Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh nhiều lần nhấn mạnh, những người được giao nhiệm vụ, có chức trách, quyền hạn phải tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, không kêu ca.
Chiều 21.8, đoàn công tác của Tỉnh ủy do Bí thư Phạm Viết Thanh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT về một số vấn đề của ngành này.
Cùng tham dự buổi làm việc có Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Thị Điệp, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và đại diện nhiều cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành liên quan.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Sau báo cáo do Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Thị Lệ trình bày, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh phát biểu, những gì đã thực hiện tốt trong năm học vừa qua thì không bàn nữa, vấn đề nào còn khó khăn, vướng mắc phải tập trung tháo gỡ. “Chúng ta tìm giải pháp để giải quyết, tháo gỡ vấn đề, không kêu ca”- Bí thư Tỉnh ủy lưu ý cán bộ ngành Giáo dục, Nội vụ.
Một vấn đề được Bí thư Tỉnh ủy quan tâm là tuyển dụng bổ sung giáo viên cho các cấp, bậc học, trong đó có bậc học mầm non. “Ngày 5.9 bắt đầu năm học mới nhưng đến hôm nay chỉ có 4 huyện gửi kế hoạch tuyển dụng giáo viên về Sở GD&ĐT. Tôi cho rằng ở đây có vấn đề về thủ tục hành chính. Chúng ta cứ nói lấy học sinh làm trung tâm nhưng thực sự đã đúng như thế chưa”- Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh nêu.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, việc các địa phương chậm triển khai tuyển dụng giáo viên nói chung, giáo viên mầm non nói riêng, là điều lẽ ra không nên có. Lý do, sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ nhanh chóng đi tìm việc làm, vì thế, chậm trễ trong tổ chức tuyển dụng sẽ dẫn đến hoặc thiếu nguồn tuyển hoặc tuyển được nhưng chất lượng không cao.
Bí thư Phạm Viết Thanh đề nghị các sở ngành liên quan, trong đó Sở Nội vụ rà soát, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết để công tác tuyển dụng giáo viên diễn ra nhanh hơn, suôn sẻ hơn.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đài Thy phát biểu tại buổi làm việc
Liên quan đến chế độ, chính sách đối với giáo viên, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở GD&ĐT báo cáo rõ việc chuyển đổi ngạch bậc cho những giáo viên đã được xét thăng hạng.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có hơn 1.600 người đã được công nhận thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Các loại chế độ, chính sách đã và đang thực hiện, trong thời gian tới, những trường hợp còn lại sẽ được giải quyết.
Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Thị Lệ cũng làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến việc sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở, tổ chức lại nhiều trường THPT theo tinh thần Nghị quyết 19 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
“Đến nay, Sở đã sáp nhập xong 5 trường THPT. Ở cấp huyện, các địa phương đã sắp xếp, tổ chức lại 3 trường mầm non, 30 trường tiểu học và 10 trường THCS”- lãnh đạo Sở GD&ĐT báo cáo với đoàn công tác.
Riêng kế hoạch xây dựng một trường chất lượng cao ngoài công lập trong Trường CĐSP Tây Ninh, lãnh đạo Sở cho biết đây là vấn đề khó, chưa thực hiện được.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh lưu ý, chất lượng giáo dục Tây Ninh được cải thiện sẽ có nhiều cái lợi, trong đó giữ chân được những người có thu nhập cao để họ thấy không nhất thiết phải cho con đi học ở TP.Hồ Chí Minh.
Đ.V.T