Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Huyện Châu Thành:
Bài toán “đầu ra cho sản phẩm lúa” bước đầu đã có “lời giải”
Thứ hai: 23:04 ngày 27/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Để tránh tình trạng người nông dân trồng lúa bị thương lái ép giá, năm 2015, sau khi nắm thông tin HTX Tân Cường (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) tiến hành trồng và bao tiêu lúa ở xã Ninh Điền, UBND huyện Châu Thành đã chủ động liên hệ với HTX này để tìm hiểu về hoạt động thu mua lúa.

Cánh đồng lúa trên địa bàn xã Trí Bình, huyện Châu Thành.

Ông Nguyễn Trung Hiếu- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, ban đầu HTX Tân Cường- Đồng Tháp đến xã Ninh Điền, huyện Châu Thành- Tây Ninh hợp tác với nông dân trồng lúa thí điểm với diện tích khoảng 5 ha.

Tuy nhiên, khi thấy diện tích đất lúa trên địa bàn huyện lớn, trong khi nhu cầu tiêu thụ ở miền Tây rất nhiều, lại thiếu cung ứng, nên HTX đã làm việc với UBND huyện mở rộng mô hình liên kết sản xuất lúa ra thêm 5 xã là Hoà Hội, Trí Bình, An Bình, Thanh Điền và Thành Long.

Dự kiến trong thời gian tới, HTX sẽ nhân rộng mô hình liên kết sản xuất lúa lên 10 xã trên địa bàn huyện, với diện tích khoảng 1.800 ha và tiếp tục thu mua lúa theo giá thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, HTX đã thu mua hơn 800 tấn lúa của người dân.

Để nông dân trên địa bàn huyện bán lúa thuận lợi, HTX sẽ đặt một điểm thu mua cố định tại một xã nằm trong mô hình. HTX sẽ mua lúa với giá ổn định theo thị trường, nông dân không phải qua khâu thương lái, từ đó tránh được tình trạng bán lúa giá thấp.

 Bên cạnh đó, UBND huyện Châu Thành cũng có chính sách hỗ trợ cho HTX, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu mua lúa của người dân; phối hợp với HTX thành lập Tổ hợp tác liên kết sản xuất lúa trên địa bàn huyện Châu Thành, Tổ trưởng đại diện đứng ra ký kết hợp đồng liên kết sản xuất lúa và tiêu thụ sản phẩm với HTX.

Hướng tới, phía HTX Tân Cường dự định sẽ cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, kể cả cán bộ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ vốn không tính lãi. Trong quá trình tổ chức sản xuất, HTX phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành hướng dẫn quá trình sản xuất cho người nông dân nhằm bảo đảm chất lượng cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, HTX cũng triển khai mô hình trồng lúa chất lượng cao thí điểm ở 4 xã Biên Giới, Trí Bình, Hoà Thạnh và Thanh Điền với diện tích 200 ha, nhằm giúp nông dân từng bước thay đổi tập quán canh tác, sản xuất tập trung theo hướng ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết thêm, tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa, nông dân được hưởng lợi rất nhiều- từ chính sách ưu đãi như được hỗ trợ vốn, giống, phân bón bảo đảm chất lượng... đến việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong quá trình canh tác, nông dân cũng được tiếp cận với phương thức làm ăn mới, hiện đại và đầu ra được bảo đảm, ổn định.

“Bài toán” tìm đầu ra cho sản phẩm lúa ở huyện Châu Thành bước đầu đã có “lời giải”, đồng thời còn tạo ra cơ hội để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất qua mô hình liên kết với HTX Tân Cường.

Kết quả này bước đầu cũng đã hình thành mối liên kết trong chuỗi sản xuất- tiêu thụ sản phẩm lúa, giúp nông dân yên tâm sản xuất, tránh được điệp khúc “được mùa - mất giá”. Đây là mô hình hay, cần được nhân rộng để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

THANH NHI

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục