Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giải pháp nào cho giáo viên vùng khó khăn, biên giới

Bài cuối: Tân Biên- nhiều mô hình, cách làm hay để “giữ chân” giáo viên 

Cập nhật ngày: 26/09/2022 - 00:20

BTN - Xuất phát từ thực tế, huyện Tân Biên đã có những mô hình, cách làm hay khắc phục khó khăn để giáo viên công tác ở vùng biên an tâm làm việc lâu dài hơn.

Học sinh Trường tiểu học Thạnh Bắc B sau giờ học.

HỖ TRỢ VÙNG KHÓ

Trên địa bàn huyện Tân Biên có 44 đơn vị trường học, trong đó có một số trường thuộc xã biên giới Tân Lập, các điểm trường từ cấp mầm non đến THCS vùng khó khăn thuộc xã Thạnh Bắc. Trong những năm qua, bên cạnh sự quan tâm, chăm lo của Huyện uỷ, UBND huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cơ sở vật chất các trường học được củng cố, đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, như các địa phương khác trong toàn tỉnh, Tân Biên đang phải đối mặt với công tác tuyển dụng giáo viên, sắp xếp biên chế lớp ở các điểm trường học, đặc biệt tại khu vực khó khăn, biên giới.

Bà Nguyễn Thị Thu Yên- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết, trước thực trạng thiếu giáo viên, đồng thời chia sẻ những khó khăn của thầy cô ở biên giới, vùng xa trên địa bàn, Phòng GD&ĐT thường xuyên tham mưu đề xuất Huyện uỷ, UBND huyện, Sở GD&ĐT về các chế độ đãi ngộ, thu hút đối với giáo viên các cấp học. Trong đó, ngành đề xuất mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng cho giáo viên, nhân viên đang công tác tại các xã biên giới, xã vùng xa Hoà Hiệp, Tân Bình, Tân Lập, Thạnh Bắc.

Riêng khu vực ấp Tân Khai (xã Tân Lập), hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng, đề xuất mức phụ cấp thu hút 50 triệu đồng cho giáo viên, nhân viên tuyển mới hoặc mới chuyển đến công tác có cam kết gắn bó từ 5 năm trở lên. “Những phần hỗ trợ này tuy không nhiều, nhưng giải quyết phần nào khó khăn của các thầy cô trong quá trình công tác tại địa phương, để họ gắn bó lâu dài hơn với nơi này”- bà Yên nói.

Bà cho biết thêm: “Đối với các đơn vị có tỷ lệ bố trí giáo viên thấp, ngành vận động giáo viên các đơn vị trường học ở vùng thuận lợi về “tăng cường” hỗ trợ đơn vị vùng khó khăn trong một thời gian nhất định, đến khi tuyển dụng đủ đội ngũ hoặc bảo đảm cơ bản nhu cầu tối thiểu về đội ngũ, chúng tôi sẽ chuyển sang hình thức khác để hỗ trợ. Đây là một trong các giải pháp nhằm động viên các thầy cô an tâm giảng dạy và công tác”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 31.8.2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông. Theo đó, để tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nghiên cứu đề xuất chính sách ưu tiên cho giáo viên vùng sâu vùng xa, những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi cho học sinh trước khi năm học mới bắt đầu; tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em mầm non, học sinh phổ thông...

TĂNG CƯỜNG XÃ HỘI HOÁ

Từ năm 2018 đến nay, huyện Tân Biên đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các đơn vị trường học ở vùng khó khăn, biên giới, trong đó đẩy mạnh xã hội hoá, vận động mạnh thường quân tặng quà cho giáo viên công tác ở vùng khó khăn, hỗ trợ cho những học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, có được phương tiện, điều kiện để học tập.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Yên, ngoài các chương trình đồng hành, hỗ trợ giáo viên vùng khó khăn mang tính chất lâu dài, mô hình Xuân Biên cương được tổ chức hằng năm được toàn ngành hưởng ứng tích cực. Bà cho biết, từ nguồn vận động vào dịp lễ tết, Phòng GD&ĐT tổ chức họp mặt giao lưu giữa vùng thuận lợi, vùng trung tâm với vùng khó khăn, biên giới; triển khai các hoạt động thể thao, văn hoá, văn nghệ, thăm hỏi, tặng quà, cùng chia sẻ, thấu hiểu hơn những khó khăn ở đơn vị bạn, để tiếp tục phấn đấu trong công tác.

Đặc biệt, trong năm học 2022-2023, Phòng GD&ĐT vừa triển khai chương trình “Bếp hồng biên giới”, vận động toàn ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đóng góp, hỗ trợ bữa ăn trưa cho 20 thầy cô giáo đang dạy 2 buổi/ngày tại khu vực ấp Tân Khai và các điểm lẻ của Trường THCS Tân Lập, bước đầu đã đạt nhiều kết quả khả quan, được hưởng ứng tích cực.

Qua thời gian đầu vận động, chương trình nhận được gần 122 triệu đồng từ các thầy cô giáo, đơn vị trường học trong và ngoài địa bàn huyện. “Khi mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, ổn định, chúng tôi sẽ xây dựng tiếp mô hình này ở ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Bắc. Đó là một số giải pháp của ngành Giáo dục & Đào tạo huyện Tân Biên, để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên ở các vùng khó khăn”- bà Thu Yên bày tỏ.

CHỦ ĐỘNG TÌM GIẢI PHÁP

Có thể nói, chương trình “Đồng hành cùng trường học” và “Bếp hồng biên giới” là hai chương trình mang chất đặc trưng của huyện Tân Biên. Theo Bí thư Huyện uỷ Tân Biên Thành Từ Dũ, qua hai mô hình, các trường học ở vùng khó khăn, biên giới được hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất, hơn hết đó là đội ngũ nhân lực, góp phần giải quyết khó khăn, làm ấm lòng những giáo viên ở đây, để họ có thể tiếp tục bám trụ và an tâm công tác.

Bí thư Huyện uỷ cho biết thêm, Tân Biên đã có 2 kiến nghị đề xuất nhưng chưa được phê duyệt. Trong đó, kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi tiêu chí, bổ sung giáo viên vào đối tượng được hưởng chính sách nhà ở và đất sản xuất theo Đề án 407 (Đề án “Bố trí, sắp xếp, ổn định 3 khu dân cư biên giới Bắc Tây Ninh” giai đoạn 2008-2019), tạo điều kiện cho huyện bố trí giáo viên gắn bó lâu năm đưa lên Khu dân cư biên giới Chàng Riệc ở ấp Tân Khai (xã Tân Lập) và đề xuất HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ riêng đối giáo viên vùng biên giới.

Bên cạnh đó, huyện Tân Biên đã vận động mạnh thường quân và Công đoàn ngành Giáo dục hỗ trợ xây nhà công vụ cho giáo viên ở biên giới, vùng sâu. Từ nguồn lực này, huyện xây dựng được 3 nhà công vụ cho giáo viên ở Khu dân cư biên giới Chàng Riệc, Trường tiểu học Thạnh Bắc A và Thạnh Bắc B (xã Thạnh Bắc).

“Huyện đã quan tâm, huy động các nguồn lực để lo cho giáo viên vùng khó khăn, biên giới; “linh động” bố trí nhà đang chờ cấp theo Đề án 407 để giáo viên Khu dân cư biên giới Chàng Riệc ở tạm, góp phần giảm bớt khó khăn vì hầu hết giáo viên “bám trụ” ở đây là thanh niên trẻ, rời quê tình nguyện lên giảng dạy ở biên giới”- Bí thư Huyện uỷ Thành Từ Dũ cho biết. “Rất mừng là đã có những tín hiệu ban đầu tích cực. Khả năng sẽ có chính sách hỗ trợ thêm cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và đặc biệt là chính sách cho giáo viên ở 4 xã an toàn khu của Tây Ninh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, Tân Biên có hai xã là Tân Lập và Tân Bình”.

Tâm Giang