Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Báo Tây Ninh vừa được bạn đọc phản ánh về trường hợp của 2 mẹ con đi hợp tác lao động, giúp việc gia đình tại Ả Rập- Xê Út, bị chủ bóc lột sức lao động nên phải tìm cách trở về Việt Nam. Ra đi với mong muốn kiếm chút tiền trang trải cuộc sống và có vốn làm ăn sau này, nhưng hậu quả là họ phải gánh một khoản nợ lớn khi gia đình bỏ tiền ra để họ được trở về. Đây là bài học cảnh tỉnh cho những người có ý định đi nước ngoài hợp tác lao động mà thiếu hiểu biết về pháp luật.

|
Chị Nguyễn Ngọc Hà (*)- 22 tuổi kể, khoảng cuối năm 2014, mẹ chị là bà Võ Ngọc Mai (49 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) được người quen cho biết có một công ty ở Tây Ninh tổ chức tuyển người đi hợp tác lao động nước ngoài với tiền lương rất cao, mỗi tháng từ 7 đến 10 triệu đồng. Mặc dù bà Mai đang bán quán cà phê có khá đông khách, còn chị Hà đang làm công nhân tại một công ty giày da, nhưng nghe mức lương hấp dẫn, mẹ con bà tìm đến gặp bà Huỳnh Em để tìm hiểu việc đi lao động ở nước ngoài.
Mẹ con bà Mai gặp bà Em tại một quán cà phê trên đường CMT8, thành phố Tây Ninh, lúc đó có khoảng 10 người khác cũng đến nhờ bà Em tư vấn. Sau khi nghe những lời “có cánh” của bà Em, nhiều người đã đồng ý làm hồ sơ đi lao động nước ngoài. Sau đó, 2 người con gái của bà Em đưa mọi người đi khám sức khoẻ và chứng giấy tờ tại địa phương và nộp tiền “lệ phí” cho bà Em là 2 triệu đồng/người.
Chị Hà cho biết trước khi lên máy bay, 2 mẹ con chị mới được bà Em đưa bản hợp đồng. Vì vậy, chị Hà chỉ đọc qua loa rồi ký tên bởi đang hy vọng cuộc đời sẽ “nở hoa” nơi đất khách. Tuy nhiên, khi vừa đến sân bay Ả Rập- Xê Út, chị Hà và bà Mai bị tịch thu toàn bộ giấy tờ. Hai người bị tách ra, chị Hà được đưa về làm “ôsin” trong một một gia đình có 8 người (trong đó có 2 người là cha mẹ già và 6 người con), còn bà Mai thì về phục vụ cho một cặp vợ chồng trẻ. Từ đó 2 mẹ con chị Hà bị mất liên lạc và họ cũng chẳng biết mình đang làm việc ở đâu.
Chị Hà cho biết thêm, chị được đưa đến một toà nhà rất lớn. Tại đây chị gặp 2 phụ nữ Việt Nam và 2 người nước ngoài đang làm “ôsin” trong gia đình này. Hà được phân công nấu ăn phục vụ cho 8 người và thường 8 người ăn 8 món ăn khác nhau. Do đó chị phải làm luôn tay, không được nghỉ ngơi. Sức khoẻ của chị Hà nhanh chóng bị giảm sút, phần do làm việc quá sức, phần do thức ăn không hợp khẩu vị. Do không đủ sức khoẻ để làm tiếp nên chị Hà bị nhốt ở phòng “biệt giam”, không có chăn màn, đói rét và cũng không được tiếp xúc với ai.
Một hôm, bất ngờ chị Hà được chủ đưa số tiền lương để mua vé máy bay về nước. Trên chuyến bay, chị Hà quen 2 người phụ nữ cùng cảnh ngộ. Khi về đến Hà Nội, chị Hà được những người này đưa về nhà ngủ và cho mượn điện thoại gọi về gia đình. Gia đình chị Hà phải đi vay 3 triệu đồng gửi vào tài khoản ATM để chị mua vé máy bay về Tây Ninh.
Còn mẹ của chị Hà là bà Mai kể lại, khi đến Ả Rập-Xê Út bà được đưa đi làm việc cho một gia đình. Thời gian làm việc thường là 18 giờ/ngày chứ không phải 8 giờ/ngày như thoả thuận ban đầu với bà Em. Bà làm quần quật suốt ngày với những công việc như nấu ăn, giặt giũ quần áo, lau tủ, bàn ghế, hút bụi, dọn rửa kỳ cọ toilet... Hằng ngày, phải đến 11 giờ trưa bà mới được “ăn sáng”, 5 giờ chiều mới được ăn “trưa”, 3 giờ sáng mới được ngủ, 7 giờ thức dậy làm tiếp. Bà không được phép ra khỏi nhà và nhất cử nhất động của bà đều bị giám sát qua hệ thống camera. Làm được một thời gian, bà Mai không chịu nổi nên bị đưa ra nhà chờ “biệt giam”, đợi người khác đến thuê mướn, nhưng không có ai đến thuê bà. Sau cùng, ông chủ cũ đến lấy lại số tiền mà bà Mai được lãnh lương để mua vé máy bay đưa bà ra sân bay về Việt Nam.
Cuối câu chuyện, bà Mai thở dài não nuột: “Trước khi đi nước ngoài tôi đã sang quán cà phê khá đông khách của mình. Từ ngày về đến nay không có tiền, phải đi vay mượn để mở một quán khác mưu sinh, nhưng buôn bán ế ẩm, không bằng trước đây. Từ nay mẹ con tôi “cạch đến già”, không dám đi hợp tác lao động ở đâu nữa”.
Hy vọng qua câu chuyện của mẹ con bà Mai, những ai đang có ý định đi lao động làm thuê, giúp việc ở nước ngoài phải suy nghĩ cẩn thận hơn. Nếu thực sự có nhu cầu đi hợp tác lao động nước ngoài thì hãy liên hệ với cơ quan chức năng như Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, hoặc Trung tâm Trợ giúp pháp lý để được tư vấn hướng dẫn cụ thể, bảo đảm sự an toàn cho người lao động.
Sông Ninh
(*) Họ tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.