Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
“Tất nhiên, cây tràm tự mọc phân tán trên bờ kênh thuộc đất công thì đó là tài sản công. Do vậy, đối với số cây đã thu hồi, UBND xã sẽ xin chủ trương cấp trên để đưa ra bán đấu giá, nộp tiền vào ngân sách Nhà nước. Bà Ngọc không được tiếp tục khai thác số cây còn lại trên bờ kênh.
Số cây tràm bị thu hồi đang để tại trụ sở UBND xã Long Phước.
Ngày 10.9.2022, Báo Tây Ninh có đăng bài “UBND xã Long Phước (huyện Bến Cầu): Đang xem xét hướng xử lý việc bà Lê Thị Ngọc bán cây tràm trên bờ kênh”, nêu vụ việc bà Lê Thị Ngọc bán đám cây tràm trên bờ kênh tiêu Long Phước cho thương lái với giá 145 triệu đồng. Trong lúc nhân công đang cưa hạ cây tràm, Công an xã Long Phước đến ngăn cản và yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, đồng thời thu giữ số cây đã bị cưa đem về để tại trụ sở UBND xã chờ xử lý.
Thương lái mua cây thấy vậy buộc bà Ngọc phải trả lại số tiền 145 triệu đồng. Sau đó, bà Ngọc gửi đơn đến UBND huyện Bến Cầu và UBND xã Long Phước với mong muốn được chính quyền xem xét trả lại số cây đã khai thác, mặt khác, để cho bà tiếp tục khai thác hết số cây còn lại.
Bà Ngọc cho rằng, cây tràm có phần tự mọc, cũng có phần do bà trồng bổ sung thêm, bỏ công trông coi và chăm sóc. Việc khai thác cây trồng lâu năm trên bờ kênh tiêu đoạn ngang qua đất của gia đình bà đã có tiền lệ từ đời cha của bà, nhưng chính quyền địa phương đều không có ý kiến. Nay đến đời bà Ngọc khai thác cây thì xảy ra sự việc như trên. Trong khi, chính quyền địa phương chưa lắp đặt bảng cấm khai thác cây tại kênh này, cũng chưa thông báo cho bà Ngọc biết trước về việc không được tiếp tục khai thác cây trên bờ kênh.
Theo biên bản kiểm tra, xác định số cây bị thiệt hại trên bờ kênh tiêu Long Phước được lập vào ngày 4.4.2022: có 419 cây keo lai bị cưa hạ, cây có độ tuổi từ 4 đến 5 năm, đường kính trung bình khoảng 13cm, chiều cao khoảng 8m, với tổng số khối lượng gỗ là 41,9m3. UBND xã Long Phước xác định, số cây này tự mọc phân tán trên bờ kênh tiêu Long Phước, nằm ngoài phạm vi bà Lê Thị Ngọc được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, thuộc phạm vi đất công do Nhà nước quản lý.
Về hướng xử lý đối với vụ việc trên, qua trao đổi với ông Ngô Thanh Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước, ông Tùng cho biết: Trước đây, việc quản lý cây lâu năm trên các tuyến kênh chưa chặt chẽ. Từ khi bản đồ địa chính được sử dụng theo hệ toạ độ VN-2000, giấy chứng nhận QSDĐ được cấp theo bản đồ này đã phân biệt rõ phạm vi đất thuộc bờ kênh, theo đó, việc quản lý cây lâu năm mọc trên bờ kênh được Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn.
Cũng theo ông Tùng, UBND xã Long Phước đã mời các cơ quan chức năng liên quan họp bàn và thống nhất hướng giải quyết đối với vụ việc của bà Ngọc. Cụ thể, do tại thời điểm bà Ngọc bán cây, bờ kênh tiêu Long Phước chưa được lắp đặt bảng tuyên truyền về việc người dân không được khai thác cây trên bờ kênh; chính quyền địa phương cũng chưa làm việc trước với bà Ngọc về nội dung cho cam kết không được cắt cây trên bờ kênh; bà Ngọc cũng chỉ cắt được một phần diện tích cây tràm (trị giá khoảng 23 triệu đồng), nên cuộc họp thống nhất không xử lý hành vi khai thác cây trên bờ kênh đối với bà Lê Thị Ngọc.
“Tất nhiên, cây tràm tự mọc phân tán trên bờ kênh thuộc đất công thì đó là tài sản công. Do vậy, đối với số cây đã thu hồi, UBND xã sẽ xin chủ trương cấp trên để đưa ra bán đấu giá, nộp tiền vào ngân sách Nhà nước. Bà Ngọc không được tiếp tục khai thác số cây còn lại trên bờ kênh.
Sắp tới, UBND xã Long Phước sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung này, tiến hành làm việc với các hộ dân có đất giáp bờ kênh, theo hướng cam kết không được khai thác cây lâu năm và trồng hoa màu trên bờ kênh. Trường hợp nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp pháp luật”- ông Tùng cho hay.
Quốc Sơn