Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ban cơ yếu Chính phủ: Tuyên truyền, phổ biến quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ
Thứ bảy: 08:54 ngày 30/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 29.11.2024, Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 68/2024/NĐ-CP ngày 25.6.2024 của Chính phủ quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh có bà Vũ Ngọc Hà - Phó Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ; đại diện lãnh đạo và cán bộ, chuyên viên các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh uỷ; các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ và Đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ, Báo Tây Ninh và Trường Chính trị tỉnh.

Tại Hội nghị, ông Hoàng Văn Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin triển khai Nghị định số 68/2024/NĐ-CP nêu rõ: “Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; việc chuyển đổi số, được xác định là nội dung quan trọng trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược của đất nước. Nhiều Nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, trong đó giao Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước, phát triển, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ (chuyên dùng Chính phủ)”.

Theo ông Thuỷ, Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 5.3.2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, xác định mục tiêu đến năm 2025, bảo đảm cán bộ, công chức được sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và mục tiêu đến năm 2030, phát triển, mở rộng hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tiên tiến, hiện đại.

Từ năm 2007 đến nay, Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý, triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ cấu tổ chức; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; thiết lập, vận hành, phát triển hạ tầng kỹ thuật; nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ; bảo đảm cung cấp dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật và kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ trên phạm vi toàn quốc.

Chứng thư chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ được các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị ứng dụng hiệu quả trong thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch, góp phần tích cực trong cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ còn nảy sinh một số vấn đề bất cập, một số yêu cầu mới từ thực tiễn chưa quy định tại văn bản, nổi lên là: Nghị định số 130/2018/NĐ-CP đã quy định về trình tự, thủ tục cấp mới, gia hạn, thay đổi nội dung thông tin, thu hồi chứng thư số và khôi phục thiết bị lưu khoá bí mật; trong khi mẫu biểu, hồ sơ thực hiện được quy định tại Thông tư số 185/2019/TT-BQP, dẫn đến công tác triển khai còn khó khăn, thiếu đồng bộ. Việc phân cấp, phân quyền trong hoạt động cung cấp, quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ cần được quan tâm, đẩy mạnh, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu về sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc hệ thống chính trị…

Nghị định số 68/2024/NĐ-CP ngày 25.6.2024 của Chính phủ gồm 6 Chương, 43 Điều và Phụ lục, quy định chi tiết về dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; việc cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ, chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Một số điểm nổi bật, đáng chú ý như: Thứ nhất, về phạm vi, đối tượng áp dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ; Thứ hai, về việc uỷ quyền, phân cấp một số dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; Thứ ba, về việc đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong triển khai và sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ; Thứ tư, về việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ phát hành, kiểm tra Hộ chiếu và thẻ Căn cước có gắn chíp điện tử; Thứ năm, về công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Nghị định số 68/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15.8.2024.

Kết thúc hội nghị, ông Hoàng Văn Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin nhấn mạnh: “Sau hội nghị này, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tham gia, đóng góp ý kiến tích cực từ các bộ, ban, ngành, địa phương, các chuyên gia, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan để Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách về cơ yếu và chữ ký số chuyên dùng công vụ”.

Hồng Nguyễn

Tin cùng chuyên mục