Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Để các hợp tác xã phát triển bền vững
Bài cuối: Phát huy sức mạnh nội lực của kinh tế tập thể
Thứ tư: 16:32 ngày 03/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tăng cường nguồn vốn đầu tư công hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm nhằm tăng quy mô và mở rộng dịch vụ của HTX, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thành viên và người dân trên địa bàn.

HTX sản xuất - dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu (huyện Châu Thành) chuẩn bị đất trồng khoai mì.

Thông qua Liên minh Hợp tác xã và các sở, ban, ngành, các hợp tác xã (HTX) đã tiếp cận những chính sách dành cho khu vực kinh tế tập thể như: hỗ trợ thành lập mới; đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ; hỗ trợ học phí đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

Tháo gỡ khó khăn

Việc thụ hưởng các chính sách giúp cho các HTX nâng cao nhận thức về mô hình HTX; gia tăng năng lực quản lý, điều hành; mở rộng quy mô và dịch vụ của HTX; tăng cường đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Nhìn chung, các HTX tiếp cận chính sách đều có chiều hướng phát triển, trở thành những HTX tiêu biểu, điển hình trong phong trào thi đua phát triển kinh tế tập thể của tỉnh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2021 đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 11 dự án của HTX được phê duyệt gồm: 4 dự án liên kết chăn nuôi bò tại huyện Bến Cầu, thị xã Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh; 5 dự án liên kết trồng lúa tại các huyện Gò Dầu, Bến Cầu, Châu Thành, thị xã Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh; 1 dự án liên kết nuôi cá lóc, 1 dự án liên kết trồng nấm ăn, nấm dược liệu trên địa bàn huyện Dương Minh Châu.

Các dự án trên được thụ hưởng từ chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lồng ghép các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh giúp các HTX nông nghiệp có cơ hội duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh. Tổng kinh phí hỗ trợ các dự án gần 33 tỷ đồng, trong đó, vốn sự nghiệp kinh tế 19 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển gần 14 tỷ đồng.

Ông La Hữu Nghị- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá: “Nhận thức của người dân về mô hình HTX đã có những chuyển biến tích cực. Ngày càng có nhiều người dân tự nguyện thành lập HTX, đội ngũ cán bộ quản lý được trẻ hoá, quy mô HTX lớn hơn và loại hình dịch vụ của HTX ngày càng đa dạng.

Tuy nhiên, đa số các HTX còn khó khăn về vốn đầu tư sản xuất, mở rộng quy mô, dịch vụ phục vụ nhu cầu thành viên. Việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi cũng gặp khó khăn do HTX không có tài sản chung để bảo đảm, hồ sơ thủ tục vay quá nhiều tạo tâm lý e ngại khi tiếp cận; không ít HTX chưa xây dựng được kế hoạch, đề án để đăng ký tham gia, thụ hưởng chính sách. Tiếp đó là vấn đề nguồn nhân lực, tuổi đời trung bình của cán bộ quản lý HTX tương đối cao, thiếu năng động trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và quản lý điều hành HTX”.

Theo ông Đặng Đình Toàn- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, một trong những nguyên nhân dẫn đến HTX khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước là các HTX không đáp ứng được điều kiện thụ hưởng của chính sách. Tuy nhiên, đối với từng khó khăn cụ thể, HTX và cử tri có thể phản ánh về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở sẽ phối hợp các cơ quan chuyên môn tháo gỡ khó khăn cho HTX hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh phù hợp.

HTX sản xuất - dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu (xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành) thành lập năm 2016 với vốn điều lệ 200 triệu đồng. Thời gian đầu thành lập, hoạt động của HTX gặp không ít khó khăn, đến năm 2019 mới dần đi vào ổn định.

Theo ông Hoàng Phú Hậu- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX, trước đây, HTX chỉ có 2 ngành nghề là kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp và giống cây trồng, đến nay, HTX đã đăng ký lên 27 danh mục hoạt động với nhiều ngành nghề dịch vụ.

“HTX rất cần vốn để phát triển sản xuất nhưng do năng lực có giới hạn, còn hạn chế, khó khăn trong xây dựng đề án, dự án nên trước đây ít đăng ký tham gia chính sách hỗ trợ. Năm 2024, HTX có định hướng mới trong hoạt động, đó là liên kết với doanh nghiệp phát triển dòng lúa hữu cơ.

HTX đã xây dựng dự án nhà máy sản xuất lúa giống, cơ sở sản xuất lúa gạo sạch hữu cơ và đang trình cấp thẩm quyền xem xét, do đó, HTX rất mong nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện của ngành chức năng để thực hiện nội dung này”- ông Hậu chia sẻ.

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 58/2023/NQ-HĐND (Nghị quyết 58) ngày 8.12.2023 quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025. Điểm chú ý của Nghị quyết là HĐND tỉnh đã ban hành 3 chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Một là, chính sách hỗ trợ đào tạo. Ngân sách hỗ trợ chi phí ăn, ở cho học viên là thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ tại các tổ chức kinh tế tập thể khi tham gia các khoá đào tạo. Mức hỗ trợ của chính sách là 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng/khoá đào tạo. Có thể nói, chính sách này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với khu vực kinh tế tập thể, tạo nguồn cán bộ làm việc có chất lượng, giúp các tổ chức này hoạt động hiệu quả.

Hai là, chính sách hỗ trợ thu hút lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể. Ngân sách sẽ hỗ trợ lương hằng tháng cho người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể. Mức hỗ trợ là 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 năm/người.

Chính sách giúp các tổ chức kinh tế tập thể tiết kiệm được chi phí thuê lao động có chuyên môn về làm việc tại HTX, giải quyết kịp thời vấn đề thiếu hụt nhân sự có trình độ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực HTX, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình tham gia vào HTX, tạo điều kiện cho HTX hoạt động bền vững.

Ba là, chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm như: xây dựng nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm; xưởng sơ chế - chế biến; mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức kinh tế tập thể; xây dựng công trình đường nội bộ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX; xây dựng công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thuỷ, hải sản (bao gồm ao, bể chứa, đường ống cấp, tiêu nước, trạm bơm, công trình xử lý nước thải đối với vùng nuôi trồng thuỷ sản).

Về mức hỗ trợ, ngân sách tỉnh hỗ trợ 80% tổng mức đầu tư của dự án nhưng không quá 5 tỷ đồng/dự án. Chính sách giúp này HTX tiết kiệm được một phần kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh của HTX, dẫn đến giá thành sản xuất giảm, làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Ông Đặng Đình Toàn- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Sở đã chuẩn bị các giải pháp để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Trong đó quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, HTX, nhất là Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh trên các phương tiện truyền thông để các chính sách được triển khai rộng rãi đến các HTX. Dự kiến trong tháng 1.2024, Sở sẽ phối hợp Liên minh HTX tỉnh tổ chức buổi thảo luận triển khai từng chính sách của Nghị quyết 58 đến các thành phần kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.

Vận chuyển vật tư nông nghiệp, giống cây trồng tại HTX sản xuất - dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu (huyện Châu Thành)

Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các HTX, kịp thời tháo gỡ hoặc báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nếu vượt thẩm quyền; tạo môi trường và hành lang pháp lý ổn định, bình đẳng giữa kinh tế tập thể với các loại hình kinh tế khác.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi, phối hợp giải quyết kịp thời đề xuất, kiến nghị chính đáng của các HTX cũng như hướng dẫn, giải quyết hồ sơ thủ tục, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận về đất đai, hạ tầng, kỹ thuật, tín dụng và các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

“Để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ trên của cấp chính quyền địa phương, một vấn đề quan trọng khác đặt ra là HTX cần tăng cường nội lực để bảo đảm đáp ứng các điều kiện tham gia thụ hưởng chính sách theo quy định”- ông Đặng Đình Toàn nhấn mạnh.

Theo ông La Hữu Nghị- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, để phong trào HTX phát triển hơn trong thời gian tới, cần chú trọng cải thiện ba nội dung chính: Nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, bao gồm cả đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể lẫn cán bộ quản lý HTX; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ kết hợp tổ chức học tập, chia sẻ kinh nghiệm các mô hình hay, cách làm tốt trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại các HTX.  

Tăng cường nguồn vốn đầu tư công hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm nhằm tăng quy mô và mở rộng dịch vụ của HTX, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thành viên và người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần đơn giản hoá các thủ tục, tạo điều kiện để HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh.

Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, HTX, đặc biệt là các chính sách của địa phương- như Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục