Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bài toán quản lý tài sản số
Thứ hai: 10:56 ngày 14/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Những tiến bộ của công nghệ chuỗi khối (blockchain) thời gian qua đã mở ra tiềm năng cung cấp các ứng dụng kinh doanh đa mục đích, cũng như kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các tài sản số. Và việc quản lý tài sản số đang đặt ra khá nhiều thách thức cho các nhà quản lý trên thế giới.

Rủi ro lớn

Theo dự đoán của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đến năm 2025, 10% GDP của thế giới sẽ nằm trong công nghệ blockchain. Trong khi đó, theo tính toán của Hội đồng Ổn định tài chính quốc tế (FSB), đầu năm 2022, vốn hóa của thị trường tài sản số (chủ yếu là tiền điện tử) là 2,6 ngàn tỷ USD.

Sau khi sàn giao dịch tiền điện tử FTX từng có giá trị tới 32 tỷ USD bất ngờ sụp đổ vào năm 2022, đầu năm nay, các cơ quan quản lý tài chính Mỹ đã cảnh báo về tài sản số và rủi ro hiện nay đối với các ngân hàng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang và Văn phòng Kiểm soát tiền tệ nhấn mạnh, năm 2022 đã ghi nhận xu hướng biến động mạnh và tình trạng dễ bị tổn thương trong lĩnh vực tài sản số.

Do đó, các tổ chức ngân hàng cần nắm được những rủi ro như gian lận, lừa đảo và thông tin sai lệch. Các cơ quan này cũng cảnh báo về biến động lớn trong các thị trường tài sản số và nguy cơ lan rộng trong lĩnh vực này do sự liên kết giữa các bên thông qua hoạt động cho vay, đầu tư, gây quỹ không minh bạch.

Tiền điện tử chiếm đa số thị trường tài sản số.

Một báo cáo của Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ cho biết, tính từ năm 2021 đến nay, những kẻ lừa đảo tiền điện tử đã thực hiện nhiều vụ tấn công và đánh cắp số tiền điện tử trị giá hơn 1 tỷ USD của hơn 46.000 người tại Mỹ, cao gấp 60 lần so với năm 2018.

Trên thế giới, tháng 4 vừa qua, sàn giao dịch tiền kỹ thuật số GDAC của Hàn Quốc thông báo tin tặc đã đánh cắp lượng tiền kỹ thuật số trị giá 15 triệu USD từ sàn giao dịch này. Vụ tấn công mạng dẫn tới việc chuyển các tài sản kỹ thuật số, bao gồm hơn 60 bitcoin và 350 ethereum cho các ví chưa xác định. Lượng tiền kỹ thuật số bị đánh cắp chiếm khoảng 23% tổng tài sản mà GDAC đang quản lý…

Thắt chặt kiểm soát

Quốc hội El Salvador đầu năm nay đã thông qua luật tài sản kỹ thuật số nhằm bảo vệ hợp pháp các giao dịch, hoạt động phát hành nợ liên quan đến tiền điện tử. El Salvador là nước đầu tiên trên thế giới chấp nhận bitcoin như một đồng tiền hợp pháp hồi tháng 9-2021 và đưa vào sử dụng đồng tiền này cùng với đồng USD, vốn được chấp nhận là đồng tiền của nước này từ năm 2001.

Trong khi đó, tại Mỹ, tháng 3-2022, Sắc lệnh về đảm bảo phát triển tài sản kỹ thuật số có trách nhiệm đã được Tổng thống Joe Biden ban hành. Tổng thống Mỹ cũng xem xét việc đề nghị quốc hội nước này sửa đổi Đạo luật Bảo mật ngân hàng (BSA) của Mỹ nhằm điều chỉnh hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ tài sản kỹ thuật số, trong đó có các sàn giao dịch tiền điện tử và nền tảng tài sản kỹ thuật số sử dụng công nghệ blockchain.

Bộ Tư pháp Mỹ thì cho biết đang thành lập Mạng lưới Điều phối viên tài sản kỹ thuật số (DAC) trên toàn quốc nhằm tăng cường nỗ lực điều tra, khởi tố tội phạm liên quan đến tài sản kỹ thuật số.

Tháng 4 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua đạo luật thị trường tiền điện tử (MiCA), đưa châu Âu trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới có đạo luật toàn diện về tiền kỹ thuật số. MiCA sẽ có hiệu lực từ năm 2024.

Ở châu Á, Hàn Quốc đã cho thành lập một đơn vị điều tra liên ngành chống tội phạm liên quan đến tiền kỹ thuật số. Trong khi đó, Hiệp hội giao dịch tài sản điện tử Hàn Quốc (DAXA) triển khai hệ thống cảnh báo người dùng về những bất thường trong giao dịch tiền kỹ thuật số tại nước này.

Hệ thống trên sẽ gửi đi các tin nhắn cảnh báo khi có những hiện tượng sau: giá tiền kỹ thuật số tăng/giảm đột ngột trong 24 giờ trước đó, lượng giao dịch tăng đột ngột trong 10 ngày, lượng tiền gửi tăng trong 10 ngày, những chênh lệch đáng kể giữa giá tiền thực và trần giá trên thị trường, cũng như gửi thông báo tới các tài khoản có nhiều giao dịch.

Tài sản số là các loại tài sản vật lý hoặc phi vật lý được thể hiện dưới dạng số hóa và lưu trữ trên các hệ thống máy tính hoặc internet. Các loại tài sản số bao gồm tài liệu, hình ảnh, video, âm thanh, sách điện tử, phần mềm, tiền điện tử...

Nguồn sggp

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh