Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bài toán lúa gạo cho Việt Nam
Thứ bảy: 10:36 ngày 25/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Xuất khẩu gạo lại tiếp tục lập kỷ lục mới, khi chỉ trong 11 tháng của năm nay, kim ngạch xuất khẩu đã vượt hơn 4 tỉ USD. Đây là mức cao nhất sau 34 năm nước ta quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo thế giới.

Cánh đồng lúa ở Bạc Liêu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cánh đồng lúa ở Bạc Liêu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Gạo Việt đã vượt qua gạo Thái, đang có giá bán cao nhất. Xuất khẩu gạo không chỉ tăng trưởng về lượng mà còn tăng giá trị, giá bán. 

Quyền thương lượng đã chuyển từ người mua gạo sang người bán khi ta đang nắm giữ nguồn cung khan hiếm. Hạt gạo Việt đang tạo ra bước chuyển mới từ lượng sang chất, từ nền sản xuất lúa gạo sang kinh tế lúa gạo.

Nhưng kỳ tích lúa gạo đã qua và vinh quang trong hiện tại không phải là một đảm bảo chắc chắn cho thành công mới trong tương lai. Xuất khẩu gạo giá cao, nhưng doanh nghiệp kinh doanh lương thực cũng đứng trước nhiều thách thức. Trúng mùa, được giá, nhưng người trồng lúa vẫn chưa giàu. 

Những bất cập trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo từ đầu vào, tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ có được tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn đã được nhận diện, phân tích qua nhiều nghiên cứu từ thực tiễn.

Nhiều câu hỏi vẫn đang đặt ra: Hệ điều hành nào cho ngành hàng lúa gạo? Lời giải nào cho bài toán chi phí - lợi ích để người trồng lúa thực sự có lãi cao và làm giàu? 

Cần sự tiếp cận đa ngành, sự phối hợp liên ngành, trong đó phải tăng cường liên kết thực chất với định hướng vùng nguyên liệu 1 triệu ha lúa chất lượng cao để có quy mô sản xuất lớn hơn, tổ chức sản xuất và đòi hỏi nông dân phải có trình độ chuyên môn, chuyên nghiệp đang mở ra phía trước cần tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn thiện.

Trong điều kiện hiện nay và chắc chắn sẽ còn lâu hơn nữa, an ninh lương thực không chỉ là vấn đề của mỗi quốc gia mà mang tính toàn cầu. 

Vấn đề này cần được tiếp cận và giải quyết hài hòa trên ba phương diện, không chỉ là nhu cầu dinh dưỡng, không để xảy ra thiếu đói, mà còn phải hài hòa lợi ích kinh tế, sinh kế của người dân và hài hòa xã hội, tránh tạo ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận lương thực của người dân, lợi ích chính đáng của người trồng lúa.

Trong khi phấn khởi trước tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, cũng không quên định hướng lâu dài, yêu cầu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL theo nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ là từ "lúa gạo, trái cây, thủy sản" sang "thủy sản, trái cây, lúa gạo" đã được định rõ. 

Tư duy đó không hạ thấp vai trò lúa gạo mà đòi hỏi nâng cao giá trị, chuyển đổi từ trọng cung sang trọng cầu, từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp là chủ đạo. Cần kiên trì với cuộc chuyển đổi từ "chén cơm đầy đến chén cơm ngon".

Trồng lúa chỉ nên xem là một lĩnh vực trong bức tranh tổng thể của ngành nông nghiệp và chiến lược phát triển nông thôn, dịch vụ phi nông nghiệp. 

Chúng ta cần là nền sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ tốt hơn và quản lý phù hợp, kết hợp chế biến sâu, phát triển các ngành công nghiệp sau gạo, thương hiệu hóa sản phẩm... chắc chắn ngành hàng lúa gạo có giá trị gia tăng gấp nhiều lần.

Nông dân đang cần tập hợp lại cùng với các doanh nghiệp đủ mạnh phát triển sản xuất theo các chuỗi giá trị được quản lý từ đầu vào đến đầu ra. Vị thế của một cường quốc số 1 thế giới về xuất khẩu không phải không cần, nhưng quan trọng hơn là những giá trị mà nó mang lại.

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh