BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bài toán khó về lao động - việc làm

Cập nhật ngày: 14/04/2014 - 05:19

Một công ty giới thiệu với các sinh viên về nhu cầu tuyển dụng.

Tốt nghiệp rồi... thất nghiệp (!)

Gần một năm nay, chiều nào bạn Võ Tường Duy (24 tuổi, ngụ ấp Ninh Trung, phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh) cũng bày một cái bàn và vài cái ghế ở một góc sau nhà để “lên lớp” dạy kèm cho mấy em học sinh trong xóm. 5 năm trước, khi khăn gói lên đất Sài thành theo học Đại học Sư phạm, Duy hoàn toàn không ngờ lại có kết cục như thế này. Sau 4 năm miệt mài đèn sách nơi giảng đường, năm 2012, Duy đã có bằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh trong tay, thế nhưng niềm vui của Duy đã vụt tắt.

Bạn cho biết: “Vừa có bằng cấp, em nộp đơn xin việc làm vào Sở Giáo dục và Đào tạo thì nhận được câu trả lời là tỉnh không nhận giáo viên dạy môn Sinh”. Sau đó, Duy cầm tấm bằng tốt nghiệp, tự đi gõ cửa xin việc làm ở một số trường học trên địa bàn tỉnh. May mắn Trường TH - THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (toạ lạc phường 3, TP Tây Ninh) đã nhận Duy vào làm việc theo dạng hợp đồng.

Năm 2013, Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh tổ chức thi tuyển công chức, Duy đã tham dự nhưng bị trượt. Từ đó cho đến nay, Duy thất chí, đành ở nhà mở lớp dạy kèm cho đỡ nhớ nghề. “Em dự định năm nay sẽ đi thi lên cao học. Hy vọng có tấm bằng thạc sĩ sẽ dễ xin việc làm hơn. Ước mơ của em là vậy, nhưng chưa thực hiện được vì nhà em nghèo quá! Vả lại, chưa biết học xong có xin được việc làm hay lại tiếp tục thất nghiệp?”, Duy bày tỏ băn khoăn.

Tương tự như trường hợp của Duy là bạn Lê Thanh Việt (26 tuổi, ngụ xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên). Thanh Việt đã tốt nghiệp khoa Kế toán, Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Nhưng từ khi tốt nghiệp đến nay, Việt chỉ ở nhà phụ mẹ... bán thịt heo ở chợ xã.

Trò chuyện với chúng tôi, Việt kể: “Năm 2013, em có nộp hồ sơ xin việc vào Sở Nội vụ, rồi chờ miết từ đó cho đến nay vẫn không thấy bố trí việc làm. Vì vậy, em ở nhà phụ mẹ ra chợ bán thịt heo kiếm sống”. Hay như trường hợp của bạn Võ Minh Quang (24 tuổi, ngụ xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành).

Quang đã tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Bình Dương, khoa Thiết kế đồ hoạ xây dựng. Năm 2013, Quang xin vào làm nhân viên thiết kế đồ hoạ trong một công ty ở Khu công nghiệp Bình Dương. Do muốn về làm việc gần nhà, đầu năm 2014, Quang trở về Tây Ninh tìm việc làm.

Thế nhưng, đến nay anh chàng kỹ sư này vẫn quảy ba lô lang thang xin việc ở nhiều cơ quan mà vẫn chưa tìm được nơi nào để cống hiến sức trẻ. Quang bộc bạch: “Ước tính tổng chi phí ăn, ở, đi lại, học hành của em trong 5 năm học đại học ở Bình Dương tốn kém khoảng 300 triệu đồng. Thế mà bây giờ không tìm được việc làm”.

Theo thông tin từ Sở Nội vụ, từ năm 2013 đến nay, có 313 sinh viên nộp hồ sơ xin việc làm trong tỉnh. Trong khi chờ đợi bố trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp trong tỉnh Tây Ninh, có khoảng 200 sinh viên đã tự tìm việc làm hoặc làm việc trái ngành, nghề. Còn lại khoảng 100 sinh viên thất nghiệp.

Trong khi đó, năm 2013, có 5 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh có nhu cầu về nhân lực lao động, đã đến Sở Nội vụ mượn 99 hồ sơ sinh viên về nghiên cứu. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị này đều không chọn được hồ sơ nào phù hợp theo yêu cầu. 

Tìm cách giải quyết

Trước thực trạng có hàng trăm sinh viên chưa tìm được việc làm, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các sở Nội vụ, LĐ-TB&XH, Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh đoàn, Ban quản lý Các khu công nghiệp Tây Ninh cùng phối hợp tổ chức để tìm “đầu ra” cho sinh viên.

Vừa qua, tại Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời đã diễn ra hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm với sự tham gia của hơn 300 sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm hoặc các em đang học ở các trường trung học, trung cấp nghề trong tỉnh.

Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ cùng lãnh đạo các sở liên quan đến theo dõi. Tại hội nghị này, ông Nguyễn Văn Quê, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Trong những năm qua, Sở đã tiếp nhận và giới thiệu việc làm cho 3 thạc sĩ, 100 sinh viên. Hiện nay, các cơ quan Nhà nước ở tỉnh không còn biên chế nữa và trước mắt cũng không được giao biên chế”.

Việc làm “trong biên chế Nhà nước” là vậy, còn trong khu vực sản xuất kinh doanh thì sao? Ông Phạm Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Tây Ninh cho biết: “Hiện nay, trong tỉnh có 19 doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 11.000 lao động.

Cụ thể, lao động chưa qua đào tạo hơn 10.000 người, lao động đã qua đào tạo hơn 1.000 người. Trong đó, lao động có trình độ đại học trở lên 228 người, lao động có trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp 274 người, lao động có trình độ trung cấp, sơ cấp 524 người. Dự kiến, năm 2015, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 10.000 người lao động”.

Đông đảo thanh niên, sinh viên tham dự hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm tại KCN Phước Đông - Bời Lời.

Hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, các công ty TNHH Gain Lucky Việt Nam, Sailun Việt Nam, Brotex Việt Nam và Pouli Việt Nam đang hoạt động trong Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời lần lượt giới thiệu với các sinh viên về nhu cầu tuyển dụng, điều kiện học tập, lao động, ăn, ở, sinh hoạt, mức thu nhập v.v...

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho biết: “Chủ trương chung của Chính phủ là từ nay đến năm 2016, các cơ quan Nhà nước không nhận thêm cán bộ công chức nữa. Từ năm 2016 trở đi, tỉnh chờ chủ trương mới của Chính phủ. Vì vậy, hiện tại, các sinh viên đừng trông chờ xin vào làm việc trong cơ quan Nhà nước mà hãy tìm việc làm ở các khu công nghiệp”.

Kết thúc hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, có khoảng 200 sinh viên đã đăng ký vào làm việc ở các công ty đang hoạt động trong Khu công nghiệp Phước Đông. Gặp lại Lê Thanh Việt, cô “cử nhân bán thịt heo” này vui mừng cho biết: “Em đã ghi tên mình vào danh sách tuyển dụng của Công ty TNHH Brotex Việt Nam.

Công ty này đã đồng ý nhận em vào làm nhân viên thủ kho, với mức lương 3,2 triệu đồng/tháng. Công ty cũng thông báo thêm, hiện nay công ty đang có nhu cầu tuyển dụng công nhân có trình độ cao. Nếu ai chấp nhận thì sẽ được đưa sang Trung Quốc học chuyên môn 6 tháng.

Mọi chi phí ăn, ở, đi lại đều được Công ty chi trả. Nhưng sau khi học xong, mỗi người phải về ký hợp đồng lao động với Công ty trong thời gian ít nhất là 3 năm. Em thích được sang Trung Quốc học để nâng cao chuyên môn hơn, nhưng chưa biết sao, vì còn phải về nhà… thuyết phục ba mẹ em nữa”.

Bạn Võ Minh Quang vui mừng nói với chúng tôi: “Em đã nộp đơn vào Ban Quản lý Khu công nghiệp. Chưa biết em có được nhận vào làm việc hay không, nhưng ít ra thì cũng có hy vọng. Em chỉ mong được nhận vào làm để có thêm kinh nghiệm thực tế”.

Không chỉ có những sinh viên thất nghiệp tìm được hy vọng mà nhiều em đang học ở các trường trung cấp cũng tìm thấy niềm vui. Em Nguyễn Đức Tài, đang học Khoa Sửa chữa ô tô- Trường trung cấp Nghề Tây Ninh bộc bạch: “Em thấy buổi tư vấn, giới thiệu việc làm này có nhiều ích lợi đối với em. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ vào đây xin việc làm. Nếu không tìm được việc làm đúng ngành nghề mình đã học, em chấp nhận đào tạo lại”.

Còn nhiều băn khoăn

Để có được một tấm bằng đại học, cao đẳng trong tay, các sinh viên và gia đình đã phải trải qua biết bao gian khó và tốn kém tiền bạc. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải tốn chi phí để xây dựng các trường đại học, cao đẳng, mua sắm cơ sở vật chất và chi không ít tiền bạc để trả lương cho lực lượng giảng viên, nhân viên.

Thế nhưng, sau khi học xong, hầu hết đội ngũ tri thức trẻ lại không có việc làm. Đây quả là một sự lãng phí tài lực, nhân lực rất lớn của đất nước. Trong khi đó, các khu công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhưng nhiều bạn trẻ khó chấp nhận sau khi học đại học xong lại đi làm công nhân hoặc chấp nhận đào tạo lại.

Để giải quyết thoả đáng thực trạng này, tỉnh Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung, cần có một chiến lược đào tạo và sử dụng nhân lực thống nhất, khoa học, phù hợp với thực tế để không lãng phí chất xám và tiền bạc, nhất là với thế hệ trẻ hiện nay.

Trương Dương

Text Box: Theo bản tin cập nhật thị trường lao động, do Bộ LĐ-TB&XH và  Tổng cục Thống kê công bố: trong quý IV.2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp (tăng 48.000 người so với cùng kỳ năm 2012) và hơn 1,2 triệu lao động trong độ tuổi lao động thiếu việc làm. Đặc biệt, nhóm thanh niên từ 20- 24 tuổi, tốt nghiệp cao đẳng và đại học trở lên (sinh viên mới ra trường), có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 20,75%.

 

 


Liên kết hữu ích