Trong phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2010 của Đảng bộ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu có bổ sung một nội dung mới: thúc đẩy việc tiến hành thực hiện dự án khai thác mỏ đá trên địa bàn xã. Như vậy, dự án mỏ đá Suối Đá (tên đầy đủ là “Dự án khai thác chế biến mỏ đá xây dựng và sét gạch ngói Suối Đá”) là hạng mục mới phát sinh, không nằm trong nghị quyết của Đảng bộ xã từ đầu năm. Mới đây, trong nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội-quốc phòng an ninh 6 tháng cuối năm 2011 của HĐND xã Suối Đá, khoá X, kỳ họp thứ 2, dự án này cũng được đưa vào. Vì sao một chủ trương kinh tế xã hội quan trọng lại không nằm trong kế hoạch phát triển mang tính chiến lược của địa phương mà lại được tiến hành một cách đột xuất, khẩn trương như thế?
Hiện nay, chủ trương thực hiện dự án chỉ mới triển khai trong nội bộ Đảng, chính quyền xã và một số hộ dân sống và có đất nằm trong khu vực giải toả chứ chưa được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, từ khi râm ran nguồn tin về dự án, dư luận của người dân tại các ấp Phước Hoà, Tân Định 1 xã Suối Đá và ấp Phước Tân 1, xã Phan rất băn khoăn, lo lắng. Người ở trong khu vực quy hoạch băn khoăn vì không biết chính sách đền bù như thế nào, tiền đền bù có đủ để đảm bảo việc tái định cư ổn định cuộc sống. Người ở gần khu vực mỏ thì lo lắng, hoang mang trước viễn cảnh môi trường sống sẽ bị đảo lộn vì ô nhiễm bụi đất, tiếng ồn, dư chấn của mìn phá đá… Theo chúng tôi được biết, dự án đã qua giai đoạn thăm dò, và ngày 5.10.2009 UBND tỉnh Tây Ninh đã ký Quyết định số 2069/QĐ-UBND phê duyệt kết quả thăm dò trữ lượng khoáng sản. Như vậy, có thể nói dự án đã được “bật đèn xanh” và chuyện chủ dự án (Công ty cổ phần khoáng sản và đầu tư Sài Gòn) tiến hành khai mỏ chỉ còn là vấn đề thời gian.
|
Trường THCS Suối Đá nằm trong khu vực giải toả |
Theo sơ đồ vị trí của dự án, chúng tôi tìm đến khu vực dự kiến mở mỏ, và hết sức ngạc nhiên khi biết địa điểm khai thác nằm sát địa bàn dân cư. Cách khu vực khai thác vài trăm mét là nhà cửa người dân san sát, đồng thời ở đây còn có 2 ngôi trường THPT và THCS khang trang, sạch đẹp, là niềm mơ ước, tự hào của người dân bao nhiêu năm nay. Chưa kể cách đó khoảng bốn, năm trăm mét còn có trường mầm non, cơ sở thờ tự của tôn giáo, đặc biệt là dinh Ông, nơi yên nghỉ của những vị tiền hiền khai sơn phá thạch một vùng đất có bề dày lịch sử văn hoá lâu đời. Quan sát toàn bộ khu vực, ngoại trừ một số ít diện tích có đá lồi lên mặt đất, chúng tôi thấy còn lại phần lớn là những thửa đất màu mỡ, bằng phẳng, cây trồng xanh tốt, giếng khoan nước ngọt quanh năm. Rõ ràng đây không phải là vùng đất chết, không có khả năng canh tác trồng trọt. Với thời gian khai thác mỏ dự kiến là 25,5 năm, nghĩa là hàng ngàn dân nơi đây sẽ sống trong tiếng mìn phá đá, âm thanh ồn ào của máy khai thác, chế biến cùng bụi bặm và ô nhiễm trong ngần ấy năm.
Tìm hiểu về hệ quả của việc khai thác mỏ đá ở một số tỉnh thuộc khu vực miền Đông cho thấy, sau khi đóng mỏ phần còn lại là những hố sâu thăm thẳm vĩnh viễn không có khả năng phục hồi nguyên thổ. Tại Bình Dương, bốn hố nước sâu do khai thác mỏ đá để lại cạnh Trường Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thuộc xã Đông Hoà, huyện Dĩ An từ năm 1993 đến nay đã “nuốt” gần năm mươi mạng người. Ở Đồng Nai, người dân cũng đang khổ sở vì những cái bẫy chết người từ những mỏ đã đóng, hay phải sống chung với khói bụi thải ra đối với những mỏ đang khai thác, chưa kể một số khu vực gặp phải tình trạng cạn kiệt mạch nước ngầm, đường sá dơ bẩn, xuống cấp, cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Sẽ thật xót xa khi một vùng đất bằng phẳng phì nhiêu rồi sẽ vĩnh viễn trở thành hố sâu thăm thẳm, nham nhở trơ ra những vỉa tầng lở loét. Cảnh quan bị tàn phá, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm quý giá, chưa kể hầm hố này sẽ trở thành mối đe doạ tính mạng con người, nhất là trẻ em vào mùa nước ngập.
Hiện nay, nhu cầu về vật liệu xây dựng đang là vấn đề nóng bỏng trong giai đoạn tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh nhà. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc khai thác vật liệu xây dựng như đá, cát cần phải có quy hoạch mang tính chiến lược lâu dài chứ không phải làm tràn lan, manh mún, đặc biệt cần phải xem xét những khu vực có mỏ nhưng mật độ dân cư đông đúc. Hệ quả nhãn tiền đã xảy ra ở một số huyện với những hố sâu nham nhở do khai thác đất; những dòng suối, con rạch bị xói mòn, sạt lở do nạn “sa tặc” mà Báo Tây Ninh đã phản ánh qua những loạt phóng sự rất ấn tượng là một ví dụ sinh động. Ngay cả mỏ đá hiện đang khai thác tại ấp Lộc Trung, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu nằm rất xa khu vực dân cư mà vẫn gây những điều bức xúc ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong ấp. Hơn nữa, khối lượng đất đá thu được ở mỏ mới tại Suối Đá theo dự toán cũng không đáng là bao so với nhu cầu xây dựng chung. Nghĩa là không có mỏ đá này cũng không ảnh hưởng lắm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh nhà, và hiệu quả thu được từ mỏ này chưa chắc đã hơn so với những nông sản làm ra trong nhiều thập niên nữa. Nhu cầu về đất sản xuất, đất ở ngày càng tăng theo đà tăng trưởng dân số và sự phát triển của tỉnh nhà nói chung, huyện Dương Minh Châu nói riêng, thì việc gìn giữ từng tấc đất là điều cần thiết nhằm ổn định cuộc sống lâu dài, bền vững của người dân. Trong khi tại một số nước trong khu vực, người ta mua cát về để lấn biển mở rộng đất đai thì tại sao chúng ta lại làm điều ngược lại?
Việc mở mỏ đá tại ấp Phước Hoà, xã Suối Đá là sự kiện quan trọng có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trên một phạm vi rộng, thiết nghĩ cần thiết phải đưa vấn đề này ra bàn bạc công khai lấy ý kiến nhân dân (nhất là những người sống trong phạm vi có ảnh hưởng), như thế mới là thực hiện đúng tinh thần Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở. Đồng thời cũng nên phát huy vai trò phản biện của UBMTTQVN, các hội đoàn của xã, tránh tình trạng áp đặt chủ trương từ cấp trên xuống.
P.H