BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bạn đọc viết: Làm đường, phải chú ý hiệu quả sử dụng và mỹ quan đô thị!

Cập nhật ngày: 18/02/2010 - 05:58

Nhiều năm qua, đoạn đường 781 của liên tỉnh lộ 13 từ cửa Hoà Viện (Toà Thánh Tây Ninh) đến cầu kênh 13 (ngã rẽ về Trảng Bàng) bị xuống cấp rất trầm trọng, mặt đường nhiều nơi loang lỗ dẫn đến hiện trạng nắng thì đầy bụi, mưa thì lầy lội… Năm 2008, tỉnh có hợp đồng với Công ty TNHH xây dựng cầu đường Đắc Hạ để thực hiện thi công mặt đường tráng nhựa, thông báo dự kiến hoàn thành vào ngày 30.10.2009, người dân thuộc xã Bàu Năng (DMC) vô cùng phấn khởi. Công trình được tiến hành trên 1 năm qua đến nay chỉ mới đạt khoảng 70% so với kế hoạch. Tiến độ chậm có lẽ phần lớn do ảnh hưởng việc đào đường ống thoát nước hố ga phải tránh các trụ cột và đường dây điện, cáp ngầm đã lắp sẵn trước đây. Chúng tôi nhận thấy về mặt giám sát công trình cũng như Công ty Đắc Hạ đều thể hiện sự hợp tác chặt chẽ và có tinh thần trách nhiệm cao, các công đoạn thi công đều đạt chất lượng tốt, riêng về mặt thẩm mỹ đa số người dân rất hài lòng về độ dốc của biên lề (vừa đẹp và các xe có thể lên xuống vào nhà rất dễ dàng). Chúng tôi thấy một số tuyến đường ở thị xã Tây Ninh và huyện Hoà Thành do biên lề thẳng đứng và cao dẫn đến tình trạng bị đục phá hoặc tô thêm độ dốc làm chắn rãnh thoát nước, còn vỉa hè thì mạnh ai nấy làm, mất mỹ quan đô thị.

Chúng tôi có dịp đi tham quan nhiều nơi, thấy đường phố nhiều tỉnh rất khang trang, xin góp ý với cơ quan chức năng nghiên cứu để khi có kế hoạch thực hiện các con đường trung tâm thị tứ cần phải lưu tâm đến một số vấn đề sau:

Vỉa hè ở đường Lê Lợi (Thị xã)

Về mặt lề đường: Con đường có kế hoạch làm hoàn chỉnh thì phải tạo cho con đường có vỉa hè thông thoáng và đẹp nhằm thể hiện nếp sống văn minh, điển hình như tuyến đường Hùng Vương ở huyện Hoà Thành (từ cua Lý Bơ đến chợ Long Hoa) có vỉa hè lát gạch (do ngân sách Nhà nước chi) trông rất thông thoáng và hoàn hảo. Chúng tôi thấy nên rút kinh nghiệm của các tỉnh bạn. Cụ thể như Cần Thơ là một thành phố lớn nhưng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, khi làm con đường họ bàn bạc kêu gọi mỗi gia đình chỉ đóng góp khoản tiền mua gạch lát vỉa hè trước sân nhà để chủ đầu tư mua gạch cùng chủng loại và mẫu mã, đội thi công chịu trách nhiệm lát đồng loạt theo quy cách có độ dốc 1 phân/mét. Chúng tôi thiết nghĩ rằng riêng tuyến đường 781 tuy là liên tỉnh lộ nhưng giáp với đường CMT8 và là đầu ngõ ra vào thị xã Tây Ninh và huyện Hoà Thành, đa số hộ gia đình khá giả và rất nhiều cơ sở kinh doanh, nếu bàn bạc việc đóng góp làm vỉa hè lát gạch sẽ được dân tán thành ủng hộ.

Về đường có dải phân cách 2 chiều: Theo quy cách trên trục quốc lộ có lưu lượng xe trọng tải nặng thường xuyên qua lại, xe chạy có tốc độ cao thì phải tạo dải phân cách hai chiều có bệ bê- tông chắn giữa để nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Còn ở trong Thị xã, thị trấn có mặt đường rộng cũng tạo dải phân cách hai chiều, có nơi thì xây hộc trồng cỏ và cây kiểng, có nơi làm dải trụ inox hoặc sắt chắn dọc giữa lộ. Mục đích là tạo vẻ mỹ quan. Chúng tôi thấy đường 30.4 của thị xã Tây Ninh rất đẹp. Đường ở dưới cầu Củ Chi đi Bình Dương làm dải phân cách bằng trụ inox cũng vừa đẹp lại vừa trang trọng. Nếu có làm dải phân cách thì trụ điện đặt ở giữa, vừa đẹp vừa đỡ tốn kém điện. Ở Tây Ninh tuyến đường đi vào núi Bà Đen thuộc thị xã Tây Ninh, có đoạn đặt dải phân cách bằng bệ bê-tông trông rất thô kệch, kém mỹ quan, nên sớm thay đổi. Riêng đường 781 được nối dài với đường CMT8 (thị xã Tây Ninh), chúng tôi đề nghị có thể làm giống như đường CMT8 hoặc dải trụ inox ngăn cách để tạo thêm sự hấp dẫn khách thập phương. Khi làm dải phân cách thì khoảng 100m nên có khoảng cách để người dân vùng đông dân cư có lối băng ngang đường.

PhưỢng Hoàng

(1519 ấp Ninh Thuận, Bàu Năng, DMC)