Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bài học đắt giá
Thứ năm: 08:37 ngày 04/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trận sóng thần tràn vào Palu, đảo Sulawesi (Indonesia) vào chiều tối 28-9 đã làm nổi lên lỗ hổng quan trọng trong hệ thống cảnh báo sóng thần, bên cạnh đó là sự chủ quan từ các cơ quan chức năng.

Tỉnh Trung Sulawesi của Indonesia tan hoang sau trận động đất, sóng thần hôm 28-9.

Dọc theo bờ biển các vùng có nguy cơ động đất trên toàn thế giới, hàng ngàn cảm biến ở biển là tuyến phòng thủ đầu tiên cảnh báo sóng thần. Kỹ thuật dự báo sóng thần đã được cải thiện đáng kể từ những năm 1980, nhờ vào một thế hệ thiết bị phát hiện mới. Các quốc gia tập hợp và tăng cường hệ thống cảnh báo trong mạng lưới toàn cầu sau khi xảy ra trận sóng thần Sumatra vào ngày 26-12-2004 làm trên 220.000 người chết.

Nhưng trận sóng thần tràn vào Palu, đảo Sulawesi (Indonesia) vào chiều tối 28-9 đã làm nổi lên lỗ hổng quan trọng trong hệ thống này, bên cạnh đó là sự chủ quan từ các cơ quan chức năng. Nếu một trận động đất lớn xảy ra quá gần bờ biển, các cảm biến này sẽ không phát hiện ra vì chúng được đặt ở ngoài khơi xa hơn và sâu hơn nơi xảy ra động đất. Đó là những gì đã xảy ra trên đảo Sulawesi của Indonesia làm gần 1.400 người chết. Thời gian từ khi xảy ra trận động đất ngoài khơi Palu cho đến khi xuất hiện con sóng thần đầu tiên chỉ khoảng 10 phút nên khó có thể hoàn tất công tác sơ tán dân chúng.

Ngoài ra, hệ thống cảnh báo sóng thần công nghệ cao có thể gửi cảnh báo qua mạng điện thoại và các kênh truyền thông khác như tin nhắn văn bản và tiếng còi báo động sóng thần trên bãi biển. Tuy nhiên, khi cảnh báo sóng thần được Chính phủ Indonesia phát ra, công chúng có thể không nhận được bởi trận động đất đã phá hủy hệ thống điện và truyền thông ở Palu.

Một số báo cáo tin tức sau trận động đất hôm 28-9 tại Sulawesi ban đầu tập trung vào tình trạng hư hỏng mạng lưới gần 20 cảm biến ở biển của Indonesia, nhưng nhà tài trợ hệ thống này từ Đức khẳng định họ không bao giờ sản xuất một hệ thống bị lỗi như vậy.

Theo Channel News Asia, hầu hết các phao cảm biến ở biển của Indonesia được thiết kế đặc biệt để phát hiện sóng thần ở đại dương đã không hoạt động kể từ năm 2012. Cũng có nguồn tin từ Indonesia cho rằng các cảm biến này bị lấy cắp.

Một vấn đề khác là sự chủ quan của các cơ quan chức năng. Cảnh báo sóng thần đã bị hủy bỏ 34 phút ngay sau khi đợt sóng thần thứ ba tấn công Palu. Trong cơn sóng thần lớn của Nhật Bản năm 2011, một số cảnh báo chi tiết đầu tiên đã đánh giá thấp kích thước của sóng thần, cho rằng thấp hơn các bức tường bảo vệ trên bờ biển. Sau đó, các thông tin liên lạc bị cắt đứt nên công chúng hoàn toàn mất cảnh giác. Cũng vào năm 2011, do được cảnh báo hàng giờ trước nên đủ thời gian cho phép sơ tán một cách hiệu quả thành phố Crescent, bang California (Mỹ).

Các nhà khoa học cho rằng cần thiết phải nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ xảy ra sóng thần lớn. Vì vậy, các chương trình giáo dục và nhận thức liên tục là phần quan trọng nhất của hệ thống cảnh báo sóng thần ở các vùng ven biển có nguy cơ sóng thần, bất kể chúng xảy ra có thường xuyên hay không.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Đức DW, nhà nghiên cứu sóng thần Widjo Kongko thuộc Cơ quan đánh giá và ứng dụng công nghệ của Indonesia cho rằng Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (AMCG) lẽ ra không nên dỡ bỏ cảnh báo sóng thần ngay sau trận động đất đầu tiên.

Ông kêu gọi Chính phủ Indonesia, đặc biệt là AMCG và Cơ quan xử lý thiên tai quốc gia, làm việc với các tổ chức khác để Indonesia có thể cải thiện cơ chế phòng chống thiên tai và quản lý thiên tai; khẩn trương cải thiện hệ thống cảnh báo sớm sóng thần. Cài đặt cảm biến biển nhưng tránh nguy cơ bị phá hoại hoặc bị đánh cắp, sử dụng sợi quang học an toàn hơn.

Nguồn SGGPO

Tin cùng chuyên mục