Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Cảm cúm là bệnh thông thường xảy ra quanh năm, song tần suất bệnh cao nhất trong khoảng thời gian từ đầu mùa thu đến cuối mùa xuân.
Nguyên nhân do thời tiết thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh, ẩm thấp đột ngột, cơ thể không điều tiết thích ứng kịp thời nên dễ mắc cảm cúm.
Biểu hiện cơ thể đau nhức hoặc đau đầu nhẹ, hắt hơi, chảy nước mắt, sốt nhẹ, người mệt mỏi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ngứa hoặc đau họng, ho… Chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc Nam thường dùng:
Trị cảm cúm gây sốt cao, sốt nóng, sốt rét, nghẹt mũi, ho, chảy nước mũi trong:gừng sống thái lát 25g, tỏi bóc vỏ đập dập để ngoài không khí 5 - 10 phút 30g, hành ta cả rễ 15g, đường đỏ 15g.
Tất cả đem sắc nhỏ lửa 15 - 20 phút uống ấm ngày 1 thang. [Nồi lá xông gồm lá sả, hương nhu, lá bưởi, tía tô, lá chanh… xông trị cảm cúm rất hiệu quả.
Nồi lá xông gồm lá sả, hương nhu, lá bưởi, tía tô, lá chanh… xông trị cảm cúm rất hiệu quả.
Trị sốt cao, đau ê ẩm toàn thân, mặt mũi đỏ, không ra mồ hôi: gừng tươi thái lát 5g, hạt rau mùi 35g, hành cả rễ đập dập 3 củ. Tất cả đem sắc uống ấm trong ngày. Sau khi uống thuốc, đắp chăn kín đầu cho ra hết mồ hôi là khỏi. Hoặc ăn thêm cháo trứng tía tô rễ hành để tăng hiệu quả điều trị.
Trị cảm cúm mới phát, phát ban hay ngứa toàn thân, đau nhức mình mẩy: dây kim ngân 35g, lá dâu tằm 20g, hương nhu 25g, lá tre 20g. Tất cả đem sắc nhỏ lửa uống khi thuốc còn ấm.
Trị chứng cảm cúm, ho sốt, đau đầu, cứng gáy, không ra được mồ hôi: cúc tần, lá chanh, tía tô, hương nhu, lá sả mỗi thứ 20g. Tất cả đem sắc nhỏ lửa 20 - 30 phút. Khi thuốc được, chắt để riêng 1 - 2 cốc để uống. Phần còn lại đem xông, xông xong, uống thuốc đắp chăn cho ra mồ hôi sau đó tắm nhanh bằng nước thuốc. Ngày làm 1 lần, thông thường làm từ 2 - 3 lần là khỏi.
Chữa cảm mạo phong hàn, phát sốt cứng gáy, nhức đầu, đau ê ẩm toàn thân không ra được mồ hôi: Dùng độc vị kinh giới cả hoa lá cành hoặc phối hợp với lá tre mỗi thứ một nắm đem sắc nhỏ lửa uống khi còn ấm.
Trị sốt nóng, đau đầu, sợ gió, ra mồ hôi, ho, đau lưng, nhức mỏi toàn thân, miệng khô, khát, đau rát họng, nước tiểu vàng, rêu lưỡi vàng: bạc hà 8g; kim ngân hoa, cam thảo nam, kinh giới mỗi vị 15g; lá tre 25g. Đem sắc nhỏ lửa uống ấm trong ngày, ngày 1 thang.
Trị sốt cao, đau đầu nghẹt mũi, chảy nước mũi, mệt mỏi: lá đại bi 10 - 15g, hương nhu 10g, lá bưởi 10g. Tất cả đem sắc uống ấm, ngày uống 1 thang. Có thể kết hợp xông bằng chính nước thuốc để cao nâng hiệu quả.
Trị sốt cao không giảm, miệng lưỡi khô, đau tức ngực, bụng ấm ách không muốn ăn: kinh giới, tía tô, ngải cứu, hương nhu mỗi thứ một nắm, cau khô 1 quả. Sắc uống ngày 1 thang, uống ấm.
Trị sốt cao, rét run, nghẹt mũi, người mệt mỏi chỉ muốn ngủ: độc vị lá ngải khô 30g, nếu tươi gấp đôi. Đem sắc uống ngày 1-2 thang uống khi thuốc còn ấm.
Ngoài ra, người bệnh cần chú ý chế độ ăn uống nhiều năng lượng, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, nước quả tươi giúp tăng cường vitamin sẽ tăng sức đề kháng, giảm khô háo họng. Súc miệng bằng nước muối, nhỏ mũi giúp thông mũi là phương pháp đơn giản, hiệu quả trong điều trị cảm cúm.
Nguồn SKĐS