Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thực hiện công tác giảm nghèo - Hướng tới hiệu quả và bền vững
Bài cuối: Những kết quả khả quan
Thứ ba: 23:46 ngày 28/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua các giai đoạn, đến nay chính sách hỗ trợ hộ nghèo được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm cho các đối tượng thuộc hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có đủ điều kiện để thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trao quà cho người dân dịp tết 2023.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững luôn là một trong những mục tiêu lớn, xuyên suốt được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đề ra và bảo đảm các nguồn lực thực hiện gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Có thể nói, công tác giảm nghèo nói chung và chăm lo đời sống cho người nghèo nói riêng thời gian qua được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và Uỷ ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đặc biệt quan tâm, đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao.

Ngoài nguồn vốn Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỉnh bố trí vốn lồng ghép trong các dự án, chương trình khác có liên quan; bố trí vốn từ ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo chuẩn địa phương và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Các nguồn vốn này được sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu và đúng đối tượng, đã góp phần hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Trong hai năm 2021-2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Uỷ ban MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội; các sở, ngành liên quan thực hiện công tác giảm nghèo. Trong đó, Uỷ ban MTTQVN tỉnh phối hợp với các địa phương xây dựng và bàn giao 510 căn nhà đại đoàn kết, trị giá trên 31 tỷ đồng cho hộ nghèo. Các ngành tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ cho 1.725 đối tượng thuộc hộ nghèo không khả năng thoát nghèo, với tổng kinh phí trên 22,2 tỷ đồng.

Năm 2021, đã cấp trên 22.500 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo của tỉnh và người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Hỗ trợ tiền điện cho 4.577 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ngân hàng CSXH còn cho 4.928 đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và gia đình chính sách vay vốn ưu đãi với kinh phí trên 205 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Lan- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022, trên địa bàn tỉnh tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 1,09% (với 3.499 hộ), trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 0,32% (1.037 hộ), cận nghèo là 0,77% (2.462 hộ). Với kết quả đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 0,74%, vượt chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao về giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (từ 0,1%-0,15%) và đạt mục tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 0,5%-0,7%.

Theo bà Trần Thị Lan, giảm nghèo được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính người nghèo. Các phong trào thi đua “Tây Ninh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Quỹ Vì người nghèo” góp phần chăm lo tốt cho hộ nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về việc thực hiện chủ trương giảm nghèo nhanh và bền vững; kịp thời biểu dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến trong thực hiện xoá đói, giảm nghèo để khơi dậy tính tự lực, ý chí thoát nghèo.

Công tác giảm nghèo được xã hội hoá, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút và động viên sự tham gia của các tầng lớp dân cư trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo. Chính sách hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo được bảo đảm đúng và kịp thời hơn. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức, triển khai các chương trình giảm nghèo.

Trao Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo tại xã Bàu Năng, Dương Minh Châu

Hướng đến tính bền vững

Tuy nhiên, thành quả của công tác xoá đói giảm nghèo luôn song hành cùng khó khăn và thách thức. Bên cạnh kết quả đạt được, những hạn chế trong công tác giảm nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao.

Theo ông Nguyễn Đức Hảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành, một số hộ nghèo nhận thức chưa đúng đắn, thiếu đầy đủ, thái độ thờ ơ, thụ động, ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước mà chưa nỗ lực vươn lên thoát nghèo... góp phần làm cho công tác giảm nghèo khó đạt hoặc thậm chí không đạt mục tiêu, mục đích đề ra; một số hộ nghèo còn thiếu về tư liệu sản xuất, hoàn cảnh đặc biệt nên khả năng thoát nghèo rất hạn chế.

Còn theo ông Dương Văn Ư- Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo, trong đó có việc thực hiện các mô hình sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến hiệu quả đạt chưa cao, chưa mang tính bền vững. Mặt khác, số hộ nghèo của địa phương đa số là những hộ không có khả năng lao động; còn hộ cận nghèo phát sinh thường do bệnh tật, tai nạn bất ngờ. Đây cũng là những nguyên nhân khó khăn và thách thức lớn của địa phương trong công tác giảm nghèo hiện nay.

Nhìn nhận những khó khăn đó, các địa phương như Dương Minh Châu hay Hoà Thành đều đề ra những giải pháp cụ thể để công tác giảm nghèo ngày càng đi đúng hướng và tăng thêm tính bền vững. Thời gian tới, thị xã Hoà Thành đẩy mạnh công tác vận động hỗ trợ cho người nghèo; quan tâm, hỗ trợ kịp thời những đối tượng thuộc hộ nghèo, giúp họ ổn định cuộc sống;

Huyện Dương Minh Châu dự kiến triển khai các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, chọn những mô hình phù hợp để nhân rộng, hướng tới công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn.

Theo bà Trần Thị Lan- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, để hướng tới tính bền vững trong thoát nghèo, đòi hỏi phải thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đồng bộ, đan xen và kịp thời. Qua các giai đoạn, đến nay chính sách hỗ trợ hộ nghèo được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm cho các đối tượng thuộc hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có đủ điều kiện để thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Điều này cũng được chứng minh qua thực tế tại cơ sở thời gian qua. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, công chức Văn hoá xã hội- phụ trách TB-XH xã Suối Đá cho biết: “Đối với đối tượng hộ nghèo cần có sự hỗ trợ theo từng giai đoạn, phù hợp với nhu cầu. Hỗ trợ đúng sẽ từng bước giúp người nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống mới và có tính bền vững”.

Ngày 9.12.2022, tại kỳ họp thứ 6, khoá X, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 45/2022/NQ-HĐND quy định chuẩn hộ nghèo tỉnh và chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều; hộ nghèo tỉnh; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 - 2025
Theo đó, quy định chuẩn hộ nghèo tỉnh như sau: 
+ Khu vực nông thôn: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
+ Khu vực thành thị: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 2.500.000 đồng.
Các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ nghèo tỉnh, người thuộc hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình sẽ được hỗ trợ về BHYT, giáo dục và đào tạo, trợ giúp pháp lý theo quy định.

Vi Xuân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh