BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bạn đọc viết: Cần chú ý đến “rác thuỷ tinh” để bảo vệ môi trường!

Cập nhật ngày: 25/03/2010 - 07:36

Hiện nay, vấn đề môi trường đang được cả thế giới quan tâm. Ở tỉnh ta, việc bảo vệ môi trường đang được các ngành chức năng, các địa phương quan tâm thực hiện. Bản thân tôi và gia đình tôi cũng tuân thủ theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, là một nông dân, tôi thấy có điều băn khoăn.

Vứt vỏ chai thuỷ tinh bừa bãi sẽ gây nguy hiểm cho con người và môi trường

Nhà tôi làm nông, trồng lúa và hoa màu nên thường sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Có nhiều loại thuốc được chứa trong chai thuỷ tinh. Cách đây khoảng 5 năm, vỏ chai này có thể bán được dù giá rất rẻ. Nhưng gần đây không ai mua vỏ chai nữa. Do đó, nhiều người sử dụng xong là quăng vỏ chai xuống mương, rạch hoặc kênh. Làm vậy vừa gây ô nhiễm môi trường (bởi chất độc còn trong chai sẽ phát tán ra môi trường nước), vừa nguy hiểm. Tôi thấy có những nông dân trong lúc làm ruộng, vô tình giẫm phải miểng chai thuốc trừ sâu, mất cả tháng trời mới lành vết thương. Do đó, gia đình tôi không đem vứt vỏ chai chứa thuốc gây nguy hiểm môi trường, mà gom lại một chỗ, cùng với những vỏ chai thuỷ tinh khác như chai thuốc bắc, chai đựng rượu, hủ chao… Dần dần, đống vỏ chai này ngày một to đùng.

Do nhà ở nông thôn nên tôi không thể đem bỏ vào thùng rác như ở đô thị, mà cũng không thể tiêu huỷ bằng cách đốt như đối với bọc ni-lông. Có lúc tôi định đem vào rừng vứt bỏ nhưng sợ người khác giẫm phải nên lại thôi.

Có lần đi ngang qua cầu Lâm Vồ (xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh), tôi thấy một đống mảnh kiếng to đùng ven suối. Trời mưa, nước làm xói mòn bờ suối, cuốn theo vô số mảnh kiếng. Một lần khác, từ ngã ba Mít Một (xã Hiệp Tân, Hoà Thành) đi về hướng cầu Nổi, tôi lại thấy một đống mảnh kiếng vụn to tướng nằm ở ven đường, chỗ mấy lùm cây ven đám ruộng. Tôi nghĩ, giá như các cơ sở thu mua phế liệu mua mảnh kiếng, vỏ chai thuỷ tinh thì có lẽ người ta không đem vứt bừa bãi như thế.

Thiết nghĩ, Nhà nước cần có quy định về việc hạn chế sử dụng vỏ chai thuỷ tinh mà thay bằng vỏ chai nhựa sẽ dễ tiêu huỷ hơn để bảo vệ môi trường. Mặt khác, Nhà nước có thể “trợ giá” cho các đơn vị mua gom phế liệu mua vỏ chai thuỷ tinh, mảnh kiếng vụn… đem về tái chế sẽ hạn chế được mối nguy cho con người và môi trường.

NGUYỄN THỊ HÀI

(Xã Hoà Hội, Châu Thành)