Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo luật sư Lộc, vụ án này không chỉ là một bài học kinh nghiệm cải cách tư pháp của các cơ quan tố tụng, mà còn đối với cả chính quyền địa phương, đặc biệt là giới trẻ, những người có nhận thức pháp luật về quan hệ giới tính còn hạn chế, rất dễ dẫn đến phạm tội.
Vừa qua, TAND tỉnh đưa vụ án bị cáo Đặng Thanh Tuấn “Hiếp dâm trẻ em” ra xét xử. Vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm. Tại phiên toà sơ thẩm lần 2, có nhiều vị thẩm phán của TAND tỉnh ngồi dự khán để rút ra bài học trong công tác xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp tại Công văn số 136/HD-TANDTC ngày 30.3.2017 của TAND tối cao. Kết thúc phiên toà, Hội đồng xét xử đã tuyên: bị cáo không phạm tội.
“CÁI DUYÊN” ĐƯỢC THAM GIA TỐ TỤNG
“Tôi rất vui mừng khi HĐXX đã lắng nghe lời bào chữa của tôi, trên cơ sở xem xét toàn diện vụ án để đưa ra phán quyết khách quan đúng quy định pháp luật, tuyên bị cáo Tuấn không phạm tội. Đây thật sự là một phiên toà xét xử theo hướng cải cách tư pháp, đúng chủ trương của của TAND tối cao” - luật sư Nguyễn Hữu Lộc- Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, người tham gia bào chữa cho bị cáo Tuấn bộc bạch.
Theo luật sư Lộc, vụ án này không chỉ là một bài học kinh nghiệm cải cách tư pháp của các cơ quan tố tụng, mà còn đối với cả chính quyền địa phương, đặc biệt là giới trẻ, những người có nhận thức pháp luật về quan hệ giới tính còn hạn chế, rất dễ dẫn đến phạm tội.
Luật sư Lộc cho biết, việc ông tham gia tố tụng vụ án và bảo vệ thành công cho bị cáo Tuấn, ngoài việc tìm ra đúng điểm mấu chốt của vụ án, có lẽ còn nhờ có… “cái duyên”. Bởi vì, trước đây trong giai đoạn điều tra, đã có hai người tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền lợi và bào chữa cho bị cáo Tuấn, đó là một trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và một luật sư khác thuộc Đoàn Luật sư Tây Ninh.
Tuy nhiên, vì lý do khách quan, trợ giúp viên pháp lý và vị luật sư không tham gia đến cuối cùng nên Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã đề nghị luật sư Lộc tham gia. Khi vụ án bị huỷ án, xét xử trở lại, ở thời điểm này, bị cáo Tuấn đã đủ 18 tuổi, “không còn chế độ” để được luật sư bào chữa miễn phí theo quy định.
Mặt khác, ngày luật sư Lộc được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh ra quyết định cử tham gia tố tụng vụ án là ngày 7.3.2016 (thứ hai), trong khi đó, theo quyết định, TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử là ngày 11.3.2016 (thứ sáu). Thời gian chỉ còn lại 4 ngày để luật sư nghiên cứu hồ sơ tham gia phiên toà, bào chữa cho bị cáo Tuấn, phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”. Vậy mà, luật sư Lộc vẫn chấp nhận và đeo bám vụ án đến cùng.
Sau khi nhận quyết định, luật sư Lộc lập tức làm thủ tục để tiếp cận hồ sơ. Quá trình nghiên cứu hồ sơ, luật sư Lộc tìm thấy mấu chốt của vụ án.
Đó là lời khai của bị hại và những người liên quan trong vụ án có mâu thuẫn về ngày sinh của bị hại L.N.T.T (gọi tắt là T). Vì vậy, luật sư Lộc đã tư vấn cho gia đình bị cáo Tuấn làm đơn gửi HĐXX đề nghị hoãn phiên toà để luật sư có thời gian làm rõ những mâu thuẫn trên.
Thế nhưng, sau đó, ngày 9.3.2016, gia đình bị cáo nhận được văn bản của toà án trả lời rằng, hồ sơ vụ án có giấy khai sinh của bị hại T và các chứng cứ khác, đủ cơ sở để đưa vụ án ra xét xử nên không chấp nhận yêu cầu của gia đình bị cáo Tuấn.
Khi chỉ còn 1 ngày nữa là đến ngày toà án đưa ra xét xử, luật sư Lộc nhận được những thông tin hết sức quan trọng, việc này đã củng cố niềm tin của luật sư là vụ án có dấu hiệu oan sai.
Theo thông tin thu thập từ UBND xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, hồ sơ để cấp giấy khai sinh cho bị hại T không có giấy chứng sinh và không bảo đảm tuân thủ quy định về việc cấp giấy chứng sinh. Luật sư Lộc cho biết, Điều 15 Nghị định158/NĐ-CP của Chính phủ quy định, người đăng ký khai sinh phải nộp giấy chứng sinh theo mẫu.
Trường hợp trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trên cơ sở quy định này, luật sư đã tiến hành thu thập hồ sơ gốc giấy khai sinh của bị hại T vào thời điểm tháng 7.2007 (giấy khai sinh của T được cấp vào ngày 25.7.2007 thể hiện T sinh ngày 2.10.2002).
Sau khi xác định hồ sơ khai sinh của bị hại T không có giấy chứng sinh, cũng không có văn bản xác nhận người làm chứng theo quy định, luật sư Lộc viết ngay bản kiến nghị đề nghị HĐXX hoãn phiên toà, để cơ quan điều tra tiến hành giám định xương, xác định tuổi của bị hại.
Ngày 11.3.2016, luật sư Lộc đến toà án rất sớm, khi phiên toà chưa khai mạc, để nộp bản kiến nghị cho HĐXX đề nghị hoãn phiên toà, nhưng không được chấp nhận.
HÀNH TRÌNH TRANH TỤNG GIAN NAN
Theo bản kết luận điều tra ngày 25.12.2015, bị hại T sinh ngày 2.10.2002 là con của chị Lê Hồng Thuý (chị Thuý là con của ông Lê Hồng Hưng) bị Đặng Thanh Tuấn 6 lần thực hiện hành vi giao cấu. Tuy nhiên, cáo trạng của VKS ngày 6.1.2016 lại có thêm chi tiết “bị hại T sinh ngày 2.10.2002 âm lịch, nhằm ngày 6.11.2002 dương lịch”.
Tại phiên toà sơ thẩm mở ngày 11.3.2016, trả lời HĐXX, bị cáo Tuấn thừa nhận 6 lần giao cấu với bị hại T, nhưng cho biết thời điểm này bị hại T nói với Tuấn bị hại T 13 tuổi.
Chị Thuý cho biết, con chị sinh ngày 2.10.2002 âm lịch, tức ngày 6.11.2002 dương lịch. Khi đi làm giấy khai sinh, ông Hưng không nộp giấy chứng sinh, vì giấy chứng sinh bị thất lạc khi dọn dẹp nhà cửa.
Trong khi đó, ông Hưng cho biết ông có nộp giấy chứng sinh cho xã, rồi sau đó lại nói “lâu quá, nên tôi không nhớ”. Tại phiên toà, chị Thuý cho rằng chị sinh con cùng thời gian với chị Phạm Thị Thuý Hằng, chị Đặng Thị Kim Phượng.
Tuy nhiên, chị Hằng lại nói con chị không sinh cùng thời điểm với con chị Thuý, còn chị Phượng cho biết chị sinh con ngày 2.11.2002 (tức sinh trước con chị Thuý 4 ngày).
Vì vậy, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên toà, yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung với nhận định: “Về tuổi của bị hại T, cơ quan điều tra chưa thu thập đầy đủ để đảm bảo tính căn cứ pháp lý trong việc giải quyết vụ án. Cơ quan điều tra chỉ lấy lời khai của những người sinh con cùng năm với bị hại T là chưa đúng, mà phải lấy lời khai của những người sinh con cùng thời điểm bị hại T sinh ra.
Giấy khai sinh của bị hại T là chứng cứ quan trọng xác định độ tuổi chính xác của người bị hại làm căn cứ xác định có tội hay không. Giấy khai sinh bị hại T làm trễ hạn, ông Hưng là người đi làm giấy khai sinh, nhưng khai tại toà không nhớ chính xác ngày sinh của bị hại T.
Người làm chứng chỉ trình bày sinh con của mình năm 2002 không biết ngày sinh bị hại T. HĐXX đề nghị điều tra bổ sung làm rõ độ tuổi bị hại (thu thập giấy chứng sinh tại xã Bàu Năng theo lời khai ông Hưng), ngày sinh bị hại T mâu thuẫn (ngày sinh trong giấy khai sinh là ngày tháng âm lịch)”.
Tại phiên toà sơ thẩm xét xử lại vào ngày 20.4.2016, cơ quan điều tra không trưng cầu giám định xương bị hại, nhưng hồ sơ vụ án thể hiện có thêm những người làm chứng: các ông, bà Phạm Văn Hon, Lê Thành Long, Trương Thị Kim Thoa, Phan Hoà Đông, tất cả đều vắng mặt (!?).
Tại phiên toà, chị Thuý khai chị đem con của chị cho ông Hon, sau đó ông Hon làm giấy khai sinh cho con chị lấy tên là Nguyễn Thị Thuý Liễu, tên cha mẹ là Long và Thoa. Về sau, chị Thuý làm giấy khai sinh lại cho con tên là T. Lúc này, chị Thuý mới khai thêm rằng khi sinh con, “do còn nhỏ quá nên bỏ trốn, không lấy giấy chứng sinh”.
Trong khi ông Hưng khai với toà, ông và chị của ông đưa chị Thuý đi sinh. Ông Hưng xác định cháu ông sinh ngày 6.11.2002, do chị Thuý “nói lại cho tôi biết”.
Ông Hưng cũng xác định con ông trốn viện nên không lấy giấy chứng sinh. Do khi sinh con chị Thuý còn quá nhỏ, nên ông Hưng khai với y tá mẹ của cháu T tên là Lê Thị Hoa (bà Hoa là em ruột của ông Hưng).
Tại phiên toà, cha của bị cáo Tuấn vẫn kiên trì yêu cầu HĐXX giám định xương (trước đó, cha bị cáo làm đơn nêu 5 mâu thuẫn liên quan ngày sinh bị hại T và yêu cầu giám định xương). Trong phần tranh tụng, luật sư Lộc cho biết, ngày sinh của bị hại T không rõ ràng, còn nhiều mâu thuẫn.
“Giấy chứng sinh là chứng cứ duy nhất xác định tuổi, nhưng hồ sơ vụ án không có giấy chứng sinh. Mặt khác, tên của sản phụ sinh ra bị hại T có quá nhiều thay đổi, khi thì Lê Kim Hoa, khi thì Lê Thị Hoa, rồi Trương Thị Kim Thoa. Còn bị hại T thì một lần tên là Liễu, một lần tên là T, hai lần đều không có giấy tờ chứng minh bé gái sinh trong giấy khai sinh được sinh vào ngày tháng năm ghi trong giấy khai sinh.
Hai tờ giấy khai sinh được hiểu “có xin là tư pháp cho”. Điều này trái với Nghị định 158 về hộ tịch. Vì vậy, mong HĐXX xem xét lại ngày sinh của bị hại T. Đề nghị toà tuyên trả hồ sơ, trưng cầu giám định xương. Vì tính nhân đạo, mong toà cho bị cáo Tuấn được tại ngoại, vì việc tạm giam không cần thiết. Vụ án có dấu hiệu oan sai” - luật sư Lộc tranh tụng và tha thiết đề nghị.
Mặc dù luật sư Lộc đã trình bày và đưa ra những lập luận xác đáng, có căn cứ, nhưng HĐXX vẫn không chấp nhận đề nghị trả hồ sơ yêu cầu giám định xương. HĐXX lập luận, tại phiên toà ngày 11.3.2016, HĐXX căn cứ Điều 179 BLTTHS trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, đề nghị cơ quan điều tra xác minh làm rõ về độ tuổi của người bị hại và giám định xương.
Tuy nhiên, căn cứ Điều 196 BLTTHS quy định giới hạn việc xét xử, toà án chỉ xét xử những hành vi mà VKS đã truy tố. Cuối cùng, HĐXX vẫn xác định bị cáo Tuấn phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”, tuyên phạt 8 năm tù.
Tại phiên toà phúc thẩm, ngày 6.12.2016, luật sư Lộc vẫn cố gắng trình bày những mâu thuẫn về ngày sinh của bị hại T và kiên quyết đề nghị HĐXX trả hồ sơ để giám định xương bị hại. VKS vẫn bảo lưu quan điểm bị cáo phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”, dù không thực hiện việc giám định xương.
Tuy nhiên, HĐXX của TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh đã chấp nhận đề nghị của luật sư Lộc, tuyên huỷ toàn bộ bản án của TAND tỉnh. Toà cấp cao nhận định, cần làm rõ bị hại T sinh ngày tháng năm nào để tính lần giao cấu đầu tiên cháu T trên 13 tuổi hay dưới 13 tuổi làm cơ sở cho việc định tội. Do các chứng cứ mâu thuẫn nhau về tính xác thực ngày tháng năm sinh của bị hại T nên việc giám định xương của bị hại là cần thiết. Làm rõ những nội dung trên cũng là căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Tuấn.
Khi bản án sơ thẩm bị huỷ, trả hồ sơ điều tra bổ sung, cơ quan điều tra trưng cầu giám định xương của bị hại. Ngày 21.3.2017, bản kết luận giám định pháp y về độ tuổi với kết quả: thời điểm giám định (ngày 22.2.2017), bị hại T có độ tuổi từ 14 năm 4 tháng đến 14 năm 10 tháng.
Trên cơ sở bản kết luận giám định, luật sư Lộc nhận định, bị cáo Tuấn không phạm tội, vụ án có dấu hiệu oan sai. Vì vậy, ngày 5.4.2017, cha bị cáo Tuấn làm đơn xin bảo lãnh cho bị can đang bị tam giam và đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra nhưng VKS từ chối.
VIỆN KHÔNG XÉT HỎI, TOÀ TUYÊN BỊ CÁO VÔ TỘI
Khi vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm trở lại lần 2, VKS vẫn giữ quan điểm truy tố bị cáo Tuấn phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”. Tại phiên toà, HĐXX, các luật sư tập trung làm rõ ngày sinh của bị hại, riêng đại diện VKS không tham gia xét hỏi.
Trong phần tranh tụng, trên cơ sở bản giám định xương của bị hại T, căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT, luật sư Lộc cho rằng bị cáo trên 13 tuổi nên đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội.
Sau khi xem xét toàn bộ chứng cứ và quá trình xét hỏi, tranh tụng tại phiên toà, HĐXX đã chấp nhận đề nghị của luật sư, tuyên bị cáo Đặng Thanh Tuấn không phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” với nhận định bị hại T sinh ngày 22.4.2002, ngày bị cáo Tuấn giao cấu lần đầu tiên là ngày 25.7.2015. Thời điểm này, bị hại T đã được 13 năm 3 tháng, 3 ngày tuổi.
ĐỨC TIẾN