Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Câu chuyện pháp luật
Bài học từ một vụ tai nạn giao thông
Thứ hai: 20:03 ngày 11/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau vụ tai nạn giao thông “chết người”, điều để lại không chỉ là đau thương, mất mát cho gia đình người thân của nạn nhân. Trong nhiều tình huống, cái mất mát còn là sự nghi kỵ giữa gia đình người đã khuất và người “bị cho” là gây tai nạn. Một vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Trảng Bàng được ghi nhận sau đây là bài học kinh nghiệm cho nhiều người, trong việc xử lý tình huống liên quan đến tai nạn, giao thông.

Bà Lê Thị Kim Phượng và bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (vợ ông Chí) trao đổi với phóng viên Báo Tây Ninh.

“THẤY” NGƯỜI BỊ GẶP NẠN, KHÔNG CỨU CHỮA (?!)

Chuyện xảy ra vào khoảng 14 giờ ngày 23.8. Lúc ấy, anh Dương Bắc Ðẩu (34 tuổi, ngụ ấp Bà Nhã, xã Ðôn Thuận, huyện Trảng Bàng) điều khiển mô tô lưu thông trên tỉnh lộ 789 hướng từ xã Bến Củi (huyện Dương Minh Châu) về xã Ðôn Thuận, bắt gặp ông Phạm Minh Chí (52 tuổi, ngụ cùng ấp Bà Nhã) đi bộ loạng choạng phía trước, cùng chiều. Bất ngờ, ông Chí té ngã về sau, đập đầu xuống đường nhựa ngay trước mặt. Thay vì ở lại cứu chữa người bị nạn và báo tin cho người nhà ông Chí, anh Ðẩu lại kéo ông vào lề đường, rồi vội lên xe mô tô chạy về nhà.

Lúc đó khi sự việc xảy ra, ông Nguyễn Văn Nên (55 tuổi) và ông Út Mười, nhà ở bên đường, nhìn thấy lập tức cứu chữa. Cú té ngã khiến ông Chí bất tỉnh. Sau khi được sơ cứu, ông Chí tỉnh lại, nhưng hơi thở thoi thóp. Lúc này, có một người đàn ông tên Vinh vừa đến, anh Ðẩu cũng quay trở lại và cùng ông Vinh đưa ông Chí về nhà. Tuy nhiên, khi được đưa đến cấp cứu ở Bệnh viện Ða khoa Củ Chi, rồi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), đến 7 giờ ngày hôm sau, ông Chí tử vong.

Theo chia sẻ của những thành viên trong gia đình ông Chí, trên đường về nhà, ông đã mê man, bất động. Anh Ðẩu lại không cho họ biết tất cả sự việc kịp thời. Khi ông Chí qua đời, gia đình báo tin cho Công an địa phương. Lúc này, gia đình ông Chí đã có sự hoài nghi và bất bình đối với cách hành xử của anh Ðẩu.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, 42 tuổi- vợ ông Chí đau buồn kể, chồng bà sẽ không chết nếu anh Ðẩu nói cho họ biết hết sự việc. Lúc đầu, anh Ðẩu chỉ nói thấy ông Chí “xỉu” trên đường nên đưa về nhà giùm. Khi ông Chí còn nằm tại nhà, anh Ðẩu thường xuyên đến “thăm” với vẻ lo lắng, hoang mang. Lúc ông Chí vào bệnh viện, cứ mỗi 15 phút, anh Ðẩu lại gọi điện hỏi thăm tình trạng của chồng bà.

Mặt khác, sau khi chồng bà mất, gia đình anh Ðẩu nhiều lần “thương lượng” phụ tiền chợ, hỗ trợ tiền ma chay với gia đình bà, nhưng gia đình ông Chí không đồng ý. Bà Bích cho biết thêm, Công an huyện Trảng Bàng đã mời bà đến UBND xã Ðôn Thuận làm việc, trong đó có đề cập đến nội dung anh Ðẩu “hỗ trợ” tiền cho gia đình bà.

Sự việc được Cơ quan CSÐT Công an huyện Trảng Bàng tiến hành điều tra làm rõ, trong đó có việc phải mổ tử thi theo quy định. Sau đó, Cơ quan CSÐT Công an huyện Trảng Bàng xác định nội dung sự việc như sau: “Khoảng 14 giờ ngày 23.8.2017, anh Ðẩu điều khiển xe mô tô lưu thông trên tỉnh lộ 789, hướng từ xã Bến Củi (Dương Minh Châu) về xã Ðôn Thuận.

Khi đến khu vực ấp Bà Nhã, anh Ðẩu thấy ông Chí đang đi bộ cùng chiều phía trước, có biểu hiện say rượu nên anh Ðẩu chạy xe chậm lại. Khi còn cách ông Chí khoảng 10m, ông Chí bất ngờ từ trong lề đường đi ra giữa đường nên anh Ðẩu điều khiển xe chuyển hướng chạy qua phần đường bên trái, thắng xe dừng lại.

Lúc này, ông Chí đi đến cách đầu xe bên phải của anh Ðẩu khoảng 0,5m, ông Chí dùng tay phải đánh từ phải sang trái vào anh Ðẩu nhưng không trúng, nên ông Chí mất thăng bằng tự té ngã về sau, đập đầu xuống đường nhựa dẫn đến bất tỉnh. Sau đó, ông Chí được đưa cấp cứu điều trị tại BVÐK Củ Chi và BV Chợ Rẫy (TP.HCM), đến 7 giờ ngày 24.8.2017 tử vong”.

Tiếp theo, Cơ quan CSÐT Công an huyện Trảng Bàng ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, xác định không có sự việc phạm tội xảy ra. Bên cạnh đó, Cơ quan CSÐT khẳng định, các nhân chứng do bà Bích cung cấp đều không nhìn thấy anh Ðẩu điều khiển xe va chạm vào người, mà chỉ thấy ông Chí đang đi bộ loạng choạng ra hướng giữa đường, tự té ngã xuống đường.

Ý KIẾN MÂU THUẪN CỦA CÁC NHÂN CHỨNG

Ông Nguyễn Văn Nên (55 tuổi, ngụ ấp Bà Nhã)- một nhân chứng trong vụ tai nạn cho biết: “Trước khi sự việc xảy ra, từ trong nhà tôi đã thấy ông Chí đi bộ với bộ dạng “xềnh xoàng” và hay huơ tay, kiểu như đón ai đó trên đường.

Bất ngờ, tôi nghe một tiếng “bụp” rất lớn, như tiếng nón bảo hiểm va đập mạnh. Tôi chạy vội ra, thấy anh Ðẩu dừng xe và đỡ ông Chí vào lề đường. Lúc này, tôi và ông Út Mười ở cạnh nhà chạy ra hiện trường. Thấy chúng tôi, anh Ðẩu liền lên xe chạy đi ra hướng trụ sở UBND xã Ðôn Thuận.

Thấy ông Chí ngưng thở, tôi liền sơ cứu gần 1 phút thì ông tỉnh lại. Tôi thấy trên hông phải của ông Chí có một vết trầy xước còn rất mới. Khoảng 20 phút sau, anh Ðẩu chở mẹ anh quay lại hiện trường. Lúc đó có ông Vinh chạy ngang, thấy vậy, nên đã cùng anh Ðẩu chở ông Chí về nhà”.

Ông Nên cho biết thêm, ông không nhìn rõ có xảy ra va chạm hay không, vì khoảng cách giữa nhà ông đến hiện trường khoảng 30m. Tuy nhiên, ông có nghe tiếng “bụp” rất lớn từ đó phát ra, chỉ có thể xảy ra va chạm nên mới có tiếng động mạnh như vậy. “Không thể có chuyện ông Chí tự té ngã trên đường. Mặt khác, trên người ông Chí còn có vết trầy xước rất mới!”- ông Nên quả quyết.

Ông Phan Văn Sáu- cùng ngụ ấp Bà Nhã kể lại: khoảng 14 giờ ngày 23.8, ông chạy xe trên đường 789 về nhà, nhìn thấy ông Chí đang đi bộ loạng choạng, lảo đảo trên đường theo hướng ngược lại. Khi đó, anh Ðẩu cũng đang điều khiển xe mô tô với tốc độ nhanh từ phía sau chạy tới gần ông Chí thì thắng gấp, khiến phần đuôi xe bị lệch qua một bên.

Lúc này, ông Chí xoay người qua phải và té “bịch” xuống đất. Ông Sáu cho biết thêm, Công an huyện đã mời ông lên UBND xã Ðôn Thuận để lấy lời khai và xác minh sự việc. “Các vết xước trên người ông Chí có thể do va chạm, sây sát, không có việc ông Chí dùng tay đánh vào anh Ðẩu từ phải sang trái. Bởi vì, ông Chí đang trong trạng thái say rượu, lảo đảo, đi không vững nên không còn sức để đánh vào người khác”- ông Sáu nói.

Bà Lê Thị Kim Phượng (SN 1942)- mẹ ruột của ông Chí bức xúc cho rằng, anh Ðẩu nói thấy con bà xỉu nằm ngoài đường nên chở về giùm. Nhưng cứ khoảng 10-15 phút thì chạy đến thăm, rồi sờ vào đầu, vào khắp người ông Chí. Phát hiện thấy phần sau đầu ông Chí “mềm”, bà hỏi thì Ðẩu trả lời “Ðầu ai cũng vậy, không sao đâu!”.

Khi đưa ông Chí đi bệnh viện, anh Ðẩu cũng liên tục gọi điện hỏi thăm. Nhưng đến ngày ông Chí mất, anh Ðẩu không đến đám tang, mà chỉ có người thân của anh đến. Bà Phượng nói: “Tại đám tang, ba và cậu của Ðẩu đã 3-4 lần lên tiếng gửi phụ tiền chợ, mỗi lần 10 triệu đồng.

Tôi nghĩ, anh Ðẩu không đụng, không quẹt thì phụ tiền chợ để làm gì? Thật sự, tôi cũng không muốn bồi thường bất cứ gì, để hai gia đình gặp nhau nói chuyện thương thảo rồi thôi. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản là con tôi say rượu nên té ngã giữa đường, nhưng tôi không nghĩ con tôi chết đau đớn như vậy!”.

Anh Ðẩu cho biết, khi đang chạy xe trên đường, thấy ông Chí đi loạng choạng từ trong lề bước ra giữa đường, anh Ðẩu liền thắng xe “lết bánh” khiến xe dừng hẳn gần ông Chí. Lúc đó, ông Chí “xàng” ra ngoài đường và bất ngờ xoay người qua rồi té “bịch” xuống mặt đường.

Thấy vậy, anh Ðẩu xuống xe đỡ ông Chí vào lề đường và nhờ ông Nên, ông Út Mười trông giùm để chạy về nhờ người phụ chở. Anh Ðẩu nói: “Thấy anh Chí bị ngã giữa đường, vì nghĩ anh ấy bị say rượu nên tôi mới chạy về nhà chở mẹ tôi tới giúp. Cũng may có anh Vinh đi làm ngang nên chở giúp tôi và anh Chí về nhà.

Khi về, tôi có nói với chị Bích về tình trạng của anh Chí, chị Bích cũng bảo là để cho anh ấy ngủ. Mọi ngày, anh Chí có thói quen uống rượu, người trong ấp cũng thường thấy anh ấy nằm ngủ ngoài đường và đưa về giùm. Tôi không nghĩ sự việc trở nên như vậy”.

Anh Ðẩu khẳng định: “Anh Chí không quay người đánh tôi, do anh ấy quá say rượu nên “xàng” người và huơ tay sang phải rồi tự té ngã xuống đường. Còn vết trầy xước trên người anh ấy, tôi hoàn toàn không biết. Vì thấy anh Chí té ngã trước mặt nên tôi đưa anh ấy về”.

Theo anh Ðẩu, những ngày đám tang ông Chí, sở dĩ anh không có mặt là bởi vì, sau khi gia đình trình báo Công an, phía cơ quan điều tra đã mời và “giữ” anh cùng các giấy tờ liên quan, trong đó có cả chiếc xe mô tô.

Theo lời kể của người dân trong ấp Bà Nhã, trước khi ông Chí mất, mọi người trong xóm sống rất chan hoà, thân thiết với nhau. Bản thân anh Ðẩu và ông Chí cũng vậy, hoàn toàn không có mâu thuẫn. Ông Chí có thói quen uống rượu cả ngày lẫn đêm, rồi nằm vật vã ngoài đường.

Ai nhìn thấy thì đưa về giùm, hoặc gọi điện báo gia đình đến chở. Gia đình anh Ðẩu kinh doanh vật tư cao su, nên khi xảy ra sự việc, liên quan đến anh, anh quan tâm, thăm hỏi, đề nghị hỗ trợ tiền là bình thường. Tuy nhiên, lúc ông Chí bị tai nạn qua đời, người dân trong xóm đồn thổi, “lời ra, tiếng vào”.

Một bên cho rằng chính anh Ðẩu quẹt trúng ông Chí, làm ông té ngã chết trên đường nên phải bồi thường. Một bên vì muốn “dĩ hoà vi quý”, khuyên anh Ðẩu hỗ trợ gia đình bà Bích “chút đỉnh” gọi là tiền chợ những ngày tang ma. Người khác cứ cương quyết khẳng định, anh Ðẩu hoàn toàn không có lỗi nên không cần hỗ trợ bất cứ gì…

Sau khi cơ quan CSÐT ra quyết định không khởi tố vụ án, bà Bích tiếp tục làm đơn khiếu nại. Từ lúc xảy ra chuyện, hai gia đình không “nhìn mặt” nhau, mà cũng không có lời chào hỏi như ngày nào nữa. Trong hai căn nhà xiêu vẹo rộng chừng 30m2 đã mục nát, bà Bích cùng đứa con trai nương tựa vào nhau lay lắt qua ngày ở một khu xóm nghèo khó.

Vụ việc nêu trên sẽ được cơ quan pháp luật giải quyết đúng quy định pháp luật. Ðiều còn lại trong vụ án này là bài học chung trong tham gia giao thông và ứng xử sau TNGT cho nhiều người. Việc đưa người bị TNGT đến bệnh viện cấp cứu, cũng như chia sẻ những thông tin liên quan đến vụ tai nạn với gia đình, cơ quan Công an là rất cần thiết để kịp thời cứu người và nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, xử lý đúng quy định pháp luật.

TÂM GIANG - NGÔ MẪN

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục