Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Băn khoăn về nước sạch nông thôn
Thứ sáu: 08:43 ngày 23/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khoẻ và chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, nước sạch nông thôn hiện nay có thật sự “sạch” để người dân an tâm sử dụng hay chưa là một vấn đề được nhiều người quan tâm.

Nước sạch chưa “sạch”

Trước thực trạng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm không thể sử dụng được, người dân ấp Suối Dộp (xã Thái Bình, huyện Châu Thành) phải mua nước bình để sử dụng từ nhiều năm qua, mặc dù nơi đây có trạm nước sạch.

Anh Ngô Tấn Hoàng, một người dân trong khu vực cho biết, gia đình anh vẫn phải vừa trả tiền sử dụng nước sạch cho trạm cấp nước Suối Dộp, vừa phải mua nước đóng bình sử dụng, bởi nhiều lúc thấy nước đục ngầu nên chỉ dám dùng để tắm giặt, tưới cây chứ không dùng nấu ăn, uống.

Gia đình bà Thuý, ngụ tổ 11, khu phố 4, thị trấn Châu Thành đang sử dụng nước từ trạm cấp nước sạch Suối Dộp. Bà Thuý cho biết: “Nước lúc đục lúc trong, phải để lắng khoảng 30 phút mới dùng được”. Và như nhiều hộ khác, bà Thuý cũng phải mua nước bình để nấu ăn, uống vì sợ “nước máy” không bảo đảm an toàn cho sức khoẻ.

Tương tự, người dân ấp Tân Thuận, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu đang rất khát “nước sạch”. Anh Nguyễn Minh Tiến, ngụ ấp Tân Thuận cho hay, gia đình anh đang sử dụng nước từ 3 nguồn.

Ðầu tiên là nước giếng khoan chỉ dùng tưới cây vì bị ô nhiễm nặng. Kế đến là nguồn nước từ trạm cấp nước sạch của ấp Tân Thuận, nhưng nguồn nước này cũng có vấn đề, hay sủi bọt trắng xoá, có mùi hôi Clo khá nồng. Nguồn nước này gia đình anh dùng tắm giặt. Cuối cùng, nước dùng để nấu ăn, uống là nước được mua với giá 10.000 đồng/bình.

Bà Võ Thị Ngọc Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hoà xác nhận, nguồn nước ngầm ở 3 ấp Tân Thuận, Con Trăn, Bà Chiêm điều bị nhiễm vôi khá nặng, người dân không thể sử dụng được. Hiện tại, dù Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh đã đầu tư trạm nước sạch đặt tại ấp Tân Thuận, nhưng người dân không an tâm sử dụng.

Bên cạnh chuyện nước sạch nhiều người dân còn bức xúc về chuyện một số trạm thường xuyên “cạn” nước. Nhiều người ngao ngán: “Cứ vài bữa lại cúp, khi thì súc bồn, lúc máy hư!”. Một người dân ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hoà còn cho biết, có khi trạm cúp nước đến 2 ngày, gây khó khăn cho việc sinh hoạt của người dân.

Theo bà Võ Thị Ngọc Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hoà,  do trạm cấp nước sạch sử dụng đường ống cũ nên hay bị vỡ, phải cúp nước để khắc phục.

Trong khi đó, theo phản ánh của một số hộ dân tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Ðiền, huyện Châu Thành, nước sạch từ trạm cấp nước ấp Bến Cừ thỉnh thoảng có  nhiều mảng rong lớn, gây tắc ống khi đấu nối vào máy giặt, máy lọc nước.

Tăng giá thu phí để tăng chất lượng nước

Ông Ðinh Hùng Danh, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh- là đơn vị quản lý các trạm cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh cho biết, với mục tiêu đặt ra trên 98% người dân khu vực nông thôn của tỉnh được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh vào năm 2020, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 68 công trình cung cấp nước sạch cho hơn 17.000 hộ, chất lượng nước đáp ứng QCVN 02:2009 của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhiều trạm bị quá tải dẫn đến tình trạng các máy bơm thường xuyên hư hỏng. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng các công trình cấp nước.

Cán bộ vận hành công trình chưa qua đào tạo quản lý, vận hành, khi công trình gặp sự cố thường không có khả năng khắc phục nên có tình trạng như người dân phản ánh.

Ðể khắc phục vấn đề trên, Trung tâm đã đề xuất với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tăng giá thu phí, nhằm tạo nguồn vốn duy tu sửa chữa và đầu tư các trang thiết bị bơm, lọc hiện đại, bảo đảm cung cấp nước sạch đúng tiêu chuẩn để người dân an tâm sử dụng.

Minh Dương

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục