Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vượt qua dịch bệnh, phát triển kinh tế
Bài cuối: Thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Thứ sáu: 23:42 ngày 11/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19.

Trồng nấm mối ở huyện Gò Dầu.

Năm 2022 là năm thứ hai triển khai thực hiện các nghị quyết Đại hội, chương trình hành động của Tỉnh uỷ thực hiện các nghị quyết Đại hội, Tây Ninh có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19. Triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tiếp tục định hướng các chính sách bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế... là điều kiện để thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH của tỉnh.

Nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển ngành NN&PTNT giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, việc đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế tạo ra những khởi sắc ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp; xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp mở ra tiềm năng, cơ hội về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm; các chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất của tỉnh đã được ban hành và từng bước đi vào cuộc sống, tạo động lực lớn thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo định hướng.

Tuy nhiên, dự báo phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp nói riêng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn là yếu tố tác động lớn, trực tiếp đến sản xuất.

“Trước bối cảnh trên, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt để thích ứng tốt với trạng thái “bình thường mới”; tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống, ứng phó tốt đại dịch, vừa ổn định, phát triển sản xuất bảo đảm an ninh lương thực, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản xuất của ngành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm, góp phần vào sự phát triển KT-XH chung của tỉnh trong năm 2022”- ông Nguyễn Đình Xuân chia sẻ.

Để hiện thực hoá các mục tiêu phát triển năm 2022, ngành NN&PTNT tập trung vào 10 nhóm giải pháp trọng tâm như sau: thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; nâng cao năng lực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh khoa học, công nghệ và khuyến nông, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, sản phẩm, ngành hàng; thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích đầu tư tư nhân.

Mặt khác, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thuỷ sản; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý ngành.

Tạo bước đột phá

Cuối năm 2021, HĐND tỉnh thông qua một số nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về phát triển KT-XH năm 2022 và Nghị quyết về thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đây là bước đầu để Tây Ninh triển khai kế hoạch xúc tiến đầu tư, thực hiện hiệu quả các dự án trọng tâm, trọng điểm, kích thích môi trường đầu tư.

Ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh trên tinh thần các nghị quyết của Trung ương, chỉ thị của Chính phủ về tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong tình hình dịch Covid-19, giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, trong đó, chú trọng: tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch tỉnh, quy hoạch trọng điểm khác như quy hoạch các khu vực xung quanh núi Bà Đen, hoàn thiện nhiệm vụ quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài... Các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chi tiết, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận và phát triển.

Để thực hiện tốt việc xúc tiến đầu tư và bước đột phá cho năm 2022, Sở KH&ĐT đang tham mưu cho UBND tỉnh những ưu đãi để kêu gọi đầu tư đặc thù trên địa bàn tỉnh, các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trong chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư mới, cũng như các nghị định mới ban hành, đặc biệt là về tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đất đai.

Đây là một nút thắt mà hiện nay Sở KH&ĐT cùng với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh để tạo sự thông thoáng cho nhà đầu tư tiếp cận các dự án, tháo gỡ từng nút thắt nhằm phát triển, kêu gọi đầu tư. Về thủ tục hành chính, tỉnh sẽ tiếp tục cải cách môi trường đầu tư, nâng cao các chỉ số PAPI, PCI, ICT, PAR Index để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh trong năm 2022.

Nông dân bao trái mãng cầu.

Có thể kể đến các dự án với quy mô lớn và sẽ tạo động lực, là bước đột phá, nền tảng giúp Tây Ninh có bước phát triển trong năm 2022 và sau này, như: Dự án cảng cạn ICD và trung tâm logistics tại Khu kinh tế Mộc Bài (huyện Bến Cầu) và xã Hưng Thuận (thị xã Trảng Bàng); cao tốc Gò Dầu - Xa Mát; cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài hay dự án Tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ...

Theo ông Nguyễn Văn Vy- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường trên địa bàn tỉnh thời gian qua, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đã chung sức, đồng lòng tích cực tham gia phòng, chống dịch với tinh thần và trách nhiệm cao.

Những lời hiệu triệu, thông điệp của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ tạo thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc trong tuyên truyền, vận động nhân dân, qua đó, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” trong các tầng lớp nhân dân.

Trong năm 2022, MTTQ các cấp sẽ đẩy mạnh vận động toàn dân tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; chăm lo đời sống cho người dân nghèo, gia đình chính sách, người gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần phát triển KT-XH ở địa phương trong trạng thái “bình thường mới”.

Trúc Ly

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục