Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tây Ninh có sông, có núi, có hồ, có những khu di tích lịch sử cách mạng, cùng nhiều làng nghề truyền thống bao đời, sự hấp dẫn của làng quê… có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, cần được khai thác, quảng bá rộng rãi
Du khách trải nghiệm đi rừng Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát
Phát triển tour leo núi, đi rừng
Bà Lê Thị Như Oanh- Phó Giám đốc Công ty TNHH DV Du lịch Hương Sen Việt cho biết, Tây Ninh có lợi thế về phát triển du lịch nông thôn, có thể tổ chức nhiều tour trải nghiệm thu hút du khách. Để phát triển du lịch nông thôn, theo bà Như Oanh, trước hết người dân địa phương phải cùng làm du lịch, là những “hướng dẫn viên” nhiệt tình với du khách. Du lịch nông thôn hướng đến hoạt động trải nghiệm, đưa du khách cảm nhận rõ nét những giá trị cộng đồng bản địa.
“Thời gian qua, công ty chúng tôi có tổ chức môt số tour có hoạt động trải nghiệm như hái rau rừng, xem tráng bánh tráng ở khu vực thị xã Trảng Bàng. Tuy nhiên, có một hạn chế tôi nghĩ địa phương và người dân cần quan tâm. Đó là hiện nay, vườn rau rừng nằm sâu bên trong hẻm nhỏ, xe lớn sẽ không thể vào được. Ở các gia đình tráng bánh thủ công vẫn chưa thật sự quen với cách làm du lịch trải nghiệm; cơ sở sản xuất chưa được dọn dẹp, bài trí sẵn sàng chào đón du khách. Do đó, nhiều du khách đã loại hoạt động trải nghiệm sau khi xem qua những hình ảnh được giới thiệu”- Phó Giám đốc Công ty Hương Sen Việt cho biết.
Nho rừng- đặc sản được huyện Dương Minh Châu định hướng phát triển
Có thể thấy, phát triển du lịch nông thôn phải đa dạng sản phẩm và đó phải là những sản phẩm du lịch mang tính chất đặc thù của địa phương, không lẫn với nơi nào. Tây Ninh có rất nhiều những lợi thế mà những tỉnh lân cận không có được như Toà thánh Cao Đài, núi Bà Đen, đặc biệt, Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò - Xa Mát là một trong 12 Vườn di sản ASEAN của cả nước.
Leo núi, đi bộ đường dài xuyên rừng… đang được xem là trào lưu du lịch mới của giới trẻ. Và theo bà Như Oanh, Tây Ninh nên phát triển các tour lên rừng, lên núi để tạo điểm nhấn riêng của tỉnh.
“Nếu đi rừng, chúng ta có thể tổ chức một tour đi về nguồn Trung ương Cục miền Nam, kết hợp với tham quan VQG Lò Gò - Xa Mát cùng các hoạt động trải nghiệm vào rừng. Rừng ở Trung ương Cục rất xanh, khí hậu trong lành. VQG Lò Gò - Xa Mát có tiếng về sự đa dạng sinh thái, phong phú về các loại động vật, thực vật. Mỗi mùa nơi đây đều có những vẻ đẹp riêng. Buổi tối, sẽ tổ chức các hoạt động đồng đội như đốt lửa trại, tiệc nướng BBQ. Buổi sáng, chúng ta có thể lên tháp canh lửa Tà Nốt ngắm bình minh, ngắm toàn cảnh rừng, xa xa là đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Sau đó sẽ vào rừng, xem đặc trưng của rừng, tìm hiểu về đặc tính của cây nhân trần với mùi thơm và tính dược liệu. Đây cũng là những tour chúng tôi đã tổ chức và được rất nhiều người đón nhận”- bà Lê Thị Như Oanh góp ý.
Leo núi chinh phục nóc nhà Đông Nam bộ là bộ môn thể thao thu hút nhiều bạn trẻ đến với Tây Ninh
Ngoài ra, những tour leo núi Bà Đen hiện nay vẫn được nhiều nhóm bạn tổ chức và thu hút đông đảo mọi người. Nhiều người chọn chinh phục nóc nhà Đông Nam bộ bằng đường bộ để khám phá nét hoang sơ của thiên nhiên, cảm nhận những đổi thay từng mùa qua các cung đường. Tại fanpage “Hội những người thích leo núi Bà Đen”, ngoài các nhóm leo núi tự phát, vẫn có các công ty lữ hành tổ chức tuyến đưa du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Tây Ninh leo núi trong ngày và có nhiều người quan tâm, đăng ký tham gia.
Theo bà Trần Thị Thu Hiền- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu, bên cạnh định hướng đầu tư du lịch nghỉ dưỡng, du lịch về nguồn, huyện cũng chú trọng loại hình du lịch nông nghiệp và du lịch sinh thái- khám phá, trải nghiệm kết hợp sản phẩm du lịch.
Cụ thể, thị trấn Dương Minh Châu sẽ tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với dịch vụ du lịch bờ hồ Dầu Tiếng, điểm nhấn là đầu tư và phát triển Hội thi thả diều, đêm Nguyên tiêu. Xã Phan sẽ tập trung phát huy các trạm dừng chân đón du khách khu vực ven chân núi Bà Đen với những đặc sản ẩm thực địa phương như mãng cầu Bà Đen, dưa lưới, ổi ruột đỏ, nho rừng…; tiếp tục khuyến khích tạo điểm nhấn dừng chân kết hợp tham quan mô hình sản xuất và mua sắm tại khu vực Trà Hoàn Ngọc 7 Nga. Về phía xã Bàu Năng sẽ triển khai phát triển du lịch gắn hoạt động họ đạo Cao Đài phát huy văn hoá ẩm thực đồng quê, tập trung phát triển và nâng chất dịch vụ chợ đầu mối nông sản tạo điểm nhấn cho du khách đến tham quan và mua sắm.
Tạo điểm nhấn “giữ chân” du khách
Để có thể đẩy mạnh phát triển du lịch, việc “giữ chân” du khách, kéo dài thời gian lưu trú của khách là bài toán cần lời giải.
Với góc nhìn của đơn vị lữ hành, theo bà Lê Thị Như Oanh- Phó Giám đốc Công ty TNHH DV Du lịch Hương Sen Việt, Tây Ninh cần phát triển du lịch ở những địa phương có tiềm năng nhưng gần trung tâm thành phố Tây Ninh để có thể trải nghiệm và tham quan nhiều nơi.
Theo bà Như Oanh, huyện Châu Thành có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn; nơi đây có các khu vườn trồng rau, hệ thống sông Vàm Cỏ Đông, kênh rạch… phù hợp phát triển du lịch đường sông. Du khách tham quan ở núi Bà Đen hay Trung ương Cục về, họ có thể đến đây trải nghiệm, lưu trú qua đêm. Sáng hôm sau, mọi người đi Toà thánh tham quan, vào chợ Long Hoa hoặc đến thành phố Tây Ninh mua sắm.
Trải nghiệm đi du lịch trên sông Vàm Cỏ Đông
Đồng ý với việc lấy thành phố Tây Ninh làm trung tâm, điểm nhấn cho du lịch, anh La Quốc Phong- chủ La’s Farmstay góp ý: “Tôi nghĩ, có thể hình thành những con đường hoa giấy để làm nên sức hút của thành phố Tây Ninh. Hoa giấy là loài cây rất ưa nắng, mà nắng Tây Ninh lại không thiếu. Nhưng để làm được điều này, chúng ta phải vận động mọi người cùng chung tay trồng hoa. Khi nhà nhà đều trồng hoa giấy với những cổng hoa rực rỡ sẽ là điểm thu hút mọi người đến chụp ảnh, check-in”- anh La Quốc Phong gợi ý.
Cũng theo anh Phong, hiện nay, mô hình chợ đêm là cách thu hút du khách đến tham quan, ăn uống và mua sắm các sản vật địa phương. Tuy nhiên, làm theo kiểu truyền thống không hiệu quả, chúng ta có thể thay đổi theo cách làm mới. Anh Phong chia sẻ: “Ban ngày chợ chỉ là bãi đất trống, nhưng đêm xuống, những xe tải nhỏ là “cửa hàng di động” ở chợ. Các xe này sẽ có cùng một kiểu dáng, màu sơn giống nhau để tạo sự nổi bật, hấp dẫn và cũng rất độc, lạ. Ban ngày, du khách chụp ảnh với hoa giấy, đêm sáng đèn, mọi người sẽ đi chợ. Tây Ninh đã có một lượng khách nhất định đi tham quan núi Bà, Toà thánh, người ta sẽ không tiếc thời gian ở lại 1 đêm, nhưng muốn vậy, chúng ta phải tạo không gian du lịch cho mọi người”.
Trải nghiệm đi rừng Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát
Theo anh Nguyễn Trung Đông- chủ Bà Đen Farm, để du lịch nói chung và du lịch nông thôn Tây Ninh nói riêng phát triển, tỉnh nên có bản đồ du lịch cụ thể. “Ví dụ, chúng ta phải xây dựng một tour du lịch 2 ngày, mỗi ngày sẽ có những gợi ý phù hợp để du khách có thể chọn lựa như đi đâu, làm gì, ăn gì. Chúng ta cũng cần đưa vào danh sách bản đồ đó những đơn vị cung cấp dịch vụ bảo đảm uy tín để du khách đến trải nghiệm. Và muốn được vào danh sách đó, doanh nghiệp phải phấn đấu, nỗ lực để có những dịch vụ, sản phẩm du lịch tối ưu, được địa phương và khách hàng đánh giá cao”.
Với những tiềm năng, lợi thế hiện có, tin rằng Tây Ninh sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong tương lai.
Ngọc Diêu
Theo Phòng Văn hoá thị xã Trảng Bàng, thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu với lãnh đạo Thị xã xây dựng dự án “Phát triển loại hình du lịch cộng đồng nghề làm bánh tráng phơi sương thị xã Trảng Bàng” tại phường Gia Lộc và Trảng Bàng. Với hình thức liên kết các hộ làm bánh tráng phơi sương, muối ớt, muối tôm, trồng rau rừng, bán bánh canh... sẽ tạo ra môi trường kinh doanh du lịch và sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo chỉ có ở vùng đất Trảng. Tại đây, bánh tráng sẽ được du khách trải nghiệm sản xuất tại chỗ, tạo sự hấp dẫn cho thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế.