả năng đánh mất ngôn ngữ truyền thống, linh hồn của văn hoá dân tộc, cũng là phương tiện để truyền tải, trao truyền nghệ thuật, phong tục, tập quán của các tộc người.
Nghệ nhân ưu tú Lê Quốc Hoàng, người dân tộc Thái đến từ huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An truyền dạy các điệu múa dân tộc cho người Thái ở Bến Cầu
Trong dòng chảy toàn cầu hoá, bảo tồn văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số nhằm lưu giữ tính đa dạng của văn hoá Việt Nam, làm phong phú kho tàng văn hoá thế giới, giúp tăng cường khai thác nguồn tài nguyên văn hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Ngôn ngữ là điều kiện cần và đủ để làm được điều đó.
Quá trình lịch sử, vấn đề dân tộc nói chung, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số nói riêng luôn là một nhiệm vụ trọng tâm. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nêu: “Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Theo đánh của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực dân tộc và miền núi, các kỳ đại hội Đảng trước đây, đường lối về công tác dân tộc được đề ra chỉ mang tính khái quát chung. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng chủ trương chú trọng đến tính đặc thù của từng vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.
Đây được xem là điểm mới, có ý nghĩa quan trọng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng nhằm bảo đảm phù hợp với bản sắc văn hoá, phong tục tập quán của từng vùng cũng như từng dân tộc. Vấn đề này không chỉ giúp cho việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, bởi từng vùng hay mỗi dân tộc đều có những đặc điểm khác nhau, nhất là các đặc điểm về bản sắc văn hoá truyền thống.
Để giữ gìn và phát triển đồng bộ các lĩnh vực về văn hoá, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một trong những giải pháp được nhiều ý kiến tán thành là nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Cần đổi mới phương thức và chính sách cử tuyển đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là ở các khu vực đặc biệt khó khăn.
Văn hoá các dân tộc thiểu số ở nước ta vừa thống nhất vừa đa dạng. Tính thống nhất biểu hiện ở quá trình đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm, phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi, ở ý thức quốc gia và trong lối sống, cách ứng xử, đặc biệt là tinh thần yêu nước của các dân tộc Việt Nam mà nguyên nhân sâu xa, trực tiếp tạo nên tính thống nhất của văn hoá Việt Nam chính là ở bản lĩnh, bản sắc văn hoá dân tộc - quốc gia Việt Nam.
Tính đa dạng văn hoá biểu hiện ở sắc thái văn hoá vùng với những đặc điểm riêng được sáng tạo nên bởi các nhóm cư dân, các thành phần tộc người trên vùng lãnh thổ, ở những biểu hiện theo nhóm ngôn ngữ ở những góc độ riêng của các giá trị văn hoá vật thể (trang phục, kiến trúc, ẩm thực,...) và văn hoá phi vật thể (tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội...) mang tính lịch sử và giao thoa văn hoá.
Điều đó tạo nên một cá tính riêng trong bức tranh văn hóa chung của quốc gia, ở ngay trong từng tộc người, nhất là những tộc người có nhiều nét địa phương. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ tiếp tục bị mai một, đứt gãy, hệ quả là vai trò của già làng, tính cộng đồng làng bản, những tri thức luật tục bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các mối quan hệ truyền thống, cách đối nhân xử thế trong cộng đồng đã bị mai một, biến đổi theo xu hướng tiêu cực. Nhiều yếu tố văn hoá truyền thống đang dần mất đi, biểu hiện rõ nhất là sự mai một của ngôn ngữ mẹ đẻ.
Hoàng Yến - Việt Đông