BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bài học từ việc kinh doanh củ mì... trốn thuế

Cập nhật ngày: 05/06/2016 - 02:13

Công ty TNHH MTV Mai Ngọc Dũng (Công ty Mai Ngọc Dũng) đăng ký thành lập doanh nghiệp vào ngày 27.12.2012, ngành nghề mua bán nông lâm sản nguyên liệu và động vật sống, do Nguyễn Thị Ngọc làm giám đốc. Trong năm 2013, Công ty Mai Ngọc Dũng đã nhập khẩu 70.000 tấn củ mì tươi và 7.000 tấn mì lát khô; xuất bán 38.846,09 tấn củ mì tươi, 4.165,84 tấn mì lát khô, còn tồn 31.153,9 tấn củ mì tươi và 2.834,15 tấn mì lát khô. Khi Chi cục Thuế huyện Tân Biên đến kiểm tra, toàn bộ lượng hàng hoá tồn kho đã được xuất bán nhưng không cung cấp được hoá đơn, chứng từ, hồ sơ liên quan.

Qua điều tra của  cơ quan chức năng từ ngày 10.1.2013 đến ngày 15.2.2014, Công ty Mai Ngọc Dũng đã ký hợp đồng và bán mì cho đối tác với doanh thu lên đến gần 77 tỷ đồng, nhưng không xuất hoá đơn, không ghi chép trong sổ sách kế toán và không kê khai nộp thuế theo quy định. Đồng thời, cơ quan chức năng xác định Công ty Mai Ngọc Dũng trốn thuế giá trị gia tăng 3.834.976.760 đồng. Vì vậy, VKS đã truy tố Nguyễn Thị Ngọc tội “Trốn thuế”, quy định tại khoản 3 Điều 161 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên toà sơ thẩm, TAND huyện Tân Biên tuyên bị cáo Ngọc 2 năm tù giam. Bị cáo Ngọc kháng cáo bản án của TAND huyện Tân Biên.

Tại phiên toà phúc thẩm diễn ra ngày 3.6.2016, luật sư bào chữa cho bị cáo Ngọc cho rằng, bị cáo Ngọc do nhận thức pháp luật còn hạn chế, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân bị bệnh, đồng thời bị cáo cũng cung cấp tình tiết mới (người thân trong gia đình bị cáo có công với đất nước) nên đề nghị xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, HĐXX của TAND tỉnh cho rằng, đề nghị của luật sư không có căn cứ chấp nhận, nên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Ngọc, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Tân Biên.

Thực tế trước đây, tại địa bàn các tỉnh biên giới ở Tây Ninh, rất nhiều người dân có thói quen “thu gom” củ mì lát, củ mì tươi, bán “sang tay” nhau kiếm lời. Tuy nhiên, khi kinh tế phát triển, một số cá nhân đã thành lập công ty, vẫn còn thói quen mua bán “sang tay”, không sổ sách kế toán, không nộp thuế GTGT (cho dù vô tình hay cố ý). Tất nhiên, làm như thế là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự. 

Trường hợp bị cáo Nguyễn Thị Ngọc kinh doanh không nộp thuế GTGT, bị các cơ quan pháp luật xử tội “trốn thuế” là bài học cho những người có thói quen kinh doanh “sang tay” không nộp thuế cho Nhà nước. Bởi trong kinh doanh, nộp thuế cho Nhà nước là nghĩa vụ phải thực hiện của mọi tổ chức, cá nhân trong một xã hội phát triển.

ĐỨC TIẾN