Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Băn khoăn làng nghề truyền thống: Kỳ 1: Hắt hiu làng nghề chằm nón lá Ninh Sơn
Thứ sáu: 05:50 ngày 15/03/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Lý do khiến làng chằm nón lá Ninh Sơn hiu hắt và đang mai một là do quá trình… phát triển của xã hội!

Lý do khiến làng chằm nón lá Ninh Sơn hiu hắt và đang mai một là do quá trình… phát triển của xã hội!

Cụ Mãnh: “Vừa chán, vừa ngán nhưng vẫn phải chằm nón mỗi ngày”

(BTN) - Trong xu thế phát triển, “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” những năm gần đây, có những làng nghề - sản phẩm làng nghề bỗng “phất lên”, ngày càng nổi tiếng và trở nên sung túc như làng nghề làm bánh tráng phơi sương (Trảng Bàng), nghề chế tác gỗ ở Hiệp Tân (Hoà Thành). Có làng nghề “sống được” như làng nghề se nhang (Hoà Thành). Có làng nghề thăng trầm, ba chìm bảy nổi như làng mây tre thủ công mỹ nghệ (Hoà Thành). Cũng có những làng nghề đang dần mai một hắt hiu theo cơ chế thị trường như làng chằm nón Ninh Sơn (Thị xã), làng rèn Lộc Trác (Trảng Bàng).

Đến Ninh Sơn, vào “xóm nón lá”, tôi được người dân địa phương hướng dẫn đến nhà một số hộ chằm nón lâu năm ở đây. Thế nhưng, tôi không khỏi thất vọng khi hay rằng nhiều người trong số đó đã “bỏ nghề”. Một số khác chỉ còn “làm thêm lúc rảnh rỗi”. Bây giờ, ở đây không còn cảnh chằm nón đông đúc, nhộn nhịp, hối hả như trước nữa. Theo sự giới thiệu của một người dân, tôi đến nhà bà Hộ, 45 tuổi là một trong những người chằm nón lá “có tiếng” ở Ninh Sơn. Bà Hộ đang ở nhà… hàng xóm, vốn là một cơ sở làm chổi bông cỏ. Trên tay bà Hộ là cái mô (khung chằm nón) và một số vật dụng, nguyên liệu chằm nón. “Ở nhà chằm nón một mình buồn quá nên sang đây ngồi”, bà Hộ nói. Theo bà Hộ, gần đây bà cũng chỉ chằm nón những khi rảnh rỗi để “kiếm thêm” chứ không xem đây là nghề chính nữa.

Theo số liệu thống kê của UBND thị xã Tây Ninh từ hơn một năm trước, Thị xã có khoảng 150 người làm nghề chằm nón lá, chủ yếu tập trung ở xã Ninh Sơn. Chỉ riêng ở “xóm chằm nón” Ninh Thọ đã có ngoài trăm hộ làm nghề này. Trong đó, có nhiều hộ gia đình có thu nhập chính từ nghề chằm nón. Nón lá nhiều kiểu, loại từ xóm chằm nón Ninh Sơn trước đây được đưa đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh, có “thương hiệu” đã khoảng hơn nửa thế kỷ qua. “Khoảng 15 năm trước, ở Ninh Sơn vẫn còn vài trăm người làm nghề chằm nón. Nhưng giờ bỏ nghề gần hết rồi, chỉ còn chừng vài chục người thôi. Nhiều người chọn nghề khác có thu nhập khá hơn, đỡ cực hơn!”, cụ Phan Thị Mãnh, 78 tuổi, ngụ ấp Ninh Thọ cho biết.

Theo lời cụ Mãnh, nghề chằm nón lá Ninh Sơn theo chân những người miền Trung– chủ yếu là dân Bình Định vào Tây Ninh lập nghiệp, và định cư ở xã Ninh Sơn khoảng hơn nửa thế kỷ trước. Từ huyện Hoài Ân (Bình Định), bà Mãnh vào Tây Ninh và sống ở Ninh Sơn đã 60 năm. “Lúc mới vào đây, đa số chúng tôi đều nghèo khó, không đất sản xuất và cũng không có nghề nghiệp phù hợp với nơi ở mới. Do đó, nhiều người trong chúng tôi đã tận dụng nghề đặc trưng ở địa phương mình là nghề chằm nón lá để mưu sinh. Rất nhiều người ở xóm này làm nghề chằm nón, người này chỉ người kia, có nhà có chín, mười người chằm nón. Tôi cũng nhờ nghề chằm nón mà nuôi mấy đứa con khôn lớn”– cụ Mãnh mơ màng xa xăm…

Giờ, tuổi đã quá “thất thập cổ lai hy” nhưng cụ Mãnh vẫn cặm cụi ngồi chằm nón. Cụ cho biết, trừ những hôm trái gió trở trời, đều đặn hôm nào cũng giống hôm nào, cụ ngồi lặng lẽ bên mô nón, bên những sợi cước, bên những chùm lá mật cật để cho ra đời những chiếc nón nặng hồn dân tộc. Thế nhưng, nghe cụ trải lòng mà cảm thấy… buồn: “Từng tuổi này rồi mà vẫn còn chằm nón là vì muốn kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy cho con cháu đỡ lo, mà mình cũng đỡ buồn, đỡ bệnh. Nói thật với cháu, chứ tôi vừa chán, vừa ngán dữ lắm! Nhưng già rồi, đâu có làm nghề gì khác được, phải theo nghề thôi”.

Tôi hỏi vì sao sau hàng chục năm gắn bó với “nghề” chằm nón, giờ đến tuổi xế chiều lại “chán ngán” nghề này thì cụ cho biết: “Bây giờ khó sống được với nghề này vì thu nhập thấp quá”. Mỗi chiếc nón chằm hoàn chỉnh, cụ Mãnh bán cho vựa chỉ được 10.000 đồng. Trừ vốn, chưa tính công, cụ Mãnh kiếm được từ mỗi chiếc nón lá 5.000 đồng. Mỗi tháng, cụ Mãnh chằm được chừng… 40 cái. Vậy là trừ vốn, cụ Mãnh “thu nhập” được… 200.000 đồng sau nhiều ngày tẩn mẩn, tỉ mỉ chằm nón. “Tụi trẻ hơn, chằm giỏi hơn thì mỗi ngày có thể làm được cả chục chiếc nón. Nhưng mấy đứa em, cháu tôi vẫn chê thu nhập thấp, không bằng đi làm thuê, đi làm xí nghiệp hoặc bán vé số. Tụi nó chỉ chằm nón kiếm thêm những lúc rảnh rang, hoặc buổi tối”.

Ông Lê Đình Thoại– chủ vựa nón lá ở ấp Ninh Thọ cho biết: “Đúng là thu nhập từ nghề chằm nón hiện nay quá thấp nên nhiều người đã bỏ nghề. Trước đây, có thể nói là ở đây nhà nhà đều chằm nón. Nghề chằm nón kéo theo việc làm cho nhiều người trong khâu cung cấp nguyên liệu như nghề đi rừng hái lá mật cật về phơi bán, nhưng bây giờ người chằm nón có thể đếm trên đầu ngón tay. Khoảng 10 năm trước, Ninh Sơn có khá nhiều vựa nón lá nhưng hiện chỉ còn rất ít. Nhà tôi vẫn duy trì nghề buôn nón nhưng không thể sống được nếu chỉ sống bằng nghề này. Giá nón thu mua hiện có nhiều mức, tuỳ theo chất lượng, từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/chiếc. Hồi trước, chỉ riêng vựa của tôi đã bán đi các tỉnh miền Tây mỗi tháng vài ngàn chiếc nón lá. Thế nhưng mấy năm gần đây, mỗi tháng tôi chỉ bán được một hai trăm nón tại Tây Ninh là cùng”.

Theo ông Thoại, lý do khiến làng chằm nón lá Ninh Sơn hiu hắt và đang mai một là do quá trình… phát triển của xã hội. “Ngày trước, phụ nữ đi làm chủ yếu bằng xe đạp. Nên dù đi đến công sở hay làm nông họ đều đội nón lá. Sau này, hầu hết mọi người đều đi xe máy, đội mũ bảo hiểm nên nhu cầu tiêu thụ nón lá còn rất thấp. Mà khi mức tiêu thụ trên thị trường thấp, ít người mua thì nón lá trở nên rẻ, dẫn đến thu nhập của người làm nón thấp”.

(còn tiếp)

DU THI

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục