BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bám nghề trên sông Vàm Cỏ

Cập nhật ngày: 17/02/2014 - 05:52

Anh Chưởng chở cá mồi vừa mua được về bè.

Ghé quán cà phê Sông Đông dưới chân cầu Bến Sỏi, chợt thấy một ngư dân đang chất những chiếc túi nilon chứa đầy những con cá nhỏ lên ghe. Thấy lạ, tôi hỏi dò, anh bảo đó là cá mồi anh đặt mua từ thương lái mang về làm thức ăn cho cá lóc, cá thát lát mà anh nuôi trên lồng bè. Tranh thủ đợi thương lái đưa thêm cá mồi tới, tôi mời anh uống nước rồi tiện thể trò chuyện.

Anh cho biết, anh tên Nguyễn Văn Chưởng, sinh năm 1985, làm nghề nuôi cá lồng bè trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua địa phận ấp Xóm Mới 1, xã Trí Bình. Chỉ tay về phía những ngôi nhà ở hai bên bờ sông, nơi có những cái lồng nhỏ hay những tấm lưới, bốn bên giăng cao so với mặt nước được buộc vào 4 cái cọc tre cắm chặt xuống lòng sông, anh bảo đó cũng là những nuôi cá, nhưng chỉ nuôi nhỏ lẻ. Còn nhà anh nuôi bè nổi với quy mô lớn hơn. Tưởng anh “nổ”, nhưng khi thấy anh mua số lượng cá mồi hơn 2 triệu đồng, tôi mới tin. Tôi xin được ghé qua bè cá chơi, anh đồng ý và chỉ đường cho tôi đi theo đường bộ đến nhà rồi lên ghe nổ máy vọt ra mé sông.

Chiếc bè cá của anh Chưởng có khung làm bằng tre và gắn trên những chiếc phuy dầu kim loại. Xung quanh bè mới được anh gia cố bằng thép vê.

 Vợ chồng anh Chưởng xay và cắt cá làm mồi cho cá nuôi trong bè.

Chiếc bè có diện tích khá lớn, được chia là nhiều ô nhỏ, bên dưới là những mảnh lưới được thả chìm với độ sâu vừa đủ để lưới không chạm đáy sông. Anh nói chia nhiều ô nhỏ như vậy là để nuôi cá nhiều lứa, có thể bán từng đợt và nuôi quanh năm. Gia đình anh nuôi cá lồng bè trên đoạn sông này đã hơn 10 năm, sống trên căn nhà dựng ven bờ, ba anh làm nghề chài lưới, còn má thì mang cá đi bán ở chợ. Cách đây 5 năm, anh và em trai tên Khanh cưới vợ, ra riêng nhưng vẫn theo nghề nuôi cá bè. Bè cá là “cần câu cơm” của cả gia đình, những chiếc lồng ở giữa là của anh, hai bên là của ba mẹ và em trai.

Anh Chưởng cho biết thêm, trước đây người nuôi cá bè hai bên bờ sông nhiều lắm, từ bè lớn bè nhỏ cho tới những nhà giăng lưới nuôi nhỏ lẻ như chỗ gần cầu Bến Sỏi. Người ta nuôi đủ loại cá, từ cá bống, cá hường, điêu hồng, cá lăng cho tới cá thát lát, cá lóc…

Thế nhưng, những năm gần đây, nguồn nước ô nhiễm, hàng chục người nuôi cá lồng bè phá sản, bán bè bỏ nghề, có người còn bỏ xứ mà đi do vỡ nợ. Nhà anh nuôi cá lóc và cá thát lát – loại cá có sức chịu đựng cao nên còn bám trụ được cho tới bây giờ.

Chợt thấy mấy con cá lóc bị tróc vẩy đầy mình, lộ rõ những miếng thịt sần sùi, trắng bệch, bơi thoi thóp trên mặt nước. Tôi hỏi anh số cá này bị bệnh gì vậy, anh Chưởng cho biết, chúng bị ghẻ. Cá lóc là loại cá có sức sống bền, vừa có thể thở bằng mang vừa có thể ngoi lên mặt nước lấy oxy, lại ăn tạp. Khả năng sinh tồn của cá lóc cao như vậy mà còn phát ghẻ do nước bị ô nhiễm, huống chi là những loại khác.

Anh Chưởng cho cá trong bè ăn.

Cách đây 3 năm, cá lóc có giá, nên cứ khoảng từ 4 đến 6 tháng, mỗi tấn cá bán còn cho lãi hơn 15 triệu đồng. Mỗi năm, anh Chưởng nuôi được từ 18 tới 20 tấn cá. Thế nhưng từ 2 năm trở lại nay, nuôi cá gặp khó khăn, số lượng cá chết do ô nhiễm nguồn nước nhiều, giá cá lại thấp nên huề vốn là may mắn lắm rồi. Hồi trong tết, anh xuất được 8 tấn cá, nhưng mỗi tấn cá chỉ lãi được hơn 2 triệu. Cá lóc ăn tạp và ăn rất khỏe nên rất tốn cá mồi, trong khi mỗi ký cá mồi trung bình anh mua tới 7 ngàn đồng, mỗi ngày tốn hàng chục ký.

Hàng ngày, anh Chưởng vẫn làm nghề chài lưới. Được cá lớn, vợ anh mang ra chợ bán, còn cá nhỏ thì làm mồi nuôi cá. Cứ chiều về, anh vẫn ra chân cầu Bến Sỏi lấy cá từ thương lái thu gom về, cá mồi là các loại cá nhỏ như cá rô, cá chớp, cá thia lai… mang về ướp đá dự trữ làm mồi cho cá lóc, cá thát lát.

“Đã chọn nghề nuôi cá bè mưu sinh nên phải bám trụ với nó thôi em à, lỗ cũng đành chịu vì nếu từ bỏ thì cũng chẳng biết làm gì nữa, mong rằng nước sông không bị ô nhiễm, lục bình không còn, cá mồi nhiều may ra còn có thể sống được với nghề lâu dài” - Anh Chưởng nói.

DƯƠNG ĐÌNH